Báo Trung Quốc: 7 điều đáng lưu ý khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ

Thế giớiThứ Ba, 14/07/2015 02:03:00 +07:00

báo Trung Quốc đăng bài viết nói về 7 điều đáng lưu ý trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, so sánh với cuộc gặp giữa Mao Trạch Đông và Nichxon

(VTC News) – Các báo Trung Quốc đăng bài viết nói về 7 điều đáng lưu ý trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, so sánh với cuộc gặp giữa Mao Trạch Đông và Nichxon năm 1972.

Bài viết trên Hải Nam nhật báo sau đó được các trang tin lớn của Trung Quốc lấy lại và đăng tải, cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ là “chuyến đi lịch sử”.
Bài viết này của Lăng Đức Quyền, chuyên viên của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề thế giới của Tân Hoa Xã.
Nội dung bài viết, được giới thiệu là “phân tích, giải mã và làm rõ 7 điểm đáng chú ý và được truyền thông nước ngoài chú ý nhất” trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
VTC News giới thiệu nội dung chủ yếu trong bài viết nêu trên:
1.Chuyến thăm lịch sử
Không chỉ có truyền thông Việt Nam và Mỹ gọi chuyến thăm của ông Trọng là ‘mang tính lịch sử’, ‘dấu mốc lịch sử’ v.v. mà ngay cả truyền thông thế giới cũng dùng những cụm từ này. Đáng chú ý là tuyên bố chung của ông Trọng và ông Obama sau đó cũng nói đến ‘tính lịch sử’ của chuyến thăm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng 
Năm 1972 giữa Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Lịch sử coi đây là cuộc gặp có ý nghĩa rất lớn, thay đổi cục diện thế giới.
Năm nay, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được mời chính thức và hội kiến Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng, đây là điều lịch sử Việt Nam chưa từng ghi nhận, và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Cho nên, nếu nói chuyến thăm này mang tính lịch sử thì cũng không có gì là quá lời.
2.Mỹ thừa nhận chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam?

Trước khi thăm Mỹ, ông Trọng đã dùng 16 chữ mang tính khái quát cao về quan hệ Việt Mỹ: “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Ông Trọng cũng nói lại điều này khi gặp Tổng thống Mỹ Obama. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Mỹ Obama 
Tuyên bố chung Việt – Mỹ có rất nhiều nội dung, nhưng có thể thấy nét chính trong đó là cả hai đều đang cố gắng thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện.
Việc Mỹ thay đổi thái độ thù địch, bắt tay với các nước có nền chính trị khác Mỹ, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa là điều tốt lành với thế giới.
Tuyên bố chung Việt Mỹ nhắc đến việc “Tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị”. Việt Nam không thể tạo ra mối uy hiếp với thể chế chính trị của Mỹ, nhưng Việt Nam luôn cảnh giác với các thế lực thù địch về “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” hay “cách mạng màu”.
Trong chuyến thăm của ông Trọng, mặc dù phía Mỹ không bắn đại bác theo nghi lễ, không duyệt binh, không chiêu đãi tiệc cấp quốc gia dành cho nguyên thủ, nhưng ông Trọng và ông Obama lại có cuộc hội đàm mang tính lịch sử tại Nhà Trắng. Điều này có thể hiểu là Mỹ thừa nhận địa vị và thể chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
3.Quan hệ Việt Mỹ đang ở vào tuần trăng mật sau khi xóa bỏ những bất đồng?

Có thể thấy, khi Nhà Trắng hoan nghênh ông Trọng thì một số chính khách và thế lực chính trị nói họ “lấy làm tiếc” về quyết định của Nhà Trắng. Những người này coi chế độ một Đảng ở Việt Nam là căn nguyên của những vi phạm nhân quyền. 
Tổng thống Barack Obama bắt tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 7/7 - Ảnh: Reuters 
Ngoài ra, khi lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ và Việt Nam hội đàm, có vài trăm người Việt mang theo cờ của chính quyền Sài Gòn – chính quyền đã bị lật đổ cách đây 40 năm biểu tình ngoài Nhà Trắng. 
Trong số này cũng có những người mà Việt Nam coi là tổ chức khủng bố như đảng Việt Tân. Ai cũng biết lâu nay người đứng sau ủng hộ công khai hoặc bí mật của Việt Tân là ai? Chính phủ Mỹ và Việt Nam đều biết rõ điều này.
Cho nên, từ thực tế này có thể thấy rõ một điều: Nói và làm là hai chuyện khác nhau.
4.Truyền thông Mỹ cho rằng, ông Obama lần này có ý lôi kéo Việt Nam, thúc đẩy việc ký kết Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Tiến trình ký kết này sẽ thế nào?
TPP là một trong những nội dung quan trọng trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo của Việt – Mỹ lần này, tuy nhiên, rõ ràng là họ chưa đạt được bước đột phá thực sự nào. 
Trong tuyên bố chung, họ nói về TPP bằng từ “hy vọng”, “nỗ lực” v.v. Có thể thấy việc ký kết TPP giữa Hà Nội và Washington sẽ còn cần một đoạn đường dài.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chứng kiến lễ ký thỏa thuận tài trợ giữa Tập đoàn Phú Cường và Cơ quan Phát triển Thương mại Hoa Kỳ nhằm tài trợ dự án điện gió tại Trụ sở Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) ở Thủ đô Washington D.C. chiều 8/7 theo giờ địa phương. Ảnh: TTXVN 
Mỹ luôn nói với Việt Nam rằng, nếu nước này gia nhập TPP thì sẽ trở thành quốc gia thu được nhiều lợi ích nhất, xuất khẩu có thể tăng tới 32%, GDP tăng 25% mỗi năm. Các chuyên gia Mỹ và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đưa ra rất nhiều ‘bánh vẽ’ nhằm lôi kéo Hà Nội.
Nhiều năm qua, Mỹ luôn là quốc gia mà Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa nhất, và cũng là đối tác đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. Việt Nam hy vọng thông qua TPP để tăng lượng xuất khẩu hàng dệt may, giày da, nông sản v.v. vào thị trường Mỹ. 
Tuy nhiên, Hà Nội cũng gặp phải không ít khó khăn để thông qua TPP, ví dụ như vấn đề nhân quyền, bảo hộ sản phẩm và một số quy định trong thể chế của Việt Nam.
Đến khi nào Hà Nội và Washington sẽ ký kết được TPP, e rằng cả hai bên đều không thể nói rõ. Thậm chí nếu gia nhập TPP thì Việt Nam sẽ được gì, câu trả lời lại nằm ở thời gian.
Việt Nam là quốc gia duy nhất do Đảng Cộng sản lãnh đạo trong TPP. Chế độ của Việt Nam và Trung Quốc là khá giống nhau. Những khúc mắc trong đàm phán TPP của Việt Nam cũng là điều mà Trung Quốc gặp phải. Cho nên, ở góc độ khác, việc Việt Nam đàm phán TPP cũng là một bài học quý báu cho Trung Quốc.
Nếu như Mỹ thừa nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường thì không có lý gì không thừa nhận Trung Quốc.
5.Hà Nội và Washington sẽ “bắt tay nhau đối phó Trung Quốc”?

Tuyên bố chung Việt – Mỹ, xét về mặt từ ngữ, câu chữ mà nói thì không có gì mới, đó đều là những thứ đã xuất hiện trong nhiều văn bản của hai bên lâu nay. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc trả lời phỏng vấn các hãng tin, tờ báo Mỹ ngày 3/7 về chuyến thăm chính thức Mỹ - Ảnh: AP 
Sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, có một số điểm liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với những tranh chấp ở Biển Đông, nhưng có lẽ còn lâu nữa mới có cái gọi là “bắt tay nhau chống Trung Quốc”.
3 tháng trước, ông Trọng từng có cuộc gặp với Tổng Bí thư Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhiều nhận thức chung, bao gồm việc xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông. 
Cho nên việc có một số người nói Việt – Mỹ bắt tay chống Trung Quốc, hay thậm chí là lính Mỹ đặt căn cứ ở quân cảng Cam Ranh v.v. đều là suy đoán không căn cứ. Đây là những âm mưu xảo trá nhằm chia rẽ quan hệ Trung – Việt.
6.Để lính Mỹ vào Cam Ranh là tự sát
Năm 1975, sau khi Việt Nam kháng chiến, chống Mỹ giành thắng lợi, Mỹ tuyên bố áp lệnh cấm vận toàn diện với Việt Nam, bao gồm vũ khí.
Từ những năm 90 thế kỷ trước đến nay, hai nước bắt đầu thay đổi chính sách. Năm 1991, Mỹ bỏ lệnh cấm du lịch đến Việt Nam, một năm sau đó là bỏ lệnh cấm giao dịch thương mại.
Video: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama
Đến năm 1995, hai nước bình thường hóa quan hệ. Nhưng Mỹ vẫn giữ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, cho đến tháng 10 năm ngoái, Washington mới dỡ bỏ một phần lệnh cấm này.
Việc Việt Nam yêu cầu Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí là một yêu cầu chính đáng. Nếu như Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm đó thì quan hệ hai nước không thể coi là thật sự bình thường hóa. Việc này có nhiều tương đồng với quan hệ Mỹ - Trung.
Vũ khí chủ yếu của Việt Nam có nguồn gốc từ Liên Xô cũ và Nga, một số ít lấy từ Ấn Độ. Cho nên, việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam làm một chuyện, còn nước này có cần số vũ khí ấy hay không lại là chuyện khác. 
Người có kiến thức đều biết rằng, vũ khí Nga và Mỹ không tương thích với nhau. Cho dù Mỹ muốn bán, chưa chắc Việt Nam muốn mua. Ngược lại, cái Việt Nam muốn mua, chưa chắc Mỹ muốn bán. 
Việt Nam tuyên bố chính sách quốc phòng, ngoại giao của họ dựa trên nguyên tắc ‘ba không’. Đó là không lập liên minh quân sự, không để nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không dựa vào một nước nào đó để chống lại nước thứ ba. Nếu Việt Nam để Mỹ đóng quân ở Cam Ranh thì điều này đồng nghĩa với tự sát.
Xét về lâu dài, Việt Nam có lẽ sẽ mua một số trang bị quân sự của Mỹ và Châu Âu bởi Hà Nội thực sự đang tính đến hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí, khí tài quân sự. 
Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng của Hà Nội khá hạn hẹp, họ cũng phải tính tới độ tương thích giữa các loại vũ khí với nhau. Do đó, trong thời gian tới, có lẽ quân đội Việt Nam không có nhiều thay đổi lớn về vũ khí.
7.Chính sách ngoại giao

