Làm gì với số tiền doanh nghiệp xăng dầu đã 'đút túi' nhờ hưởng chênh lệch thuế?

Thị trườngThứ Ba, 22/03/2016 10:38:00 +07:00

Thủ tướng đã đồng ý phương án xác định thuế nhập khẩu xăng dầu trong tính giá cơ sở theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế (MFN và FTA)

Thủ tướng đã đồng ý phương án xác định thuế nhập khẩu xăng dầu trong tính giá cơ sở theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế (MFN và FTA) tuy nhiên, hướng xử lý một phần lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu nhờ hưởng chênh lệch thuế suất thời gian qua vẫn còn bỏ ngỏ. 

“Vá lỗi” tính giá xăng dầu

Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã giữ nguyên cách tính giá cơ sở dựa trên thuế suất cũ trong khi thuế suất nhập khẩu xăng dầu từ nhiều thị trường như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc đã giảm mạnh.

Cụ thể, mức thuế suất áp dụng để tính giá cơ sở xăng dầu theo Thông tư 78 ngày 20/5/2015 đối với xăng là 20%, dầu diesel và madut là 10%, dầu hoả là 13%.

Ảnh minh họa. 

Trong khi, theo Thông tư 165 của Bộ Tài chính từ 1/1/2015, dầu diesel, dầu hoả nhập khẩu từ các nước trong ASEAN chỉ còn chịu thuế suất 5%, dầu madut là 0%. Từ 1/1/2016 tất cả các mặt hàng dầu vào Việt Nam đều được hưởng thế suất 0%.

Đối với xăng RON 92, mức thuế suất nhập khẩu từ ASEAN vẫn là 20% nhưng theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, thuế suất nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc chỉ còn 10%.

Việc giữ cách tính như thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã “đúi túi” một khoản lợi nhuận không nhỏ nếu vẫn giữ cách tính giá xăng dầu như trên dự kiến trong năm 2016, người dân tiếp tục phải “móc túi” tăng lãi cho doanh nghiệp xăng dầu nhiều hơn.

Khi báo chí lên tiếng, dư luận bức xúc, phản hồi và thông tin trước Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã “đẩy” trách nhiệm khi cho rằng, Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá, chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Phản hồi sau, Bộ Tài chính thừa nhận có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN và cho biết “đang nghiên cứu” để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong khi thực tế sự chênh lệch này đã diễn ra từ đầu năm 2015 kéo dài cho đến nay (tháng 3/2016).

Đến cuối tuần qua, Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng đã đồng ý phương án thay vì xác định thuế nhập khẩu xăng dầu trong tính giá cơ sở theo nhập khẩu ưu đãi (MFN) bằng cách tính theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế.

Bộ Tài chính cho rằng, việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

Tuy nhiên, câu hỏi mà dư luận đặt ra về hướng xử lý một phần lợi nhuận của các doanh nghiệp xăng dầu nhờ hưởng chênh lệch thuế suất thời gian qua vẫn còn bỏ ngỏ.

“Trả tiền về quỹ bình ổn giá”

Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết phương án xử lý khoản lợi nhuận trên là trả lại cho người tiêu dùng thông qua việc đưa vào Quỹ bình ổn giá và sử dụng khi có biến động giá.

“Bộ Công Thương chủ trì trong hội nhập, hoạt động thương mại phải biết lộ trình cắt giảm thuế quan theo các FTA Việt Nam đã ký kết. Bộ Công Thương thiếu trách nhiệm, áp giá tính thuế nhập khẩu xăng dầu cao hơn so với các Hiệp định thương mại và để diễn ra trong thời gian dài chưa thể hiện được trách nhiệm của mình”, ông Long nêu quan điểm.

Ông Long cũng nhấn mạnh rằng, Bộ Công Thương đã chưa làm tròn vai, cuối cùng người tiêu dùng chịu thiệt trong khi doanh nghiệp lãi đậm.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho biết, bản chất khoản tiền này là của người tiêu dùng do đó nếu đưa vào ngân sách nhà nước cũng không hợp lý, không tạo được sự đồng thuận của xã hội do đó cách xử lý duy nhất là truy thu và đưa vào quỹ bình ổn giá.

“Cần tính toán cụ thể số tiền, tránh xảy ra lạm dụng do trong hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp, không phải tất cả đều từ nguồn được hưởng thuế thấp”, ông Phong lưu ý.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc xảy ra lỗ hổng trong điều hành giá xăng dầu lần này là bài học lớn cho Liên Bộ Công Thương - Tài chính, cơ quan điều hành cần sòng phẳng và thẳng thắn xin lỗi người tiêu dùng.

Nguồn: BizLIVE
Bình luận
vtcnews.vn