Bảo tồn cầu Long Biên: Không thể sai lầm lần nữa

Thời sựChủ Nhật, 23/02/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Chuyên gia cho rằng, việc sửa cầu Long Biên không thể sai lầm một lần nữa giống như dỡ bỏ tàu điện Hà Nội đến mức không thể khắc phục được.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra 3 phương án làm đường sắt qua sông Hồng.
Phương án 1: Phá bỏ cầu Long Biên hiện tại, giữ lại 9 nhịp cầu mang tính bảo tồn tượng trưng, kết hợp phục vụ du lịch khu vực bãi giữa sông Hồng. Phương án 2: Xây mới cầu Long Biên tại vị trí cũ theo hình dáng kiến trúc cũ. Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên bản các nhịp cầu Long Biên để bảo tồn.
Chia sẻ quan điểm với phóng viên VTC News về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải thành phố Hà Nội, Giảng viên ngành Quy hoạch và Quản lý Giao thông đô thị thuộc trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội nêu ý kiến:

 Tiến sỹ Nguyễn Văn Thụ

“Cầu Long Biên không chỉ là một công trình giao thông. Cây cầu này gắn liền với lịch sử hào hùng bảo vệ Tổ quốc của cả một dân tộc, nó mặc nhiên theo lịch sử trở thành một biểu trưng của Thủ đô Hà nội.
Chúng ta không sai lầm một lần nữa giống như dỡ bỏ tàu điện Hà Nội đến mức không thể khắc phục được. Giờ tiếng leng keng của tàu điện chỉ còn trong ký ức và sự nuối tiếc của những người già.
Với tầm vóc và ý nghĩa như vậy, nếu ai không bảo tồn và giữ gìn cầu Long Biên, vì lợi ích trước mắt mà làm biến dạng di tích này đều là tội lỗi không sửa được đối với cả dân tộc nói chung và đối với cả Thủ đô nói riêng”.
Đừng đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu!
Đó là ý kiến của KTS. Nguyễn Thành Long - Phòng Nghiên cứu lịch sử kiến trúc - Viện Kiến trúc Quốc gia.
Ông Long cho rằng, nhà quản lý vẫn nói bảo tồn di sản phải hài hòa với phát triển nhưng trên thực tế lợi ích kinh tế vẫn được đặt lên hàng đầu.
cầu Long Biên vtc

 Cầu Long Biên

Khoan nói về việc đúng - sai trong câu chuyện này, hãy lật lại sự việc về cách bảo tồn của thành phố Hà Nội đối với những vấn đề bảo tồn nhạy cảm liên quan đến giao thông và di sản gần đây để cùng suy ngẫm.
Khi con đường Kim Liên - Xã Đàn được mở, vấn đề nảy sinh giữa bảo tồn di sản với phát triển hệ thống giao thông được đặt ra và cuối cùng đi đến thống nhất hóa giải bằng một khu vực đánh dấu Đàn Xã Tắc ở ngay tại vị trí ngã ba Xã Đàn-Nguyễn Lương Bằng.
Cũng trong năm 2013, câu chuyện về việc xây dựng nhà đặt máy thí nghiệm trong khuôn viên trường Đại học Dược gây xôn xao giới kiến trúc sư và sử học về ảnh hưởng của công trình xây mới tới không gian kiến trúc cảnh quan của công trình di sản có vị trí nhất định không chỉ trong nước mà còn có sự quan tâm của bạn bè quốc tế.
Sự việc có lẽ sẽ còn nhiều vấn đề nếu không có sự thống nhất giữa một bên là dư luận và một bên là chủ sở hữu cùng với cơ quan quản lý. Như vậy trong câu chuyện về phát triển và bảo tồn của thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều vấn đề mà quan trọng nhất chính là sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan đáng ra phải thực hiện ngay từ ban đầu.
Những người dân, các nhà khoa học, các chuyên gia liên quan tới bảo tồn di sản không thể chấp nhận việc mình chỉ là người bày tỏ quan điểm còn việc thực thi là chuyện của các cấp quản lý, những nhà đầu tư luôn coi lợi ích kinh tế là hàng đầu.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính - Nguyên Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam đã từng nói việc di chuyển một yếu tố gốc hiện hữu tới một vị trí khác vô hình chung tạo ra một “yếu tồn” mới.

 Các chuyên gia đều cho rằng không nên đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu

Một người khác cần được nhắc tới bởi luôn trăn trở với bảo tồn di sản là KTS. Hoàng Thúc Hào mới đây đã đưa ra quan điểm “phương án bảo tồn tốt nhất là bảo tồn nguyên trạng”. Theo KTS Hào “cần thận trọng và tôn trọng di sản. Kể cả những cái đã mất đi cũng chính là giá trị tự thân của di sản, chính là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của di sản”.
Hãy xem lại những thước phim, hình ảnh về Festival cầu Long Biên năm 2010 để thấy rằng nếu biết cách bảo tồn, phát huy thì giá trị và lợi ích không chỉ nằm ở những con số tiền tỷ hay nghìn tỷ đồng .
Xin trích lời bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO thay cho lời kết: “…không có biểu tượng nào về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau vĩ đại hơn một Di sản”
Đồng quan điểm với ông Long, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, thành phố cần bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên bởi cây cầu này là một chứng tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
"Chúng ta phải chấp nhận giải tỏa dân để làm cầu mới, không được đặt vấn đề kinh tế khi bảo tồn vì di sản là vô giá", ông Nghiêm nói.
PGS, TS, KST Trần Trọng Hanh, Ủy viên thường vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội KTS Việt Nam cũng khẳng định, giá trị văn hóa tinh thần phải được đặt lên trên công năng giao thông.
Bình luận
vtcnews.vn