'Bão từ giết triệu người': Viện vật lý địa cầu lên tiếng

Thời sựThứ Năm, 15/08/2013 03:00:00 +07:00

(VTC News) – Viện Vật lý Địa cầu bình luận về thông tin cựu nhân viên tình báo Mỹ nói 'bão mặt trời sẽ giết triệu người' vào tháng 9.

(VTC News) – Viện Vật lý Địa cầu bình luận về thông tin cựu nhân viên tình báo Mỹ nói 'bão mặt trời sẽ giết triệu người' vào tháng 9.

Ngày 12/8, một số cơ quan thông tấn thế giới dẫn lời cựu nhân viên tình báo Mỹ - Edward Snowden về một tài liệu mật dự báo rằng sắp có một cơn bão Mặt trời có cường độ cực mạnh xuất hiện trong tháng 9/2013 và có thể giết chết hàng triệu người trên Trái đất.

Thông tin này càng gây xôn xao dư luận bởi từ cách đây vài năm, căn cứ theo chu kỳ hoạt động của mặt trời, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã dự báo năm 2013 có thể là năm xuất hiện rất nhiều đợt bão từ.

Tiến sỹ Lê Huy Minh – Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Ảnh: Internet)
Tiến sỹ Lê Huy Minh – Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Ảnh: Internet) 
Để rộng đường dư luận, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Lê Huy Minh – Phó viện trưởng Viện vật lý địa cầu.

- Thực hư tin đồn bão mặt trời sẽ giết cả triệu người trong tháng 9 là thế nào, thưa ông?

Đó chỉ là tin đồn nhảm. Chẳng có chuyện đó đâu. Khi người ta không hiểu lắm về mặt khoa học, người ta có thể phát ngôn như vậy. Trên thực tế, chuyện không nghiêm trọng tới mức đó.

- Bão mặt trời xảy ra khi nào, thưa ông?

Bão mặt trời xảy ra nhiều lần rồi chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Hiện tượng bão từ chính là do hiện tượng bão mặt trời hình thành. Bão mặt trời chính là nguyên nhân gây ra bão từ.

Khi có sự bùng nổ của mặt trời sẽ xuất hiện những luồng tia rất mạnh. Những luồng tia đó bay tới, tương tác với từ quyển của Trái đất gây ra hiện tượng gọi là bão từ. Các nhà khoa học quan sát được thường xuyên hiện tượng bão từ trong từ quyển của Trái đất.

- Năm 2013 có thể xuất hiện rất nhiều đợt bão từ?

Những năm mặt trời hoạt động mạnh, bão từ sẽ nhiều hơn. Mức độ hoạt động của mặt trời biến đổi theo chu kì và chu kì đó khoảng 11 năm. 2013 là năm mặt trời hoạt động cực đại, sau đó sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, các hoạt động giảm dần. Khoảng 5 – 6 năm nữa, nó sẽ đạt cực tiểu rồi tiếp tục chu kì mới, sau đó nó lại đạt cực đại.

 

Bão từ cũng có thể khiến người ta tử vong đặc biệt là những người bị bệnh tim,mạch. Tuy nhiên, nó cũng không quá nguy hiểm so với nhiều hiện tượng tự nhiên khác.
Tiến sỹ Lê Huy Minh – Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu
 
Nói cách khác, trong năm nay do mặt trời hoạt động cực đại nên số lượng bão từ sẽ nhiều hơn và cường độ bão sẽ mạnh hơn.


- Bão từ gây ảnh hưởng thế nào tới Trái đất?

Nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của chúng ta, đặc là hệ thống kĩ thuật. Nó gây ra nhiều hiện tượng bất thường. Chẳng hạn có năm nó làm cho hệ thống truyền tải điện cao thế ở Canada bị hư hỏng nặng.

Bão từ cũng có thể khiến người ta tử vong đặc biệt là những người bị bệnh tim, mạch. Khi bão từ mạnh, còn tùy vào hiện trạng bệnh tật, người ta dễ bị đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nó cũng không quá nguy hiểm so với nhiều hiện tượng tự nhiên khác.

- Gần đây Việt Nam thường xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài. Liệu điều này có liên quan gì tới việc hoạt động của mặt trời đạt cực đại không, thưa ông?

Không. Hai hiện tượng đó hoàn toàn khác nhau. Hiện tượng thời tiết liên quan tới cường độ bức xạ hoặc chu kì quay của mặt trời còn bão từ là một yếu tố khác.

Nói chung, những hiện tượng thời tiết như nắng nóng khiến người ta khó chịu hơn là hiện tượng bão từ. Mức độ cảm nhận về ảnh hưởng của bão từ không rõ rệt như các hiện tượng thời tiết: bão gió, nắng nóng…

- Mới đây đã xảy ra vụ nổ trạm biến áp 110KV Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội). Liệu bão từ có phải là thủ phạm đằng sau vụ việc này?

Năm 2013 có thể là năm xuất hiện rất nhiều đợt bão từ (Ảnh: Internet)
Năm 2013 có thể là năm xuất hiện rất nhiều đợt bão từ (Ảnh: Internet) 

Theo tôi thì không. Mấy năm trước, Viện vật lý địa cầu đã có nghiên cứu về vấn đề này. Khi đo dòng điện cảm ứng trong những đường dây truyền tải điện 500 KV ở các trạm như Hòa Bình, Phú Lâm, chúng tôi quan sát thấy khi bão từ xảy ra, những dòng diện cảm ứng trong đường dây có tăng lên.


Tuy nhiên, cái tăng đó không gây ảnh hưởng lớn tới các thiết bị truyền tải điện nên chắc bão từ không gây ra vụ việc đó. Mặc dù chưa xem số liệu về vụ nổ trạm biến áp vừa qua, nhưng tôi khẳng định chắc chắn không phải do bão từ.

- Viện vật lý địa cầu có thể dự báo về bão từ không, thưa ông?

Viện chỉ có nhiệm vụ quan sát liên tục từ trường của Trái đất còn việc khảo sát xem bão từ ảnh hưởng thế nào tới người dân, chúng tôi chưa có nghiên cứu nào.

Trên thế giới, hiện người ta có thể dự báo được 20 phút trước khi bão từ xảy ra nhờ những vệ tinh bay cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km của Mỹ. Khi luồng hạt bay từ mặt trời tới Trái đất, phải đi qua điểm đó, sau đó mất 20 – 40 phút chúng mới tác động được tới quyển từ của Trái đất. Nhờ vậy, người ta có thể dự báo trước bão từ.

Còn tại Việt Nam, do chưa phát triển về công nghệ không gian nên những cái đó chưa được quan tâm tới.

- Chúng ta có thể ngăn chặn được bão từ từ việc dự báo sớm trên không?

Nói chung không thể ngăn chặn được bão từ. Mức độ ảnh hưởng của nó là trên toàn Trái đất, đặc biệt là hệ thống kĩ thuật trong không gian. Hiện thế giới chưa có biện pháp để ngăn chặn, tránh bão từ.

- Vậy chúng ta nên làm gì để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng từ bão từ?

Khi người già cảm thấy khó chịu, choáng váng mà không phải do yếu tố thời tiết hay các nguyên nhân khác, cũng có thể do bão từ xuất hiện. Lúc đó, không nên để họ vận động hay đi ra ngoài.

Ở các nước tiên tiến, người ta đã tạo ra những chiếc lồng sắt có tên Faraday với lưới đủ lớn để trùm cả một căn phòng cho người dân tránh bão từ. Khi bão từ xảy đến, họ sẽ rủ nhau vào đó ngồi thì sẽ không chịu bất cứ ảnh hưởng nào từ bão từ.

Còn tại Việt Nam, trước đây người ta có quảng cáo về chiếc vòng đeo tay có xuất xứ từ Trung Quốc có thể chống được từ trường của bão từ, nhưng tôi chẳng nghĩ chúng có tác dụng.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn