Bảo vệ siêu thị 'bồng súng' câu khách, người Thái dọn chỗ bán hàng

Kinh tếThứ Tư, 04/05/2016 05:09:00 +07:00

Các vụ thâu tóm doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Việt Nam cho thấy động thái "dọn chỗ" bán hàng của người Thái tại thị trường hơn 90 triệu dân; trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự đoán rằng GDP 2016 có thể khó đạt mức tăng 6,7% và nhiều khả năng giá xăng sẽ tăng trong ngày mai, 5/5.

Các vụ thâu tóm doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Việt Nam cho thấy động thái "dọn chỗ" bán hàng của người Thái tại thị trường hơn 90 triệu dân; trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự đoán rằng GDP 2016 có thể khó đạt mức tăng 6,7% và nhiều khả năng giá xăng sẽ tăng trong ngày mai, 5/5.

Giá xăng có thể tăng 600 đồng/lít

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho hay, với mức chênh lệch giữa giá xăng cơ sở và giá bán lẻ nội địa hiện tại, doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ khoảng 500 đồng/lít với mặt hàng xăng; mặt hàng dầu có mức lỗ cao hơn một chút.
Giá xăng có thể tăng vào chu kì điều chỉnh ngày mai, 5/5
Giá xăng có thể tăng vào chu kì điều chỉnh ngày mai, 5/5  (Ảnh minh họa internet)

Trường hợp, nếu cơ quan chức năng cho phép xả Quỹ  bình ổn khoảng 500 đồng/lít thì giá xăng sẽ được giữ nguyên như hiện tại.

Nếu Quỹ bình ổn được giữ nguyên, mức điều chỉnh giá xăng có thể vào khoảng 500-600 đồng/lít.

Trường hợp vừa xả Quỹ bình ổn, vừa điều chỉnh giá thì mức giá điều chỉnh sẽ thấp hơn 500 đồng/lít với mặt hàng xăng.

Theo những số liệu được công bố trên website của Bộ Công Thương, cập nhật đến ngày 28/4/2016, giá bán lẻ mặt hàng xăng RON 92 tại Singapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, đang ở mức 55,70 USD/thùng. Mức giá này cao hơn so với chu kỳ điều chỉnh giá hôm 20/4 vừa qua gần 5,5 USD/thùng.

Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, giá dầu thô trong mấy phiên gần đây lai có sự sụt giảm. Tại phiên giao dịch ngày 2/5, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 6/2015 trên sàn New York giảm 2,5%, xuống mức 44,78 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,54 USD, xuống còn 45,83 USD/thùng.

Giá dầu bị sụt giảm là do những số liệu Genscape công bố về nguồn cung, sản lượng dự trữ dầu lưu kho tại Cushing, Oklahoma tuần qua tăng 871.000 thùng.

Người Thái dọn chỗ bán hàng


Tập đoàn Central Group của gia đình tỷ phú Thái Chirathivat đã chính thức hoàn tất chuyển nhượng thương vụ mua lại Big C Việt Nam với giá hơn 1 tỷ USD, theo đó toàn bộ hệ thống siêu thị Big C của Việt Nam sẽ thuộc quyền sở hữu của Central Group thay vì Tập đoàn Casino (Pháp).

Người đồng hương của Central Group, công ty Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev của ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã đặt chân đến Việt Nam trước Central Group chọn cách nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam, rồi đến hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC).

Giữa 2014, công ty này đã tạo bất ngờ khi công bố chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, người Thái đã sở hữu trong tay 4 chuỗi siêu thị lớn bậc nhất Việt Nam, chiếm 70% thị trường bán lẻ trong siêu thị Việt Nam.

Giá vàng rơi từ ‘đỉnh’ 15 tháng

Sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, giá vàng hôm nay 4/5 giảm mạnh khi giá vàng thế giới rơi từ “đỉnh” 15 tháng.

Giá vàng SJC được giao dịch cầm cự mốc 34 triệu đồng/lượng.

Tại các ngân hàng thương mại, giá vàng cũng tăng vọt. Giá vàng tại Sacombank-SBJ giao dịch ở mức: Mua vào 33,93 triệu đồng/lượng, bán ra 34,03 triệu đồng/lượng. Giá vàng tại SHB: 33,90 triệu đồng/lượng – 34 triệu đồng/lượng. Giá vàng tại TPbank Gold: 33,90 triệu đồng/lượng – 34 triệu đồng/lượng.

Một số nhà kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết, tuy giá vàng có biến động, nhu cầu giao dịch vàng miếng của người dân vẫn ở mức thấp, một mặt do tác động của kỳ nghỉ lễ, mặt khác do mức tăng của giá vàng như vậy là chưa đủ hấp dẫn để mua vào hay bán ra.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ sáng nay rẻ hơn khoảng 400.000 đồng/lượng.

Xôn xao bảo vệ "bồng súng" đón khách ở siêu thị

Một siêu thị điện máy ở Hà Nội đã gây xôn xao cộng động mạng khi hình ảnh bảo vệ của hệ thống siêu thị này "bồng súng" đứng đón khách dịp 30/4 vừa qua.
Sau sự kiện nhân viên mặc bikini tiếp thị gây sốc với dư luận, siêu thị điện máy ở Hà Nội lại cho cặp nam nữ “bồng súng”… đón khách – Ảnh: Facebook
Sau sự kiện nhân viên mặc bikini tiếp thị gây sốc với dư luận, siêu thị điện máy ở Hà Nội lại cho cặp nam nữ “bồng súng”… đón khách – Ảnh: Facebook  

Đại diện truyền thông của hệ thống siêu thị điện máy này xác nhận bức ảnh này là có thật, và đây là chương trình chào mừng ngày lễ 30/4 của chi nhánh siêu thị điện máy này ở Hà Nam.

"Có thể đây là cách làm sáng tạo", vị đại diện truyền thông nhấn mạnh.

Trước đó, những hình ảnh "nhức mắt" về dàn PG mặc bikini khoe thân dắt xe, giới thiệu sản phẩm tại siêu thị này cũng đã gây sốc với người tiêu dùng khiến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng phải lên tiếng.

Theo đó, nhận định về "chiêu trò" này, ông Tô Văn Động nói, đây là hoạt động phản cảm về văn hóa, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Ngay trong chiều 29/4 thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã làm việc với phía Trần Anh để làm rõ các vấn đề liên quan.

GDP 2016 có thể khó đạt mức tăng 6,7%

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, GDP quý I/2016 chỉ tăng 5,46%, mục tiêu tăng trưởng 6,7% có thể không đạt được.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi khá rõ nét. GDP quý IV/2015 tăng tới 7,01%, song sang đến quý I/2016 chỉ tăng 5,46%, thấp hơn 1,55% so với cuối năm 2015.

"Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai; mà cả trong công nghiệp chế biến, được dự báo là ngành phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng cao nhất", báo cáo của Bộ nêu rõ.

Video: Ngập mặn khủng khiếp ở miền Tây




Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xuất nhập khẩu đều giảm. Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2016 âm 1,23% do tình hình thiên tai (rét ở miền Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long).

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường biển làm cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung vừa qua đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất nuôi trồng, khai thác hải sản và hoạt động du lịch trên địa bàn, nhất là du lịch biển.

Với công nghiệp, chỉ số sản xuất trong tháng 4 cũng giảm 1,7% so với tháng 3. 4 tháng đầu năm, mức tăng chỉ 7,3%. Công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt 9,6%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, nếu giá dầu thô tiếp tục phục hồi, kéo theo sự tăng giá các nguyên nhiên vật liệu đầu vào, thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ còn khó khăn hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu dự báo.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 4/2016 đều giảm so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 6%. Đặc biệt, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Khó khăn lớn nhất của xuất khẩu nước ta là giá xuất khẩu giảm (dầu thô, cà phê, cao su,…) và khả năng cạnh tranh yếu kém.

Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2015, cũng là mức thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm kể từ năm 2011.

Bảo Bình(tổng hợp)



Bình luận
vtcnews.vn