Bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung để chấm dứt bức cung, nhục hình

Thời sựThứ Tư, 17/06/2015 04:00:00 +07:00

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung để giảm bức cung, nhục hình.

(VTC News) – Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung để giảm bức cung, nhục hình.

Ngày 17/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên)
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) 
Góp ý đầu tiên cho dự thảo luật, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội ủng hộ việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung. Quy định này nhằm đảm bảo quá trình hỏi cung, ghi nhận khách quan hoạt động nghiệp vụ của điều tra viên, kiểm soát viên, luật sư.

“Là bằng chứng khách quan để bảo vệ điều tra viên nếu bị nghi can vu cáo cho là bức cung, nhục hình. Bảo vệ bị can nếu việc bức cung, nhục hình là có thật. Bảo vệ luật sư nếu bị nghi ngờ là xui cho bị can chối tội”, đại biểu Lê Thị Nga nói.

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) là Bộ luật có quy mô lớn liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân trên lĩnh vực hình sự.

Về ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can, điều luật quy định rất rõ là khi hỏi cung bị can phải ghi âm, ghi hình.

“Tôi cho đây là một quy định tiến bộ, quy định này thể hiện việc khi hỏi cung sẽ có sự công khai, minh bạch và có sự giám sát nên sẽ khắc phục được việc bức cung, nhục hình”, đại biểu Nguyễn Thái Học nói.

Tuy nhiên, ông Học cũng băn khoăn về nguồn kinh phí để trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình cho tất cả các cuộc hỏi cung.

“Quan điểm của tôi ủng hộ, bởi nếu chúng ta khắc phục được vấn đề bức cung, nhục hình, chúng ta bảo vệ được quyền con người thì có tốn kinh phí cũng có thể xem xét”, đại biểu Nguyễn Thái Học nêu quan điểm.
Năm bị cáo cựu sĩ quan công an tại phiên xử phúc thẩm trong vụ đánh chết người ở Phú Yên. Ảnh: Tấn Lộc
Năm bị cáo cựu sĩ quan công an tại phiên xử phúc thẩm trong vụ đánh chết người ở Phú Yên. Ảnh: Tấn Lộc  
Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cũng nhất trí với chủ trương ghi âm, ghi hình tất cả mọi trường hợp.

“Theo một số ý kiến, chỉ những trường hợp cần thiết thì về mặt trang thiết bị và đầu tư cơ sở vật chất là như nhau, bởi vì ghi nhiều hay ghi ít thì cũng đều phải có máy móc như nhau”, ông Trường nói.

Ông Trường cho rằng việc ghi tất cả những trường hợp hỏi cung, xét hỏi... giữa cơ quan tố tụng và người tiến hành tiến tụng với bị can, bị cáo, nhằm ngoài việc chống ép cung, chống nhục hình và đặc biệt giúp cho cơ quan tố tụng những trường hợp bị phản cung.

“Không ai thích gì khi làm một việc luôn luôn có một cái máy theo dõi, quản lý chặt chẽ, nhưng theo tôi trong thực tế để tránh được những sai sót thì nên áp dụng biện pháp này. Tuy có tốn kém, phải đầu tư, nhưng tôi nghĩ có thể làm được để đảm bảo chế định này”, đại biểu Trường nêu quan điểm.
Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) 
Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng việc bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung của bị can là một trong những đổi mới nhằm tăng tính minh bạch của hoạt động tố tụng, hạn chế tình trạng bức cung nhục hình dẫn đến oan sai, những vụ mớm cung, dùng nhục hình thời gian qua không chỉ có ở những vụ án rất nghiêm trọng,

Tuy tỉ lệ các vụ oan sai do bức cung, nhục hình chiếm tỉ lệ nhỏ, nhưng qua giám sát vừa qua cũng đã khẳng định sự cần thiết phải ghi âm, ghi hình trong các hoạt động lấy lời khai.

“Vì vậy, tôi rất đồng tình với quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can, nhằm bảo vệ quyền con người đã được Hiến pháp quy định. Đây cũng là một trong những căn cứ để bảo vệ cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật”, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy khẳng định.

Clip: Bắt tiếp cán bộ vụ án oan sai ông Nguyễn Thanh Chấn


Đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) cho biết qua báo cáo giám sát oan sai vừa qua cho thấy, bức cung, nhục hình dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nhưng đang tồn tại, do vậy quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hỏi cung bị can với trình tự thủ tục chặt chẽ, sẽ là biện pháp giám sát hiệu quả đối với hoạt động điều tra, hạn chế tình trạng bức cung, nhục hình.

Đồng thời, đây là căn cứ quan trọng để bảo vệ người tiến hành tố tụng đúng pháp luật, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo về bức cung, nhục hình thiếu căn cứ.

“Ý kiến thẩm tra của Ủy ban tư pháp cho rằng chỉ ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung đối với các tội và hình phạt tù chung thân và tử hình là không phù hợp. Vì trên thực tế việc bức cung, nhục hình để xảy ra oan sai, không chỉ xảy ra đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà còn xảy ra đối với mọi loại tội phạm”, đại biểu Trường khẳng định.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn