Bao nhiêu Thứ trưởng cho vừa?

Thời sựThứ Sáu, 07/11/2014 04:46:00 +07:00

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng các Bộ để không bị lạm phát cấp phó.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng các Bộ để không bị lạm phát cấp phó.

Sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị trong luật cần quy định rõ mỗi Bộ chỉ nên giới hạn từ 4 - 5 Thứ trưởng. Ông Hà cũng lấy ra ví dụ có Bộ lên tới gần 10 Thứ trưởng như hiện nay. Ở Bộ Quốc phòng, dù đã có Đô đốc Hải quân, bao quát cả vấn đề tàu ngầm, nhưng vẫn có một Thứ trưởng phụ trách tàu ngầm.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hưng
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hưng 
Cũng chung quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) băn khoăn về số lượng Thứ trưởng hiện nay ở các Bộ.

“Tôi không hiểu mỗi Bộ có bao nhiêu Thứ trưởng cho vừa. Nếu trong luật không quy định cụ thể rồi để các Bộ bổ nhiệm quá nhiều Thứ trưởng, đến lúc muốn giảm bớt cũng không biết giảm ai như thời gian vừa qua”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.

Đại biểu Khánh cho rằng, trong luật cần phải quy định số lượng cụ thể Thứ trưởng tở mỗi Bộ như kinh nghiệm của quốc tế.

Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế) phản ánh tình trạng biên chế trong bộ máy hành chính thời gian qua phình ra rất nhiều. Theo đại biểu, điều này không chỉ nói đến bộ máy hành chính cồng kềnh mà nó còn liên quan đến ngân sách. Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này.
Đại biểu Hà Huy Thông (Ảnh: Phạm Thịnh)
Đại biểu Hà Huy Thông (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Liên quan đến cấp phó, đại biểu Hà Huy Thông đề nghị trong Luật Tổ chức Chính phủ nên chốt số lượng cấp phó.

“Hôm qua bàn về Luật Quân đội nhân dân sửa đổi và Luật Công an nhân dân sửa đổi, chúng ta cứ bàn cấp Tổng Cục phó thì là Trung tướng hay Thiếu tướng. Tôi nghĩ Trung tướng hay Thiếu tướng không quan trọng nhưng nếu như ông Tổng cục Trưởng có đến 7 - 8 ông phó thì lại là ngần ấy vị tướng. Cho nên tôi nghĩ luật phải chốt số lượng cấp phó”, đại biểu Hà Huy Thông phân tích.

Đại biểu Hà Huy Thông cho rằng mỗi bộ có vai trò khác nhau nên số lượng bao nhiêu Thứ trưởng nên để cho Chính phủ bàn cụ thể.

Nội dung số lượng cấp phó trong Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cũng được nhiều đại biểu đoàn TP.HCM đề cập. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng ở các Bộ hiện nay có quá nhiều cấp phó.

“Đề nghị ở chính quyền địa phương chỉ tối đa 2 cấp phó, Bộ 2 cấp phó, Sở chỉ 1 cấp phó. Không biến cấp phó thành cấp hành chính như hiện nay. Vì việc gì cũng đẩy cho cấp phó làm. Phải nâng cao trách nhiệm của ông trưởng. Nếu làm mạnh được cái này thì sẽ giảm được bao nhiêu cấp phó, giảm được bao nhiều Thứ trưởng”, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị.

Về quyền hạn của Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị trong quá trình vận hành, nếu Bộ trưởng nào không làm tốt thì Thủ tướng có quyền đề nghị Uỷ ban Thường vụ, Quốc hội đình chỉ công tác. Còn nếu đình chỉ không đúng thì Thủ tướng  phải chịu trách nhiệm.

“Khi trao cho Thủ tướng quyền đó thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm về bộ máy của mình”, bà Quyết Tâm nói.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) cũng đề nghị Thủ tướng có quyền giải tán các cục, tổng cục hoạt động kém hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cũng cho rằng, dự thảo luật chưa xác định rõ trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Vì vậy, đại biểu này đề nghị cần làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Điều này sẽ tránh tình trạng khi sự việc xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn