Bảo tồn nét thanh lịch của người HN thế nào? (Bài 6)

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 17/08/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Hà Nội, thủ đô ngàn tuổi, nơi thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương, sẽ mãi là nơi tinh hoa hội tụ của cả nước.

(VTC News) - Có thể nói, chưa bao giờ, vấn đề bảo tồn nét văn hóa, lối sống, ứng xử của người Hà Nội lại được bàn thảo nhiều như thời điểm này. Nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, vấn đề này lại được mổ xẻ mạnh mẽ hơn. Nét ăn, nết ở của Hà Nội đang trải qua cơn sóng gió của quy luật xã hội. Làm thế nào để bảo tồn được nét thanh lịch – giá trị phi vật thể của người Hà Nội, để người thủ đô vượt qua được giai đoạn “thị dân non” như chữ của GS. sử học Lê Văn Lan?


Bà Nguyễn Hồng Liên (144, Quán Thánh, nguyên giáo viên trường Tiểu học Việt Nam – Cu Ba): Chẳng phải ngẫu nhiên mà người đời có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Điều đó thể hiện nét đẹp trong cử chỉ, lời ăn tiếng nói, hành xử của người Thăng Long xưa. Nhưng giờ thì những nét đẹp đó mai một nhiều lắm. Thời tôi dạy học, không bao giờ nghe thấy tiếng nói bậy của học trò, chứ không phổ biến và rát tai như bây giờ. Ngày đó, việc dạy đạo đức được đưa lên làm đầu. Trẻ được học đạo đức ngay từ khi chập chững biết đi. Ngay một đứa trẻ cũng biết lễ nghĩa, tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới, nói năng luôn có chữ “thưa ông, thưa bà, thưa cha, thưa mẹ…” ở đầu câu, và chữ “ạ” ở cuối câu, gặp người lớn đều khoanh tay cúi đầu chào lễ phép. Các cháu bé ngày xưa rất hay “xin lỗi” dù chẳng có lỗi. Rồi hai chữ “cảm ơn” luôn thường trực trên môi.

"Thời tôi dạy học, không nghe thấy tiếng nói bậy của học trò bao giờ. 

Theo tôi, để giữ gìn, phát huy nét thanh lịch của người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, chúng ta phải dạy đạo đức, ứng xử suốt từ mẫu giáo cho đến khi trưởng thành. Thời chúng tôi, trong các gia đình đều có cuốn sách “Luân lý giáo khoa thư lớp đồng ấu”. Cuốn sách này hướng dẫn cha mẹ cách dạy dỗ trẻ những nguyên tắc đạo đức, ứng xử chuẩn mực với gia đình, dòng họ, bạn bè, thầy cô, xã hội... Những luân lý trong cuốn sách đó thấm nhuần tâm hồn đứa trẻ, thì khi lớn lên, ắt sẽ trở thành trai thanh – gái lịch.

Nghệ nhân hoa lụa Mai Hạnh (5, phố Chả Cá): Có thể nói, các cụ ngày xưa đều là “nghệ nhân ứng xử”. Để trở thành một người thanh lịch phải được sự dạy dỗ, rèn dũa ghê lắm. Tôi còn nhớ hồi 13,14 tuổi gì đó, nằm trên giường đọc sách, chân gác lên cửa sổ. Mẹ tôi đi chợ về, trông thấy, liền lấy roi mây vụt trúng ống đồng. Đấy, chỉ có gác chân lên cửa sổ mà bị mẹ đánh. Đến tuổi lấy chồng, các cụ vẫn dạy dỗ cẩn thận. Khi vui thì cũng chỉ được cười chúm chím, vừa đảm bảo lịch sự, sang trọng, lại vừa hồn nhiên, trong sáng. Rồi khi nói chuyện với người đối diện, các cụ cũng dạy cách nhíu lông mày sao cho chuẩn, lông mày nhíu lên nhíu xuống cũng phải theo quy tắc. Rồi đi cũng không nhanh quá, không chậm quá, bước chân cũng phải chuẩn mực, tôn dáng. Chính vì được rèn dũa kỹ thế, nên khi sang Pháp, người Pháp bảo phong thái của tôi giống hệt người Pháp thời xưa. Rồi khi tôi sang Nhật, người Nhật dù khó tính thế cũng rất khâm phục và ngạc nhiên về lối ứng xử của người Việt.
Nghệ nhân hoa lụa Mai Hạnh. 

Con gái ngày xưa, ra đường cũng phải đi cùng anh, cùng chị, cùng bố, cùng mẹ, mà ăn mặc thì “kín cổng cao tường” lắm, chứ không xẻ dưới xẻ trên như giờ. Đàn bà gì mà ngồi dạng háng vỉa hè, ăn uống lỗ mãng, nói cười hô hố, chửi tục như hát chèo. Đám học trò của tôi đến học nghề, nhưng tôi lại phải dạy văn hóa từ đầu. Các cháu cứ như cỏ hoang mọc dại, không biết ứng xử, lễ nghĩa gì cả.

Theo tôi, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cần phải xác định rõ những tiêu chí của một người Hà Nội thanh lịch để từ đó có phương pháp tuyên truyền cụ thể đến từng khu phố, từng gia đình, từng hộ dân. Đúc rút từ cuộc đời tôi, tôi thấy những tiêu chí của một người Hà Nội thanh lịch, đó là: hào hoa, phong nhã, linh hoạt, duyên dáng, niềm nở, mộc mạc, thông minh, khiêm nhường, lịch thiệp, chững chạc, ân cần, tế nhị…

Bà Nghiêm Tú Phương (Tổ trưởng Tổ 2 – Khu phố 1, phố Hàng Lược, phường Hàng Mã): Đặc trưng của con phố Hàng Lược cũng như nhiều con phố trong khu phố cổ là số nhà đông hộ, tức là một số nhà, một ngôi nhà, mà có nhiều hộ gia đình sinh sống. Một căn hộ, với hai vợ chồng, lắm lúc bát đũa còn xô nhau, nói gì 16-17 hộ, với cả trăm nhân khẩu sống chung trong một ngôi nhà, đi chung một nhà vệ sinh, ra vào chung một ngõ. Để các hộ gia đình sống đoàn kết với nhau, các cán bộ tổ dân phố và mỗi hộ dân, mỗi con người đều phải nỗ lực ghê lắm. Nếu ai cũng giữ được đức tính thanh lịch của người thủ đô, tôn trọng, quý mến xóm giềng, thì cực kỳ hòa thuận, ấm êm.
Bà Nghiêm Tú Phương. 

Để các hộ gia đình trong các số nhà đông hộ đoàn kết, chúng tôi phải bầu ra trưởng số nhà. Cứ mỗi tháng, các trưởng số nhà lại cùng tổ trưởng, trưởng ban mặt trận họp lại, nêu ra tình hình khó khăn, cùng tìm cách giải quyết, tháo gỡ. Nếu có tranh chấp, cãi vã, thì tổ hòa giải sẽ vào cuộc, động viên, nhắc nhở mọi người thực hiện nếp sống văn minh của người Hà Nội. Chúng tôi đưa ra quy ước “Người Hà Nội 1.000 năm văn hiến”, rồi yêu cầu các gia đình ký vào để thực hiện. Cứ đến mỗi quý, đại diện các gia đình lại tổ chức sinh hoạt tổ dân phố. Người nào cũng được nêu ý kiến, trình bày sự hiểu biết của mình về văn hóa Hà Nội cổ, để nhà khác nhận biết, học tập, rồi làm theo, tạo nên một phong trào có ý nghĩa, lan từ nhà này sang nhà khác, từ khu phố này sang khu phố khác.

Hàng ngày, các cụ già trong tổ dân phố vẫn đi nhắc nhở các chủ nhà không lấn chiếm vỉa hè, bày hàng hóa cũng phải lịch sự, không vứt rác bừa bãi. Nhắc nhở các gia đình có con cái ăn mặt hở hang, kém lịch sự, ăn nói bậy bạ, mải chơi, lười học, đi xe bạt mạng… Vào buổi chiều thứ 6 và thứ 7, cán bộ mặt trận, các ban, ngành, hội, tổ dân phố lẫn quần chúng cùng xuống đường làm vệ sinh sạch sẽ, tạo ra tuyến phố văn minh, lịch sự.

