Báo TQ trắng trợn nói tàu Tam Sa I chở xe tăng tung hoành Biển Đông

Thế giớiThứ Tư, 07/01/2015 01:40:00 +07:00

Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc sáng nay (7/1), cho chạy bài với tựa đề mang nặng tư tưởng bành trướng: Tàu Tam Sa I chở xe tăng type 99 tung hoành Biển Đông

(VTC News) - Tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc sáng nay (7/1), cho chạy bài với tựa đề mang nặng tư tưởng bành trướng: Tàu Tam Sa I chở xe tăng type 99 tung hoành Nam Hải (Biển Đông).

Tường thuật của Hoàn Cầu thời báo cho biết tàu Tam Sa I xuất phát từ hôm 5/1 vừa qua tại đảo Hải Nam đến đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Tàu Tam Sa I của Trung Quốc trên đường ra Hoàng Sa - Ảnh: Tân Hoa Xã 
Theo thiết kế, tàu dài 11m, có 8 tầng, lượng giãn nước 7.800 tấn, chở được 456 người với tải trọng hàng hóa 2.400 tấn. Tam Sa I có tốc độ trung bình 19 hải lý/ giờ, hoạt động liên tục với hải trình tối đa 6.000 hải lý. Truyền thông Trung Quốc nói Tam Sa I đi từ Hải Nam đến đảo Phú Lâm hết khoảng 10 giờ đồng hồ. 
Trước kia, Trung Quốc thường chở hàng tiếp tế đến đảo Phú Lâm bằng tàu Quỳnh Sa III nhưng thời gian di chuyển mất 15 giờ đồng hồ. Chiếc Tam Sa I được nói là có thể hoạt động trong điều kiện gió cấp 8, cấp 10. 
Nhiều tờ báo Trung Quốc đưa tin, Tam Sa I có sàn đỗ dành cho trực thăng để ‘tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ, tuần tra đảo’.
Theo Hoàn Cầu thời báo, Tam Sa I có thể mang theo xe tăng type 99 hiện đại nhất của lục quân Trung Quốc, xe tăng lội nước, xe tăng hạng nhẹ và các loại pháo tự hành, hệ thống tên lửa phòng không. 
Chuyên gia quân sự Lý Kiệt nói trên tờ Hoàn Cầu thời báo rằng với hải trình 6.000 hải lý, tàu Tam Sa I có thể đi đến ‘vùng đảo xa nhất của Trung Quốc ở phía Nam’ để tiếp tế, tuần tra.
Tuy nhiên, một chuyên gia quân sự giấu tên của Trung Quốc nói xét về mặt ý nghĩa quân sự, tàu Tam Sa I ‘gần như khó phát huy tác dụng’. So với chiếc Bột Hải Thúy Châu được tạp chí quân sự Anh HIS Jane’s thì Tam Sa I nhỏ bé hơn nhiều.
Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm với tốc độ cao hồi tháng 6/2014 

Theo đó, chiếc Bột Hải Thúy Châu có lượng giãn nước, 36.000 tấn, ba khoang chở hàng có thể chứa được 300 chiếc ô tô. Thậm chí, khoang chở hàng của tàu này còn có thể lắp đặt thành khoang chở xe tải siêu trường, siêu trọng lên đến 120 tấn.
Trên thực tế, giới quân sự Trung Quốc đánh giá tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn của nước này mới thực sự là tàu tiếp tế quân sự hiện đại. 
Tàu có chiều dài 210m, rộng 28m, lượng giãn nước 19.000 tấn. Thiết kế của Tỉnh Cương Sơn cho phép nó chở được trực thăng chiến đấu, xe bọc thép, tàu đệm khí và vài tram binh lính với đầy đủ vũ khí cá nhân.
Chuyên gia quân sự Lý Kiệt ngạo mạn tuyên bố Việt Nam và một số quốc gia khác ở Biển Đông không có tàu lớn như Trung Quốc, không có năng lực đóng tàu so sánh được với Trung Quốc.
Tuy nhiên, những ý kiến mang nặng tư tưởng bành trướng như trên thời gian gần đây đang gặp phải sự chỉ trích của chính người Trung Quốc.
Trên diễn đàn quân sự Trung Quốc Chinamil và ngay cả tờ báo bị cho là mang tư tưởng dân tộc cực đoan như Hoàn Cầu thời báo, không ít chuyên gia quân sự cho rằng Việt Nam thực sự không cần phải đóng những con tàu to kiểu như Trung Quốc.
Tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn của Trung Quốc 
Lý do vì Việt Nam có lợi thế ở gần các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tàu của Việt Nam có thể đi từ nhiều cảng đến hai quần đảo nói trên. Hơn nữa, đặc thù ở hai quần đảo này là ‘tàu lớn không vào nổi, tàu nhỏ không đi nổi’ do có quá nhiều rặng san hô ven bờ.
Việc tàu Tam Sa I ra Hoàng Sa lần này, như thừa nhận của chính Lý Kiệt trên Hoàn Cầu thời báo là ‘mang tính biểu tượng nhiều hơn ý nghĩa thực tế’.
Đây không phải lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc có những bài viết theo kiểu chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Đài truyền hình TW Trung Quốc (CCTV) ngày 5/1 cho biết gần đây có báo đưa tin Trung Quốc thử nghiệm thành công robot tự động “Hải Yến” tại một khu vực biển nước sâu 1.500m ở biển Đông. 
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng “Hải Yến” có thể hoạt động dưới độ sâu 1.500m và khả năng di chuyển lên đến 1.000km, liên tục trong 30 ngày.
CCTV cho rằng loại robot tự hành này có thể ngăn chặn hiệu quả hoạt động của người nhái “từ một quốc gia nào đó”, khi người nhái tiếp cận thì robot này sẽ tự động tấn công.
Robot Hải Yến do Trung Quốc chế tạo - Ảnh: Chinanews 
Tuy nhiên, phần lớn các hãng truyền thông Trung Quốc khi dẫn lại bản tin này đều giật tựa là "Robot tự hành dưới nước do Trung Quốc chế tạo có thể tấn công người nhái Việt Nam".
Hồi tháng 6 năm ngoái, mục Quân sự của Tân Hoa Xã đăng bài viết về đặc công nước Việt Nam với đánh giá đây là lực lượng thiện chiến nhất Đông Nam Á.
Bài viết của tác giả Uông Xuyên, được nói là chuyên viên Viện nghiên cứu chiến lược và nhiệm vụ quốc phòng của Trung Quốc.
Mở đầu bài viết, Uông Xuyên nói ‘sư đoàn người nhái’ trong lực lượng đặc công nước Việt Nam có thể áp sát chiến hạm đối phương trong phạm vi 3m đến 4m sau đó đặt thủy lôi rồi sau đó kích nổ. 
Tác giả bài báo thêu dệt chi tiết mang đầy tính không tưởng về đặc công nước Việt Nam. 
Xin trích dịch một đoạn như sau: Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam dường như có đội ngũ người nhái mạnh nhất. Đặc biệt là sư đoàn người nhái 126 cực tinh nhuệ của lực lượng đặc công nước Việt Nam.
Mỗi thành viên của sư đoàn 126 có thể mang theo 500kg trọng tải phụ, lặn sâu xuống nước 50m và ‘không gây tiếng động’ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, hoặc họ có thể đào hố rồi tự ẩn mình trong cát, phủ lên những lớp ngụy trang khiến đối thủ không thể phát hiện.
Sự thành lập và địa vị của lực lượng người nhái cho thấy quốc gia này (Việt Nam) rất coi trọng và đầu tư lớn cho chủ quyền biển đảo.
Chưa rõ Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước lớn nhất Trung Quốc đăng bài viết này nhằm mục đích gì. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 5/2014, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng trên Tân Hoa Xã, đã vu cho Việt Nam ‘đưa người nhái xuống nước’ ở khu vực Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam.
Dịch Tiên Lương – Vụ phó Vụ Biển đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, khi ở cự ly cách nhau khoảng 5m giữa tàu hai bên, Trung Quốc "phát hiện Việt Nam đưa nhiều người nhái xuống nước".
"Việt Nam thả lượng lớn lưới đánh cá, chướng ngại vật cỡ lớn khiến tàu thuyền Trung Quốc di chuyển khó khăn", Tân Hoa Xã, dẫn lời ông Dịch ngày 9/5.
Tuy nhiên, trả lời VTC News, Trung tá Đặng Hồng Quân, phụ trách công tác ban Tuyên huấn, Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định thông tin về việc tàu Việt Nam thả lưới cỡ lớn, giăng mắc chướng ngại vật, đưa người nhái tấn công tàu Trung Quốc là hoàn toàn bịa đặt.
Trung Quốc rõ ràng có ý đồ vu vạ khi ngang nhiên đặt giàn khoan, hung hãn dùng tàu chấp pháp, tàu cá đâm va, húc tàu công vụ Việt Nam tại nơi đặt giàn khoan trái phép.
Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế Việt Nam tháng 5/2014 đã gặp phải sự chỉ trích gay gắt của dư luận quốc tế.
Việt Nam cũng đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Mọi việc làm của bất cứ nước nào tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp và không có giá trị.

Văn Việt
Bình luận
vtcnews.vn