Bão số 9 áp sát bờ ảnh hưởng thế nào tới miền Trung?

Thời sựThứ Tư, 21/11/2018 13:19:00 +07:00

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, áp thấp sẽ mạnh lên thành bão số 9 và sẽ ảnh hưởng tới miền Trung nước ta.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 20/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 100km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 25-30km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 19 giờ ngày 21/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 120,6 độ Kinh Đông, cách phía Bắc đảo Pa-la-oan, Philippines khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. 

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào biển Đông và có khả năng mạnh thêm.

1223455

 Đường đi bão số 9 sẽ ảnh hưởng vào nước ta.

Đến 19h ngày 22/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 80km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.  Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 13h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Đặc biệt, bão số 9 có thể kết hợp với không khí lạnh mạnh được tăng cường vào ngày 21/11 nên cường độ cũng như quỹ đạo di chuyển của cơn bão số 9 sẽ diễn biến phức tạp. 

Theo dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam, bão số 9 và không khí lạnh sẽ tương tác với nhau gây mưa to đến rất to các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, khu vực Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, phần phía Bắc của các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đợt mưa này sẽ bắt đầu ngày 22/11, khi không khí lạnh ảnh hưởng đến Trung Bộ, sau đó tương tác của không khí lạnh và bão sẽ bắt đầu gây mưa to đến rất to ở miền Trung từ ngày 23/11. 

Mưa lớn được dự báo nhiều khả năng kéo dài liên tục từ ngày 23-28/11. Trong đó, trọng tâm mưa lớn từ các tỉnh Quảng Trị đến Bình Thuận, với tổng lượng mưa có thể lên tới 300-500mm.

Khu vực Khánh Hòa cũng là vùng trọng tâm mưa, trong đó mưa sẽ xảy ra dồn dập trong hai ngày 23-24/11, với tổng lượng mưa mỗi ngày có thể lên tới 200-300mm.

12345566

 Ảnh hưởng nặng nề của báo số 8 ở Khánh Hoà.

Trước đó, sáng 20/11, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, dự báo cuối tuần này, cơn bão số 9 sẽ hình thành và đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa.

Theo dự báo quốc tế, cơn bão mới sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều so với cơn bão số 8 và sẽ mang theo mưa lớn.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, công tác phòng chống cơn bão số 9 cần phải được chuẩn bị từ sớm, nếu không sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Ông Sơn khuyến cáo, để ứng phó với cơn bão mới, công tác phòng chống đầu tiên là thực hiện những phương án bảo vệ đối với các hoạt động kinh tế trên biển, đặc biệt là khu vực nuôi trồng thủy hải sản rất phát triển tại Phú Yên, Khánh Hòa. Không để hậu quả lặp lại như cơn bão Damrey năm 2017.

Đồng thời chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần phải cảnh báo sớm để người dân di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, hoặc thu hoạch sớm.

Đặc biệt, để tránh thảm họa sạt lở, lũ quét như vừa qua, tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác cần tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn.

Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa. Khi có bản tin cảnh báo chính thức và đường đi của bão được xác định, công tác sơ tán người dân phải được triển khai ngay.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn