Bắt buộc đàn ông 'hám của lạ' phải chữa bệnh

Thời sựThứ Bảy, 19/11/2011 12:05:00 +07:00

(VTC News) - “Người mua dâm cũng sẽ bị lây bệnh, không lẽ pháp luật chỉ xử lý người bán dâm? Phải xử lý công bằng cả hai đối tượng!”

(VTC News) – Nếu người bán dâm có bệnh truyền nhiễm thì nên quy định bắt buộc chữa bệnh, cũng nên quy định bắt buộc chữa bệnh với người mua dâm mắc bệnh truyền nhiễm.


Chiều 18/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật xử lý vi phạm hành chính.

Phải xử lý cả đối tượng mua dâm và bán dâm cho công bằng


Điều 27 của dự án Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Buộc chữa bệnh là hình thức xử phạt bổ sung buộc người có hành vi bán dâm mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục phải chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đây cũng là nội dung được nhiều ĐBQH góp ý, thảo luận.

ĐB Phạm Minh Tân (Đắc Lắc) cho rằng, nếu người bán dâm có bệnh truyền nhiễm thì cũng nên quy định bắt buộc chữa bệnh, với người mua dâm mắc bệnh truyền nhiễm cũng thế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý (Ảnh: Internet) 
Đồng tình với ĐB Tân, ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) cũng đưa ra tình huống, có nên xử lý người bán dâm không? vì không có người mua dâm thì không có người bán dâm. “Người mua dâm cũng sẽ bị lây lan bệnh, không lẽ pháp luật chỉ xử lý người bán dâm? Phải xử lý công bằng cả hai đối tượng!” – ĐB Bình nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, dự thảo Luật không quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh; nếu họ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Đồng thời, quy định thêm biện pháp phạt bổ sung là buộc người bán dâm phải chữa bệnh. Theo đó, Uỷ ban Pháp luật tán thành quy định của dự thảo Luật về vấn đề này.


Tuy nhiên, ông Lý cũng nhấn mạnh, cần cân nhắc tính khả thi việc quy định biện pháp phạt bổ sung, bởi vì, theo quy định của dự thảo Luật thì mỗi khi người bán dâm bị xử phạt thì Nhà nước phải tổ chức khám bệnh cho họ, nếu có bệnh thì bắt buộc chữa bệnh.

Mặt khác, trong quá trình bắt buộc người bán dâm phải khám bệnh, trường hợp phát hiện họ mắc bệnh lây truyền thì buộc phải chữa bệnh là thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta;

Nhưng theo Ủy ban Pháp luật, vấn đề này cần làm rõ trường hợp người bán dâm không có tiền thì ai phải trả khoản tiền khám, chữa bệnh cho họ nhằm bảo đảm tính khả thi và công bằng xã hội.

Đây cũng là thắc mắc của ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh), về vấn đề này, ĐB Thực cho rằng dự luật quyết định chung chung, “sao biết họ có bệnh? chi phí khám chữa bệnh ai lo? công an bắt đối tượng này nhưng nếu không quy định rõ thì công an chẳng giữ đối tượng này (người bán dâm – PV) làm gì, luật cũng không quy định rõ ai sẽ giữ đối tượng này… nên đề nghị luật quy định rõ các cơ quan thực thi chức năng khi phát hiện đối tượng này thì giữ và giao các cơ sở y tế khám bệnh” – ĐB Thực đề xuất.

Ngoài ra, khi thảo luận, cũng có một số ý kiến đề nghị vẫn nên tiếp tục áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh.

Theo luồng ý kiến này, trong điều kiện hiện nay khi chưa có đủ điều kiện về kinh tế để buộc người bán dâm bỏ hoạt động mại dâm thì biện pháp xử lý nghiêm bằng việc cách ly họ khỏi cộng đồng trong thời gian nhất định sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa hiệu quả.

Nếu bỏ biện pháp này thì tệ nạn mại dâm sẽ phát triển, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống xã hội.


Tuy nhiên, theo Ủy ban Pháp luật, nếu tiếp tục duy trì biện pháp này thì cần cải tiến, nâng cấp cơ sở chữa bệnh, có biện pháp quản lý, giáo dục hữu hiệu, tạo công ăn, việc làm ổn định giúp những người bị áp dụng biện pháp này trở thành người lương thiện.

Không phải phạt cao là hiệu quả!

Nhiều ĐBQH cũng thảo luận xung quanh quy định mức xử phạt tiền tối thiểu là  50.000 đồng và tối đa là 2.000.000.000 đồng trong dự án luật.


ĐBQH Nguyễn Đình Quyền - Ảnh: Internet. 

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, tăng mức phạt tiền lên không phải là biện pháp cứu cánh giải quyết mọi vấn đề.


ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cũng đồng tình cho rằng, dự thảo luật tăng mức phạt tiền so với hiện hành lên đến 2 tỷ đồng, tất nhiên là cần nâng để bảo đảm tính răn đe chonghiêm khắc “nhưng nâng bao nhiêu thì cần cân nhắc, có những lĩnh vực nên chăng giảm cho phù hợp” – ĐB Luyến đề nghị.


Còn theo ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai), xử phạt hành chính bằng tiền lên tới 2 tỷ đồng là mức phạt cao, tuy nhiên cũng nên nghiên cứu cho phù hợp với mức sống chung của xã hội.


“Không phải phạt cao là hiệu quả, thực tế một số trường hợp phạt cao thì người bj xử phạt không có khả năng thi hành nên đây cũng là nguyên nhân gây tồn đọng án”- ĐB Bình nêu.


Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng cho biết, Uỷ ban pháp luật nhận thấy việc tăng mức phạt tiền là cần thiết, để bảo đảm tính răn đe, phù hợp với thực tiễn, nhưng cần cân nhắc mức tăng bao nhiêu là hợp lý? 


Mặt khác, theo ông Phan Trung Lý, không nên chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền cao mà cần quan tâm các giải pháp khác về kinh tế - xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phải chú trọng công tác tổ chức, thực hiện nghiêm các biện pháp khác. Chẳng hạn, đối với hành vi xây dựng trái phép chỉ cần phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền vừa phải nhưng áp dụng nghiêm biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” sẽ có tác dụng tốt hơn, tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại”.

“Có ý kiến cho rằng, so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (mới qua 3 năm thi hành từ 2008 đến nay) thì mức phạt tiền tối thiểu tăng gấp 5 lần và mức phạt tiền tối đa tăng gấp 4 lần là quá cao, không phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như thu nhập của nhân dân; không tương xứng so với mức phạt tiền được quy định trong Bộ luật hình sự” – ông Lý nhấn mạnh.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn