Nghị định 100/2019 có 'thổi bay' doanh số, vốn hóa của doanh nghiệp ngành bia?

Thị trườngThứ Sáu, 10/01/2020 11:03:09 +07:00
(VTC News) -

Nhiều đại lý, cửa hàng chuyên cung cấp rượu bia than vãn doanh số bị giảm nặng, "dọa" không nhập thêm hàng dịp Tết, khiến doanh nghiệp bia đối diện nguy cơ khó tiêu thụ.

Từ hàng quán đến đại lý đều than ế ẩm

Sau khi Nghị định 100/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2020, lực lượng cảnh sát giao thông quyết liệt ra quân toàn quốc để kiểm soát, xử phạt những hành vi vi phạm an toàn giao thông do sử dụng rượu bia. Điều này đã hạn chế rất nhiều việc dùng rượu bia của một bộ phận lớn người dân. Cũng chính vì thế, không ít hàng quán, đại lý chuyên kinh doanh mặt hàng này chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Đã kinh doanh dịch vụ quán nhậu hơn 15 năm, anh Chương Thanh Lương (Mỹ Đình) chia sẻ, hơn một tuần nay, số khách đến quán giảm rõ rệt, dù anh đã tung nhiều dịch vụ mới như cho khách gửi xe qua đêm miễn phí, cho nhân viên chở khách về nếu được yêu cầu. "So với thời điểm một tháng trước, lượng khách giảm hơn 2/3. Doanh thu từ gần 20 triệu đồng một ngày nay chỉ còn 5-7 triệu đồng", anh Lương ước tính và cho biết đang tính chuyển hướng chú trọng đến xây dựng thực đơn mới, với những món ăn đặc trưng nhằm thu hút khách, thay vì chủ yếu kinh doanh bia nhậu như hiện nay.

Không chỉ những quán bia hơi nhỏ lẻ như của anh Lương mới ế ẩm mà ngay cả những đại lý, cửa hàng lớn hơn cũng chung cảnh ngộ. Là chủ một đại lý bia trên phố Lò Đúc (Hà Nội), anh Hưng cho biết: "Tuy rất ủng hộ chính sách mới song thú thật là khá sốt ruột khi thấy doanh số sụt giảm mạnh. Một tuần nay, số lượng bia két xuất bán rất ít, các đại lý cấp 2 và nhiều cửa hàng, smart chỉ nhập cầm chừng chứ không nhập số lượng lớn như mọi năm. So với cùng kỳ năm trước, hiện tại nhà tôi bị giảm khoảng 40% doanh số nếu tính riêng mặt hàng bia".

Nghị định 100/2019 có 'thổi bay' doanh số, vốn hóa của doanh nghiệp ngành bia? - 1

Nhiều đại lý bia, rượu doanh số sụt giảm 30-40%. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Anh Hưng cũng thông tin thêm, thời điểm tháng 11 - 12/2019, trung bình mỗi ngày cơ sở của anh xuất bán trên 700 két bia các loại, đỉnh điểm có ngày lên tới gần 1.000 két cho các cửa hàng và quán bia lớn. Nhưng hiện tại, lượng bán ra chỉ bằng 50-60%, tức là khoảng 400-500 két bia/ngày. Anh Hưng khẳng định, nguyên nhân chính là do Nghị định 100/2019 có hiệu lực, làm hạn chế nguồn cầu, khiến số lượng hàng bán ra giảm hẳn.

Tuy vậy, anh Hưng nhấn mạnh: "Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ Nghị định mới của Chính phủ vì sự an toàn của mọi người khi tham gia giao thông. Mặc dù kinh doanh rất quan trọng lợi nhuận nhưng cái gì đúng thì vẫn phải ủng hộ và chấp hành". Để khắc phục tình trạng doanh số giảm sút, anh Hưng cho biết đã chuẩn bị một số phương án khuyến mại, ưu đãi dành riêng cho các đầu mối đổ buôn như cho gối đầu thêm tiền hàng hoặc bán bán nhiêu thanh toán bấy nhiêu để khách không lo tồn hàng, ngoài ra anh còn chiết khấu thêm % để đẩy doanh số trước Tết.

"Tầm này mọi năm là cao điểm, đáng lẽ tôi phải gọi thêm 2 đợt hàng từ các công ty nữa mới nghỉ Tết nhưng với tình trạng này chắc năm nay kho có bao nhiêu bán bấy nhiêu cho chắc ăn", anh Hưng thông tin.

Cũng là chủ một đầu mối chuyên phân phối rượu, bia, nước giải khát... chị Thu Hương ở Thanh Xuân chia sẻ: "Mấy hôm nay, cơ sở của tôi phân phối được nhiều bia lon hơn bia chai, khách hàng chủ yếu là các đại lý cấp 2 và cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên mức tiêu thụ cũng chỉ tăng khoảng 5%, trong khi đó loại bia két gần như ít người gọi".

Theo chị Hương, bia két chính là loại bia hay được "dân nhậu" ở các quán xá gọi dùng. Loại sản phẩm này bán chậm chứng tỏ lượng khách dùng bia ở hàng quán ít. Chắc chắn là do khách sợ bị phạt khi vi phạm Nghị định 100/2019.

Tuy bia két ế ẩm nhưng cũng không vì thế mà loại bia lon được chú ý hơn. Chị Hoa ở Cầu Giấy chia sẻ, do nghĩ khách ngại uống bia ở quán thì sẽ mua về nhà dùng nhiều hơn, bia lon sẽ tiêu thụ dễ hơn nên chị nhanh tay nhập tích trữ một lượng đáng kể bia lon về phục vụ khách. Tuy nhiên, khác với dự đoán, lượng khách mua bia lon cũng không tăng đáng kể. Hiện tại, trong kho nhà chị còn khoảng hơn 200 thùng bia chưa biết phải giải quyết thế nào. "Chắc từ nay đến qua Tết sẽ không gọi thêm hàng vì mỗi ngày chỉ bán được 3-4 thùng bia", chị Hoa nói.

Nghị định 100/2019 có 'thổi bay' doanh số, vốn hóa của doanh nghiệp ngành bia? - 2

Bia lon cũng ế ẩm hơn trong thời điểm này. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Doanh nghiệp bia có bị "thất bát"?

Tình hình không sáng sủa khiến nhiều đại lý, cửa hàng bia rượu "dọa" không gọi thêm hàng dịp Tết. Điều này làm không ít người đặt câu hỏi, các doanh nghiệp bia có bị ảnh hưởng và mức ảnh hưởng sẽ thế nào?

Chuyên gia tài chính doanh nghiệp Phan Lê Thành Long cho rằng, tác động của Nghị định mới đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu bia là khó tránh khỏi, thậm chí là rõ ràng nhưng mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi pháp luật. Nếu thực thi không tốt thì sức ảnh hưởng không lớn.

Theo ông Long, để thích nghi xu thế, các doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển mình, thay đổi từ kinh truyền thống sang kinh doanh bia không cồn, tích hợp thêm các dịch vụ đưa đón...

Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) phân tích, do ảnh hưởng của luật phòng chống tác hại rượu bia, sản lượng tiêu thụ bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức tăng trưởng 2 con số như năm 2019 mà sẽ chỉ vào khoảng 6-7%.

SSI nhấn mạnh, Quốc hội đã thông qua luật phòng chống tác hại của rượu bia, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Các biện pháp giảm tiêu thụ rượu bia bao gồm: cấm quảng cáo trong các sự kiện và trên các phương tiện truyền thông trong khung thời gian cụ thể, cấm bán hàng tại các địa điểm công cộng cụ thể như bệnh viện và trường học; cấm bán cho người dưới 18 tuổi; và cấm lái xe sau khi uống rượu bia. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ gia tăng các chương trình giáo dục cộng đồng để giáo dục cho người tiêu dùng về tác động tiêu cực của việc uống quá nhiều đố uống có cồn đối với cuộc sống hàng ngày của người dân.

SSI nhận định rằng điều này sẽ tác động đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành, các thương hiệu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, trong khi các thương hiệu hàng đầu thị trường như Sabeco và Heineken, những thương hiệu đã quen thuộc với người tiêu dùng, sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn.

Trên thực tế, chưa có doanh nghiệp bia nào chính thức lên tiếng khẳng định nguồn cung bị giảm hoặc thống kê chính xác doanh số bán ra sau khi Nghị định mới có hiệu lực. Con số này chỉ rõ ràng vào thời điểm hết quý 1/2020 khi các doanh nghiệp kinh công bố kết quả kinh doanh quý. 

Tuy nhiên, với tình trạng đìu hiu ở các hàng quán, đại lý hiện nay, có thể dự báo kết quả kinh doanh quý 1/2020 của các đại gia bia rượu sẽ giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể lượng bia tiêu thụ của các doanh nghiệp lớn như Habeco, Sabeco, Heineken, Carlsberg… sẽ tăng lên so với tháng liền kề trước do nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng điều này được dự đoán là chỉ trong ngắn hạn.

Trên thực tế tác động đầu tiên rõ ràng nhất với ngành bia đã có thể nhìn thấy đó là giá cổ phiếu của hai "ông lớn" niêm yết trên sàn chứng khoán giảm khiến giá trị vốn hóa bốc hơi mạnh.

Với SAB, cổ phiếu này đã giảm 4.800 đồng kể từ đầu năm 2020 xuống còn 223.200 đồng sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 8/1. Với mức giá này, cổ đông lớn nhất của Sabeco là ThaiBev đã mất đi 1.649 tỷ đồng.

Trong khi đó, Habeco với thương hiệu Bia Hà Nội cũng trải qua những phiên giao dịch giá cổ phiếu suy giảm. Sau 5 phiên giao dịch đầu năm, cổ phiếu BHN của Habeco giảm từ mức 75.600 đồng/cp còn 74.000 đồng.

Với mức giá này, giá trị cổ phiếu BHN do cổ đông chiến lược của Habeco là tập đoàn Carlsberg sở hữu đã giảm 65 tỷ đồng, còn 3.002 tỷ đồng.

Carlsberg hiện nắm giữ 17,51% cổ phần tại Habeco, tương đương hơn 40,5 triệu cổ phiếu và là cổ đông lớn thứ hai sau Bộ Công Thương (81,79%).

Ngọc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn