Báo Trung Quốc tung video dối trá cuộc chiến 1979, tướng Lê Mã Lương: ‘Tôi còn lạ gì’

Thế giớiThứ Sáu, 06/03/2015 01:48:00 +07:00

Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam nói về đoạn video Hoàn cầu thời báo ngụy biện Chiến tranh biên giới 1979.

(VTC News) – Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam nói về đoạn video Hoàn cầu thời báo ngụy biện Chiến tranh biên giới 1979.

Bản điện tử của Hoàn Cầu thời báo hôm 2/3 trắng trợn tung clip tái hiện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 vẫn được truyền thông nước này gọi là: Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam.

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Trung Quốc tung ra video giả dối đó, tôi không lạ.- Ảnh: Tùng Đinh 
VTC News có bài phỏng vấn Thiếu tướng Lê Mã Lương, người từng trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu trong nhiều năm kháng chiến chống quân Trung Quốc xâm lược ở khu vực 6 tỉnh biên giới phía Bắc để làm rõ hơn sự dối trá, mị dân của video này.

- Ông có suy nghĩ gì về việc tờ Hoàn cầu thời báo tung ra video tái hiện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 vào thời điểm hiện nay và trắng trợn gọi nó là “Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam”?

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa lực lượng 60 vạn quân đánh vào 6 tỉnh biên giới của Việt Nam, được che đậy bởi cái tên “Phản kích tự vệ”. 

Nó là sự ngụy biện từ phía Trung Quốc, tuy nhiên không thể đánh lừa bất kỳ ai trên thế giới này vì tất cả mọi người đều hiểu bản chất vốn có của Trung Quốc.

Ban đầu, mọi người ngạc nhiên trước cuộc chiến giữa 2 nước Xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi tìm hiểu sâu xa về lịch sử và mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, ai cũng hiểu đây là một điều không lạ với âm mưu xâm lược của Bắc Kinh, núp dưới chiêu bài “Chiến tranh tự vệ”.

Quan hệ Việt - Trung sau tháng 2/1979 xấu đi rất nhiều và cuộc chiến này còn kéo dài đến năm 1988 nhưng không phải trên đất liền mà là cuộc chiến trên Biển Đông.

Cứ vào thời điểm kỷ niệm cuộc chiến tranh xâm lược tháng 2/1979, Trung Quốc lại tung lên các trang báo những tin giật gân, đoạn video clip hay bài phỏng vấn về cuộc xâm lược mà họ cho là “Phản kích tự vệ”.
Bệnh viện huyện Trùng Khánh, Cao Bằng bị quân Trung Quốc tàn phá tháng 2.1979 - Ảnh tư liệu  
Với tôi, điều này không có gì lạ vì đó chính là tiềm thức hay bản chất của Trung Quốc. Họ là vậy, các nước có chung biên giới với họ thì không một nước nào được yên ổn, từ Việt Nam đến Liên Xô (Nga) hay Ấn Độ.

Là người lính trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh biên giới từ tháng 2/1979, tôi hiểu hơn ai hết âm mưu xâm lược của họ. Những năm 1984, 1985, 1986 quân ta đấu tranh ác liệt, bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Là người trong cuộc, hiểu sâu về Trung Quốc, tôi phải nhắc lại là khi nghe thấy tin Trung Quốc tung ra video giả dối đó, tôi không lạ.

- Mục đích của Trung Quốc là gì, trong khi 2 nước đang xây dựng mối quan hệ tốt, đi tới tương lai mà một tờ báo chính thống lại đăng tải đoạn video dối trá như vậy?

Tôi cho rằng đó là việc làm hay lối tư duy rất không bình thường của Trung Quốc. Họ làm điều đó trong khi quan điểm lãnh đạo của Trung Quốc luôn mong muốn Việt Nam thể hiện tình bằng hữu, cùng nhau xây dựng hòa bình trong khu vực.

