Bắt 7 nhóm, 23 người hoạt động tín dụng đen ở Bình Dương

Pháp luậtThứ Năm, 13/12/2018 19:38:00 +07:00

Công an tỉnh Bình Dương đã triệt phá, bắt 7 nhóm, 23 người hoạt động tín dụng đen trong năm 2018.

Chiều 13/12, tại TP.HCM, báo Báo Công an nhân dân đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Nhận diện tín dụng đen và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn".

Hiện nay, hoạt động tín dụng đen tại TP.HCM, Bình Dương đang diễn ra rầm rộ, “vươn vòi bạch tuộc” ra các tỉnh lân cận.

Trong năm 2018, lực lượng công an đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 60 nhóm cho vay nặng lãi với hơn 320 người vi phạm. 

Trả lời với báo chí, Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, cảnh sát đã ngăn chặn, bắt 7 nhóm, 23 người có liên quan đến hoạt động tín dụng đen như: Cho vay nặng lãi, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản...

Điển hình, Công an thị xã Dĩ An đấu tranh với băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” núp bóng dưới danh nghĩa Công ty TNHH Nhất Tín có chi nhánh ở 3 thị xã và 1 thành phố ở tỉnh Bình Dương, do Võ Văn Dương (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội) là quản lý chi nhánh Nhất Tín tại tỉnh Bình Dương cầm đầu.

Công an đã khởi tố 7 người về tội bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích và hiện tại đã làm rõ khởi tố thêm về tội cho vay nặng lãi.

9d680f06-c8e3-4278-b71d-5e4d0f83c660

Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Dương. (Ảnh: báo CAND.)

Theo Công an tỉnh Bình Dương, thời gian qua, Công ty TNHH Nhất Tín đã thành lập nhiều chi nhánh tại các khu vực có đông công nhân làm việc, sinh sống, thuộc khu công nghiệp tại thị xã Dĩ An, thị xã Tân Uyên, thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một.

Công ty này quảng bá rình rang bằng tờ rơi phát đầy các cung đường, giao lộ, trên cột điện, tường rào với ngôn ngữ có cánh "tất cả vì khách hàng vay tiền".

Thậm chí, công ty này còn in nhiều danh thiếp phát rộng rãi trong các khu nhà trọ đông công nhân, với nội dung: "Công ty TNHH Nhất Tín cho vay tiền - Chỉ cầm giấy tờ xe, khách hàng vẫn có xe sử dụng - Cho vay 80% giá trị xe".

Vì vậy, có không ít công nhân đã "sập bẫy", khi vay tiền Công ty TNHH Nhất Tín. Sau đó, người vay tiền không có khả năng chi trả thì nhóm người của Nhất Tín đe dọa, bắt giữ người trái pháp luật.

“Đây chính là lúc công an đã phát lệnh, triệt phá, đồng thời bắt giữ một số thanh niên của công ty hoạt động tín dụng đen”, đại tá Thơm nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an TP. Thủ Dầu Một bắt nhóm 4 người là người Hà Nội cho vay nặng lại ở Thủ Dầu Một do Phùng Đôn Minh (Dũng) ở xã vật Lại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội cầm đầu.

Kết quả điều tra bước đầu xác định Minh đã làm rõ 35 người vay tiền của nhóm này với tổng số tiền vay là 270 triệu đồng, số tiền lãi (thu lợi bất chính) các đối tượng đã thu được là 68 triệu đồng.

Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho rằng, việc triệt phá nhóm người hoạt động tín dụng đen rất khó khăn.

Ông Huấn dẫn chứng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” (Khoản 1, Điều 201): “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”

Quy định “gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” thì hiện nay có nhiều vướng mắc, bất cập nhưng lại chưa có văn bản thống nhất, chưa thống nhất về cách xác định số tiền “thu lợi bất chính” vì vậy tại một số nơi xử lý vụ án rất khó.

Thượng tá Huấn cho rằng nếu liên ngành tư pháp: Cơ quan điều tra – Viện kiểm sát  - Tòa án không thống nhất về cách tính lãi suất, cách xác định số tiền “thu lợi bất chính” thì rất khó xử lý vụ việc.

Để có kết luận về mức lãi suất, Cơ quan điều tra phải trưng cầu Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất để đảm bảo tính khách quan, song thời gian trả lời của Ngân hàng Nhà nước thường rất lâu (pháp luật chưa có quy định thời hạn trả lời giám định).

Việc này dẫn đến thời gian giải quyết vụ án kéo dài trong khi tội phạm cho vay lãi nặng thuộc tội ít nghiêm trọng nên thời hạn điều tra ngắn, khó áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam để điều tra mở rộng hành vi phạm tội.

SONG NGƯ
Bình luận
vtcnews.vn