Bộ Công Thương: Ồ ạt sản xuất khẩu trang xuất khẩu có thể ‘lợi bất cập hại’

Thị trườngThứ Ba, 14/04/2020 12:18:58 +07:00
(VTC News) -

Việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào có thể không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế.

Bộ Công Thương đưa ra cảnh báo tới các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để kinh doanh trong mùa dịch COVID-19.

Bộ Công Thương: Ồ ạt sản xuất khẩu trang xuất khẩu có thể ‘lợi bất cập hại’ - 1

Dệt may TNG sản xuất khẩu trang nano có thể ngăn ngừa vi khuẩn. (Ảnh: TNG)

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), nhiều doanh nghiệp trong nước gần đây liên hệ tìm đối tác để xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế vào thị trường châu Âu (EU).

Tuy nhiên, để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này. Ví dụ, dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE – để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia.

“Do vậy, việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác”, Thương vụ Việt Nam tại EU nhấn mạnh.

Video: Khử khuẩn khẩu trang bằng lò vi sóng

Bộ Công Thương trước đó cũng có cảnh báo đến doanh nghiệp về việc cần thận trọng đầu tư quy mô lớn cho sản xuất khẩu trang vải, dù Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. 

Tuy nhiên để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài, cần tính đến các yếu tố  đối với nhu cầu thị trường thế giới khi xem khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế và việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải là phổ biến ở thị trường nhiều nước, kể cả khi dịch COVID-19 đang hoành hành.

Theo thông tin của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn.

Nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định, đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước.

Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay còn có thể nâng cao hơn nữa.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn