Một năm kinh doanh 'thất bát' của Rượu Hà Nội

Thị trườngThứ Sáu, 17/01/2020 07:06:47 +07:00
(VTC News) -

Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) đã trải qua một năm làm ăn khó khăn với kết quả kinh doanh không mấy khả quan, giá cổ phiếu giảm mạnh nhưng vẫn ế ẩm.

Năm 1898, Nhà máy Rượu Hà Nội được thành lập tại số 94 Lò Đúc. Đây là nhà máy sản xuất rượu lớn nhất trong 5 nhà máy được Công ty Fontaine của Pháp xây dựng ở Đông Dương và được vận hành bởi người Pháp thời gian đó.

Sau đó, khi kháng chiến chống Pháp thành công, Nhà máy Rượu Hà Nội hoạt động với mục đích sản xuất cồn phục vụ y tế, quốc phòng và dân sinh. Đến năm 2006, Công ty Cồn rượu Hà Nội (Halico) chính thức hoạt động dưới hình thức cổ phần, vốn điều lệ ban đầu là 48,5 tỷ đồng.

Một năm kinh doanh 'thất bát' của Rượu Hà Nội  - 1

Rượu Hà Nội trải qua một năm làm ăn bết bát, cổ phiếu ế ẩm.

Năm 2011, Diageo Singapore Private Limited, tập đoàn đồ uống hàng đầu thế giới trở thành đối tác chiến lược của Halico.

Toàn bộ số cổ phần của Diageo tại Halico (tương ứng 30% vốn) do Streetcar Investment Pte Ltd (là công ty con của Diageo) đứng tên nắm giữ. Đổi lại, tổ chức này cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật về tiếp thị, bán hàng, nâng cao năng lực sản xuất cho Halico.

Đến nay, Streetcar Investment nâng tỷ lệ sở hữu tại Halico lên 45,57%. Cổ đông lớn nhất vẫn là Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) nắm 54,29%. Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán cho thấy, đến tháng 1/2018, Halico đã có hơn 100 nhà đầu tư và đủ điều kiện là công ty đại chúng.

Một trong những sản phẩm nổi tiếng của Halico là rượu Vodka Hà Nội. Đến năm 2012, Vodka Hà Nội góp phần không nhỏ giúp Halico đạt kỷ lục về lợi nhuận.

Tuy nhiên, doanh thu những năm gần đây của Halico lại tụt dốc không phanh.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019, trong kỳ, công ty lỗ 8,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số lỗ 23,5 tỷ đồng quý 4/2018, lũy kế cả năm 2019 lỗ 64,1 tỷ đồng, giảm so với khoản thua lỗ 78,4 tỷ đồng năm 2018.

Điều đáng nói, sau chuỗi ngày tuột dốc triền miên, tính tới ngày 31/12/2019, tổng lỗ lũy kế của Halico đã lên đến 403 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp chủ sở hữu của công ty chỉ là 200 tỷ đồng. Rất may, thập kỷ trước, Halico lãi lớn, nên công ty không bị âm vốn chủ sở hữu.

Thị phần sụt giảm đã và đang là những đòn chí tử giáng vào Halico. Trong nhiều năm qua, sản phẩm chủ đạo của Halico là Vodka. Vodka có nhiều nhãn hiệu như Vodka Hà Nội S120, Vodka Hà Nội Premium, Vina Vodka, Vodka Hà Nội, Vodka 94 Lò Đúc và Lúa mới.

Tuy nhiên, những sản phẩm này chịu áp lực rất lớn từ rượu nhập ngoại. Vì vậy, thị phần Vodka Hà Nội ngày càng thu hẹp hơn. Chỉ tiêu doanh thu đã thể hiện rõ điều này.

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4/2019 của Halico chỉ đạt 37,1 tỷ đồng, giảm 11,2 tỷ đồng, tương đương 30,2% so với quý 4/2018, lũy kế năm 2019 đạt 144,5 tỷ đồng, giảm 6,3 tỷ đồng so với năm 2018.

Vì doanh thu giảm nên Halico phải nỗ lực cắt giảm chi tiêu để hạn chế thua lỗ. Trong quý 4/2019, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 14,9 tỷ đồng xuống còn 4,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm từ 14,8 tỷ đồng xuông 10,2 tỷ đồng.

Vì doanh thu không mấy khả quan nên cổ phiếu HNR của Halico nằm trong danh sách những cổ phiếu có rất ít có giao dịch diễn ra thành công.

Nếu như khi chào sàn ngày 8/6/2018, HNR có mức giá 31.900 đồng/CP, thì đến nay mức giá là 12.000 đồng/CP.

Dù đã giảm sâu, nhưng khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình trong 10 phiên gần đây của HNR là 0 đơn vị. Ở thị giá này, vốn hóa thị trường Halico đạt 240 tỷ đồng.

Cổ phiếu HNR của Halico thường xuyên bị “ế ẩm”. Ngay trong ngày chào sàn, cổ phiếu HNR ghi nhận không có giao dịch nào được thực hiện. Sau đó, giá cổ phiếu này giảm xuống 20.000 đồng/CP, mức thanh khoản cũng chỉ có 300 cổ phiếu, tương đương 6 triệu đồng được giao dịch thành công.

Đến tháng 1/2019, cổ phiếu này tiếp tục giảm 40%, xuống mức 12.000 đồng/CP, nhưng trong phiên cũng chỉ giao dịch được 300 cổ phiếu, tương đương 3,6 triệu đồng.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn