Bắt bệnh làng có nhiều tội phạm

Thời sựThứ Sáu, 01/02/2013 12:00:00 +07:00

(VTC News) – Tội phạm hoành hành là do sự bất cập trong việc quản lý tốc độ đô thị hóa ở các địa phương ngoại ô thủ đô.

(VTC News) – Tội phạm hoành hành là do sự bất cập trong việc quản lý tốc độ đô thị hóa ở các địa phương ngoại ô thủ đô.

Liên quan tới việc ở ngoại thành Hà Nội đang bùng nổ khá nhiều tệ nạn xã hội, tội phạm hoành hành, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Xã hội học).

- Thời gian gần đây, tại các khu vực ngoại thành Hà Nội xuất hiện rất nhiều tệ nạn xã hội. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới sự bùng nổ các tệ nạn đó?


Người ta vẫn hay chỉ ra một điều: Các vùng ven, đặc biệt là vùng giáp ranh của các đô thị lớn như Hà Nội thường là bước đệm của những sự trung chuyển của những hình thức dịch vụ, sinh hoạt xã hội… Nói gọn lại, đó chính là nơi hội tụ các mặt trái của đời sống đô thị.

Trong quá trình đô thị hóa, đất đai, nhà cửa, vườn tược…được chuyển hóa. Người dân, một bộ phận đáng kể người ta có tiền, nhưng lại không sử dụng vào những mục tiêu chiến lược, đầu tư có tính chất dài hơi mà trước mắt cứ ăn tiêu đã.

Đi kèm với việc người dân có tiền ăn tiêu như thế, hệ thống các dịch vụ ăn theo của quá trình đô thị hóa cưỡng bức (quán karaoke, café lành mạnh và không lành mạnh, bài bạc…), kể cả các hình thức khác như ma túy, mại dâm sẽ nảy sinh, bùng nổ để đáp ứng những hình thức tiêu tiền kiểu như thế. Đấy là hệ lụy đương nhiên của quá trình đô thị hóa, nhất là đô thị hóa cưỡng bức.

Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình  
Cũng cần phải nói thêm là những kế hoạch đào tạo nghề, đầu tư phát triển nông thôn bền vững… cho những người nông dân mất đất, chưa được làm đến nơi đến chốn, khiến người nông dân không tiêu được đồng tiền một cách xứng đáng nên mới phải trả vào những khu vực nhạy cảm.

Trong bối cảnh đó, các tệ nạn xã hội dễ xảy ra bởi đó là hình thức để một nhóm người lấy lại tiền nhanh nhất trong khi bộ phận kia cũng tiêu được tiền nhanh nhất.

Thời gian qua, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn. Khi con người ta khó khăn, kể cả có tiền đi chăng nữa họ cũng sẽ tìm cách tiêu xài, vỗ về làm sao để thỏa mãn những nhu cầu, khoái lạc. Thế cho nên các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm mới bùng phát.

Chúng ta đang tiến tới xây dựng một xã hội văn minh, coi trọng luật pháp, nhưng tính răn đe, hiệu lực pháp luật vẫn chưa thực sự thật tốt, thành ra khả năng trừng phạt, răn đe bộ phận cung ứng hệ thống dịch vụ tệ nạn  chưa cao.

Nếu mạnh dạn nói thêm một chút thì xã hội cũng giống như cơ thể con người vậy. Nó cũng ủ bệnh. Khi xã hội phát triển, những “bệnh tật” ngoại lai dễ xâm nhập trong khi hệ thống “bạch cầu” không đủ mạnh để đẩy lùi những thói hư, tật xấu. 

- Có ý kiến cho rằng, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh “chóng mặt” mới là nguyên nhân chính khiến các tệ nạn bùng phát mạnh mẽ hơn không chỉ ở ngoại thành mà còn trong cả nội thành Hà Nội. Quan điểm của ông thế nào?

Như tôi vừa đề cập, khi người ta tiến hành đô thị hóa cưỡng bức mà quá trình chuẩn bị không được đầy đủ sẽ khiến bình diện hiện đại, văn minh của quá trình đô thị hóa ít được nhìn thấy hơn so với những hệ lụy, mặt trái của nó.

Lẽ ra một xã hội đô thị phải có hệ thống luật pháp, chính sách công, chế định xã hội… để quản lý tốt chính quyền đô thị. Nhưng tại nước ta hiện nay, vấn đề đặt ra là chưa quản lý tốt chính quyền đô thị.

Chúng ta chưa có những hình thức quản lý thực sự thích hợp, xác đáng. Chúng ta đang vừa làm vừa mày mò, rút kinh nghiệm. Do vậy, nếu đô thị hóa cưỡng bức hay đô thị hóa khi chưa chuẩn bị đầy đủ những vấn đề tương thích với mô hình thì sẽ gây chới với, nhiều bất cập, không đủ sức làm lành mạnh hóa xã hội.

 

Chúng ta chưa có những hình thức quản lý thực sự thích hợp, xác đáng. Chúng ta đang vừa làm vừa mày mò, rút kinh nghiệm. Do vậy, nếu đô thị hóa cưỡng bức hay đô thị hóa khi chưa chuẩn bị đầy đủ những vấn đề tương thích với mô hình thì sẽ gây chới với, nhiều bất cập, không đủ sức làm lành mạnh hóa xã hội.
Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình
 
Đương nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên đi ngược lại quá trình đô thị hóa. Đô thị hóa là quá trình tất yếu sẽ diễn ra cùng với những hệ lụy đi kèm nếu chúng ta không có một vương quyền đủ mạnh, những hình thức quản lý tương thích với quá trình phát triển ấy.


Doanh nghiệp cũng có một phần trách nhiệm trong chuyện này. Họ là nhà đầu tư. Họ hưởng lợi nhiều nhưng không cung ứng trở lại những dịch vụ đi kèm, những sự chuẩn bị cần thiết để trả lại khu vực bị đô thị hóa thích đáng với phần lợi ích, đất đai, tư liệu sản xuất mà họ được hưởng.

Lấy ví dụ đơn giản, khi doanh nghiệp trả công cho người lao động thấp, người lao động không đủ sống, phải tự thân vận động. Không ít người trong số đó đã sa vào các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, khó đổ hết cho doanh nghiệp. Lỗi ở đây thuộc về phía các nhà quản lý là chính, dù rằng doanh nghiệp cũng sẽ chịu sự “lên án” của cộng đồng.

- Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này thưa ông?

Đó là một bài toán khó dành cho cả cộng đồng, toàn xã hội. Theo tôi phải phát động một cuộc chiến. Trước tiên, giới hoạch định, quản lý phải nhanh chóng cung ứng những dịch vụ tốt để làm lành mạnh xã hội. Họ cũng phải điều chỉnh lại hệ thống quốc sách, bịt  kín những chỗ sơ hở.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm giờ đây chủ yếu là giới trẻ. Do vậy, cũng cần giáo dục, giác ngộ giá trị sống cho giới trẻ nữa.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quân - Nam Minh

Bình luận
vtcnews.vn