Trong quan hệ với quốc tế, Trung Quốc luôn muốn tranh hùng, nhưng mặt khác Bắc Kinh luôn muốn tỏ ra mình là một nước lớn.

Hành động đó của Trung Quốc chỉ càng làm tăng thêm sự cảnh giác của bạn bè quốc tế, vì lời nói và tuyên truyền của họ luôn luôn mâu thuẫn với việc làm của mình. 

- Những số liệu được đưa ra trong video nói phía Việt Nam thiệt mạng 50.000 người, hơn 2.100 binh sỹ đầu hàng , bị thu 916 khẩu pháo, 16000 súng và 216 xe ô tô, là người từng tham gia vào cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược, ông nhận định gì về các con số này?

 

Cứ vào thời điểm kỷ niệm cuộc chiến tranh xâm lược tháng 2/1979, Trung Quốc lại tung lên các trang báo những tin giật gân, đoạn video clip hay bài phỏng vấn về cuộc xâm lược mà họ cho là “Phản kích tự vệ”.
 
Đó là con số mị dân, tuyên truyền. Không chỉ người Việt Nam mà cả người ở các nước khác chỉ nghe thôi cũng thấy hết sức vô lý. 

Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Trung Quốc huy động nhiều sư đoàn (60 vạn quân) đánh vào 6 tỉnh biên giới trên một không gian rộng, trải dài 600km biên giới.

Trong khi các đơn vị chủ lực của ta đang phải làm nhiệm vụ quốc tế ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc chủ yếu là các sư đoàn đang làm kinh tế quốc phòng và lực lượng biên phòng.

Khi đó, chúng ta chỉ có 2 sư đoàn thiện chiến chủ lực là Sư đoàn 3 Sao vàng (từ miền Trung ra đóng quân ở Lạng Sơn) và Sư đoàn 316.

Với lực lượng làm kinh tế quốc phòng, ta không thể có lượng pháo binh, cao xạ cũng như phương tiện kỹ thuật lớn tới con số mà Hoàn cầu thời báo đưa ra.

Trong địa hình rừng núi hiểm trở, thiên la địa võng, chúng ta triển khai các binh khí kỹ thuật ở vị trí hiểm địa, quân đội Trung Quốc càng không thể thu của ta hàng trăm khẩu pháo, hay hàng trăm xe vận tải.

Đó chắc chắn là con số ma do bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc nặn ra để mị dân.

Vũ khí chiến đấu, tổ chức hiệp đồng binh chủng tác chiến và cả kinh nghiệm chiến đấu của Trung Quốc đều thua chúng ta, cả tinh thần chiến đấu cũng vậy.

- Việc Trung Quốc tung video dối trá như trên có thể gây hiểu nhầm cho nhiều người Trung Quốc cũng như các quốc gia khác về bản chất của cuộc Chiến tranh biên giới năm 1979 với Việt Nam. Theo ông chúng ta nên có những thay đổi gì về truyền thông để tránh gây ra sự hiểu nhầm như vậy?

Trước hết, những video này được tung ra chỉ càng làm cho những người dân thế giới thêm cảnh giác và hiểu hơn về bản chất không trung thực của người Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn có những người chưa đủ hiểu biết vẫn có thể bị các thông tin dối trá này đánh lừa. Chính vì thế, Việt Nam cần có những hoạt động thực tiễn để tuyên truyền thêm về cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc đối với đất nước ta, kể từ tháng 2/1979.

 

Một điều trăn trở nữa của tôi đó là vẫn còn hàng ngàn hài cốt của đồng đội, đồng bào năm xưa vẫn chưa được quy tập về nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên mà còn nằm rải rác trong núi rừng, thậm chí là ở các bãi mìn được lập ra từ thời chiến.
 
Hàng chục năm qua, chúng ta vẫn ít khi nhắc tới những năm tháng chiến tranh biên giới. Có thể hiểu, đó là mong muốn của Việt Nam về việc gác lại quá khứ, cùng chung sức xây dựng tương lai.

Điều đó cho thấy truyền thống rộng mở với bạn bè, thậm chí là những kẻ thù cũ vốn đã được chứng minh qua hàng ngàn năm lịch sử. 

Nhưng với những cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ, chúng ta nên có hình thức tôn vinh, tri ân những người dân, người lính đã chiến đấu vì Tổ quốc.

Bên cạnh khát khao hòa bình, ổn định chúng ta phải thể hiện được sự công bằng với lịch sử, để cho người dân thấy được một phần lịch sử hào hùng mà quân và dân ta đã trải qua trong những năm tháng đó.

Chúng ta nên xây dựng những tấm văn bia, ghi lại rõ ràng những dấu ấn về các cuộc chiến từng xảy ra ở các địa phương, vốn đã bị thời gian thay đổi rất nhiều.

Đây là một việc đơn giản, nhưng khi thực hiện được, thế hệ trẻ, người dân địa phương, du khách nước ngoài hoặc thậm chí là người dân Trung Quốc khi nhìn vào, có thể hiểu được bản chất cuộc chiến tranh mà Bắc Kinh thực hiện năm xưa.

Một điều trăn trở nữa của tôi đó là vẫn còn hàng ngàn hài cốt của đồng đội, đồng bào năm xưa vẫn chưa được quy tập về nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên mà còn nằm rải rác trong núi rừng, thậm chí là ở các bãi mìn được lập ra từ thời chiến.
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979 
Để đưa các anh em về nghĩa trang, cần có sự kết hợp của các bộ ngành, vì công tác quy tập, di dời không hề đơn giản vì nhiều nơi có địa hình hiểm trở, nguy hiểm vì bom mìn còn sót lại, nếu không cẩn thận có thể sẽ có thêm hi sinh.

Để phản bác lại những hành động lố bịch của Trung Quốc, chúng ta cần thực hiện các hành động tri ân, tôn vinh các đồng đội, đồng bào, với những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta không kích động, không gây hận thù, đơn giản là nói về lịch sử, nói về những gì cha anh đã phải trải qua để giữ gìn bờ cõi của Tổ quốc.

- Có thông tin nói cuộc chiến năm 1979 được Trung Quốc đưa vào sách giáo khoa, chúng ta có nên làm việc tương tự để giáo dục và tăng cường sự hiểu biết cho giới trẻ cũng như cộng đồng quốc tế về cuộc chiến này?

Đây là một phần của lịch sử, là một trong số 17 cuộc chiến tranh xâm lược mà Việt Nam đã phải trải qua trong hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước.

Video dối trá trắng trợn cuộc chiến 1979 của Hoàn Cầu thời báo(Xem chú giải tiếng Việt tại đây)

Việc đưa cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979 vào sách giáo khoa của Việt Nam thì theo tôi cần có thời điểm cụ thể, dung lượng phù hợp.

Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần xác định là phải để thế hệ trẻ trong nước và thế giới hiểu được đó là cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam để bảo vệ Tổ quốc.

- Trong thời gian tới, để tăng cường mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện hành vi trắng trợn như thế này, Việt Nam nên làm gì, thưa ông?

Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng mà tạo hóa sinh ra, chúng ta không thể chuyển đi nơi khác để sống. 

Chúng ta cần phải chấp nhận sự thật và tìm cách để trở thành một nước láng giềng tốt và hợp tác, đôi bên cùng có lợi.

Nhưng quan trọng nhất, là phải bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ cũng như lòng tự tôn của dân tộc Việt Nam, đó là điều bất di bất dịch.

Tuy nhiên, Việt Nam không thể làm ngơ trước các hành động ngang ngược, trắng trợn của Trung Quốc tương tự như phát tán video dối trá trên. 

Điều dối trá được nhắc lại nhiều lần sẽ có người tin, vì vậy các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ phải đưa ra các hành động thích hợp.

Tùng Đinh – Ngọc Anh (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn