Bão số 4 di chuyển rất nhanh, đặc biệt nguy hiểm

Thời sựThứ Bảy, 29/11/2014 08:21:00 +07:00

(VTC News) - Bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh Bình Định - Phú Yên với tốc độ di chuyển rất nhanh và nguy hiểm.

(VTC News) - Bão số 4  đổ bộ vào các tỉnh Bình Định - Phú Yên không lớn nhưng có tốc độ di chuyển rất nhanh và được đánh giá nguy hiểm.

22h30 phút, bão đang đổ bộ vào Bắc Phú Yên. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Quy Nhơn đã có gió giật mạnh cấp 9, ở Tuy Hòa và An Nhơn có gió giật mạnh cấp 6. Ở Bình Định – Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Bản tin nhanh về bão số 4 thông báo, hồi 22 giờ ngày 29/11, tâm bão ở vào khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông; trên vùng bờ biển Bình Định – Phú Yên; cường độ bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. 

21h30, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Quy Nhơn đã có gió giật mạnh cấp 7, ở Tuy Hòa có gió giật mạnh cấp 6. Ở Bình Định – Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, hồi 21 giờ ngày 29/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển gần bờ Bình Định – Phú Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi vào đất liền Nam Bình Định – Phú Yên sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng thấp.

Đến 7 giờ ngày 30/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên biên giới Việt Nam - Cam Pu Chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ). 

Video: Bão số 4 diễn biến khó lường



Lúc 20h, mưa tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên đang càng lúc càng to, sức gió ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 9 -10.


Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hồi 19 giờ ngày 29/11, tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông; trên vùng biển gần bờ Bình Định – Phú Yên.


Mưa gió lớn chiều tối nay ở TP Quy Nhơn. Ảnh: Vnexpress 

Chiều tối 29/11, hoàn lưu trước bão số 4 gây biển động dữ dội tạo những cột sóng cao hơn 4m liên tục dội vào bờ ở TP Quy Nhơn. Ảnh: Trí Tín. 

Chiều 29/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn Trung ương Cao Đức Phát đã thị sát kiểm tra thực tế công tác phòng chống, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tại các điểm xung yếu tỉnh Phú Yên.

Đến chiều 29/11, còn 188 phương tiện với 1.111 lao động đang hoạt động ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quốc và ven bờ; trong đó 81 tàu, 652 lao động đánh bắt thủy sản xa bờ.


Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra triều cường tại xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. (Ảnh: Quang Lê) 

Tất cả các tàu thuyền đều liên lạc thường xuyên với đất liền. Có hai tàu cá gặp nạn trên biển là tàu PY 96182TS với 5 lao động ở Phú Yên bị gãy trục láp, trôi dạt trên biển, được tàu của Bộ đội Biên phòng và ngư dân Phú Yên cứu hộ an toàn; tàu QNg 176TS với 2 lao động ở tỉnh Quảng Ngãi, đang được tàu Vùng Cảnh sát biển 3 lai dắt về bến Vân Phong, Khánh Hòa.

Sáng 29/11, lãnh đạo tỉnh về các địa phương kiểm tra công tác triển khai phương án phòng tránh bão số 4. Đồng thời yêu cầu chính quyền các địa phương ven biển như huyện Đông Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa phối hợp với các đồn biên phòng thường xuyên thông báo cho các chủ tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão số 4 để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; có phương án tổ chức, sắp xếp khu vực neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản an toàn; kiểm soát, quản lý chặt chẽ, cấm ngư dân ra khơi.


Từ 10 giờ sáng 29/11, tại kè xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa triều cường bắt đầu xuất hiện cuốn trôi nhiều đoạn kè rọ đá, uy hiếp khu dân cư. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ đắp đê bao chắn sóng bảo vệ khu dân cư.

Đến 16 giờ cùng ngày, tần suất, cường độ sóng biển tiếp tục tăng cao với những cột sóng cao từ 2 đến 3m và có khả năng sẽ mạnh hơn vào tối nay, khiến người dân lo lắng.

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, phải đóng cọc, xây kè biển chắn sóng mới đảm bảo an toàn lâu dài cho người dân ven biển và chống xâm thực bờ, chứ không thể xây kè tạm như hiện nay.

Thụy Miên

Bình luận
vtcnews.vn