Báo quý hiếm xuất hiện ở Lâm Đồng

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 10/01/2013 03:22:00 +07:00

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã xác định được các cá thể động vật hoang dã xuất hiện tại địa bàn là loài báo hoa mai quý hiếm, cần được bảo vệ.

Qua kiểm tra xác minh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã xác định được các cá thể động vật hoang dã xuất hiện tại địa bàn thôn 1, xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) là loài báo hoa mai quý hiếm, cần được bảo vệ.


Từ thông tin của người dân, qua kiểm tra hiện trường tại thôn 1, xã Đạ Oai, Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng đã ghi nhận nhiều vết chân thú có móng vuốt, các dấu chân có kích thước khác nhau (loại nhỏ chiều ngang đệm chân từ 2 – 3 cm, loại lớn từ 4,2 – 6,2 cm).

Ngoài ra, khi làm việc với các hộ dân trong khu vực trên, lực lượng kiểm lâm cũng nhận được thông tin một số người dân đã thấy ba cá thể động vật hoang dã vào lúc chập tối ngày 18-12-2012.

Trong đó, hai cá thể lớn cao khoảng 80 cm (một cá thể bị thương ở chân) và một cá thể nhỏ cao khoảng 30 cm.

 
Báo hoa mai 
Các con thú này có đầu giống loài mèo, lông nền màu vàng và có các vằn (đốm) màu đen. Sau khi được cán bộ kiểm lâm cho xem hình ảnh đối chứng, các hộ dân đã nhận ra ba cá thể động vật trên chính là báo hoa mai.

Theo TTXVN, với kết quả thu thập từ hiện trường và thông tin cung cấp từ người dân, Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng ngày 9.1 đã xác định ba cá thể thú xuất hiện tại xã Đạ Oai trong thời gian gần đây là báo hoa mai (tên khoa học là Panthera Pardus).

Đây là loài thú thuộc họ mèo, bộ thú ăn thịt Carnivora, có những đốm ở lưng như hình hoa mai (giữa đốm màu vàng chấm đen như nhụy hoa), đốm ở đầu nhỏ, phần nửa gốc đuôi đốm đen lớn.

Báo hoa mai vốn ít gặp trong thiên nhiên. Hiện nay, do săn bắt quá mức và mất rừng nên số lượng của chúng còn rất thấp, có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ tích cực. Loài thú quý hiếm này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.

Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng đã yêu cầu Hạt kiểm lâm Đạ Huoai phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân bảo vệ và có biện pháp xua đuổi các cá thể thú để tránh nguy hiểm có thể xảy ra. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm địa phương cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng để ngăn chặn các hành vi săn bắt, bẫy thú trái phép.

Theo Người Lao Động
Bình luận
vtcnews.vn