Giới phân tích Mỹ cho rằng, Hà Nội luôn tìm kiếm sự cân bằng với các nước như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Mỹ và những nước khác. Khó có khả năng Hà Nôi ngả hẳn về phía Washington. 
Chính sách ngoại giao của Việt Nam có thể gói gọi trong câu sau: độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa. Ở một mức độ nào đó, chính sách của Việt Nam là duy trì sự cân bằng giữa các nước lớn.
Video: Tổng Bí thư dự tiệc chiêu đãi của Phó Tổng thống Mỹ
Từ thập niên 80 của thế kỷ 20, Việt Nam bắt đầu cải cách, chính sách ngoại giao cũng theo đó mà bỏ đi cái gọi là ‘nghiêng về một phía’. Chính sách này cũng được đa số các nước Đông Nam Á áp dụng.
Việt Nam là một quốc gia phát triển tầm trung, hết sức coi trọng quan hệ với các nước lớn. Trong đó bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Nhật Bản, Ấn Độ, Australia v.v. 
Việt Nam theo đuổi mục tiêu trở thành đối tác, bạn bè đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế. Đáng chú ý là năm nay hai chuyến đi quan trọng của ông Trọng là tới Bắc Kinh và Washington.
Hiện tại, Hà Nội gấp rút chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 sẽ diễn ra vào năm sau. Có lẽ trong Đại hội này, những chính sách quốc phòng, ngoại giao của Hà Nội sẽ không có thay đổi đáng kể. 
Một điều cần lưu ý là Hà Nội và Bắc Kinh đều coi trọng quan hệ với nhau, do đó, hai bên đều kỳ vọng và mong muốn mối quan hệ sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp sau Đại hội Đảng lần thứ 12 của Việt Nam và trong tương lai lâu dài.
Theo chúng tôi, bài viết này của Hải Nam nhật báo đánh giá cao về chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Về điểm 1 điểm 2, như bài báo này và nhiều hãng thông tấn trên thế giới, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước. Như chính bài báo khẳng định, chính quyền Tổng thống Obama thừa nhận địa vị và thể chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điểm thứ 4, như bài báo khẳng định, kinh nghiệm đàm phán TPP của Việt Nam được Trung Quốc hết sức coi trọng.

Còn ở điểm thứ 5, trước thông tin trên một số đài truyền hình, báo điện tử Trung Quốc nói về cái gọi là “Việt – Mỹ bắt tay chống Trung Quốc”, tác giả bài viết trên Hải Nam nhật báo cũng đã cải chính: việc có một số người nói Việt – Mỹ bắt tay chống Trung Quốc, hay thậm chí là lính Mỹ đặt căn cứ ở quân cảng Cam Ranh v.v. đều là suy đoán không căn cứ. Đây là những âm mưu xảo trá nhằm chia rẽ quan hệ Trung – Việt.

Điều này cũng được làm rõ ở điểm thứ 6, vì Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố rõ ràng chính sách quốc phòng, ngoại giao của Việt Nam dựa trên nguyên tắc ‘ba không’. Đó là không lập liên minh quân sự, không để nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không dựa vào một nước nào đó để chống lại nước thứ ba. 

Văn Việt Võ
Bình luận
vtcnews.vn