Bà Vũ Minh Lan (Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Đào): Gần đây có khá nhiều đề án bảo tồn và phát huy những giá trị vật thể và phi vật thể trong khu phố cổ, cũng như trên địa bàn thành phố. Trong đó, đáng chú ý là đề án “Văn hóa ứng xử của người phụ nữ Hà Nội”. Đề án này được phổ biến xuống từng cấp hội, từng hội viên. Theo đó, các cấp hội đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động như tọa đàm, sinh hoạt tập thể về văn hóa ứng xử. Qua các cuộc tọa đàm, sinh hoạt, chị em sẽ học được cách xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, tránh xa tệ nạn.
Các cán bộ tiếp dân của phường Hàng Đào luôn lịch sự, nhiệt tình, vô tư và làm hết trách nhiệm. 

Việc thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền “Văn hóa ứng xử của người phụ nữ Hà Nội” đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, giúp chị em hiểu rõ được nếp sống của phụ nữ truyền thống, học được cách giao tiếp ứng xử chuẩn mực trong gia đình, cộng đồng. Đặc trưng của phường Hàng Đào cũng như các phường khác trong quận Hoàn Kiếm, đó là phần lớn các gia đình có liên quan đến việc kinh doanh. Do đó, việc trọng tâm là hướng chị em học tập tác phong ứng xử có văn hóa trong kinh doanh. Chị em phụ nữ làm kinh doanh thường xuyên tiếp xúc với khách trong nước và quốc tế, trong khi, những chị em này ít nhiều có thái độ ứng xử thiếu đi bản sắc văn hóa của người Hà Nội. Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến bộ mặt của thủ đô. Nếu việc giao tiếp bán hàng có văn hóa, sẽ giúp du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài hiểu thêm về văn hóa ứng xử của người Hà Nội và thêm yêu mến đất nước Việt Nam.

Ngoài ra, chị em phụ nữ thời nay cũng tham gia công tác xã hội rất nhiều. Chính vì vậy, nét thanh lịch của chị em phụ nữ càng được quan tâm. Các cấp hội phụ nữ đang cố gắng đưa những nét thanh lịch như kín đáo, tế nhị, nhỏ nhẹ, dịu dàng, khoan thai, ăn mặc lịch lãm… của người phụ nữ vào các công sở. Để làm được điều đó, trước tiên, Đảng ủy – UBND phường Hàng Đào phải làm gương. Các cán bộ tiếp dân phải lịch sự, nhiệt tình, vô tư và làm hết trách nhiệm.

Ông Trần Xuân Hà (Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hoàn Kiếm): Mấy năm nay, Đảng bộ và nhân dân quận Hoàn Kiếm quyết tâm thực hiện thành công hai đề án: “Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” và “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Đề án đã được triển khai tới 100% cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thiếu niên, học sinh, nhân dân đang sinh sống, công tác, lao động, học tập trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Làm thế nào để giữ được nét thanh lịch của người Hà Nội xưa? 

Quận tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật như: các cuộc thi tìm hiểu, triển lãm ngoài trời, thi viết về những kỷ niệm, hồi ức, nét đẹp của cuộc sống và con người khu phố cổ với chủ đề “Hưởng ứng viết về phố cổ tôi yêu”; sưu tầm ảnh cổ, ảnh cũ về cuộc sống, con người, những giá trị tinh thần khu phố cổ… Tiếp tục duy trì hiệu quả phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử giao thông có văn hóa, kinh doanh thương mại văn minh… Việc thực hiện phong trào này, sẽ là tiêu chí để công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Ngoài ra, Phòng Văn hóa và thông tin quận Hoàn Kiếm đã thực hiện đề án “Khôi phục các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ”. Các lễ hội đã và sẽ được phục dựng, nâng tầm như Lễ hội đền Bạch Mã, Lễ hội Nguyên phi Ỷ Lan, Lễ hội Liên khu 1 Quân dân anh dũng… Những lễ hội này sẽ góp phần khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân thủ đô, nhắc nhở nhân dân giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tổ tiên mình.

Hà Nội, thủ đô ngàn tuổi, nơi thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương, sẽ mãi là nơi tinh hoa hội tụ của cả nước. Chắc chắn rằng, với thắng lợi mới của công cuộc cách mạng, với quyết tâm của chính quyền, với ý thức của mỗi người dân mang danh “người Hà Nội”, thì “truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp cũng đang được khơi lại, con người đang tự cấu trúc lại, hứa hẹn góp phần đáng kể vào việc bảo vệ và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến” (lời của Nhà nghiên cứu Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc).


Phạm Ngọc Dương




Bình luận
vtcnews.vn