Bao nhiêu người tậu xế hộp về rồi 'đắp chăn'

Tư vấnThứ Tư, 11/03/2015 08:38:00 +07:00

Đủ tiền mua ô tô và quyết định mua ô tô, nhưng không ít người sau đó nhận ra rằng lý ra mình không nên mua ô tô vì nhu cầu quá ít.

Đủ tiền mua ô tô và quyết định mua ô tô, nhưng không ít người sau đó nhận ra rằng lý ra mình không nên mua ô tô vì nhu cầu quá ít.

Sở hữu ô tô là mơ ước của rất không ít người. Đây là một trong những dạng tài sản giá trị và quan trọng, theo tiêu chí “một vợ hai con ba lầu bốn bánh”. Chính điều này khiến cho không ít người quyết định mua xe mà không hề tính đến nhu cầu thật sự của mình, và nhiều người sau đó nhận ra rằng lý ra mình không nên mua.

Thu nhập khá, ở cùng bố mẹ với cuộc sống thoải mái, nhà cửa khang trang, nhưng từ trước đến nay vẫn đi lại bằng xe máy. Tiền nhàn rỗi được hơn 1,5 tỷ đồng sau nhiều năm tích góp, anh Phú quyết định thi lấy bằng lái ô tô và dành ra hơn 750 triệu để “lên đời” bốn bánh.

Mua xe về chỉ để 'đắp chăn'
Chiếc xe trùm mền không sử dụng cũng vẫn tốn một số loại chi phí, cũng chịu hao mòn tự nhiên và dễ trục trặc với hệ thống điện (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên chỉ sau 3 tháng, người đàn ông 32 tuổi gốc Sài Gòn nhận ra rằng mình không có nhu cầu đi ô tô. “Mua về đến nay đã hơn 3 tháng mà chỉ mới chạy được hơn 500km, kể ra quá phí.

Nhu cầu đi lại hàng ngày chủ yếu là sáng từ nhà đến chỗ làm rồi chiều về, tối dạo phố, cuối tuần cà phê với bạn bè, mua sắm… mà các hoạt động này đi xe máy ở Sài Gòn tiện hơn nhiều.

Ô tô đi giữa phố sá đông đúc chật chội rất mệt mỏi, riêng vào mấy quận trung tâm mà đi tìm chỗ đỗ không cũng đã mệt, nên sau 1 tháng là bắt đầu quay lại với xe máy, nó tiện hơn nhiều. Trước đó, mình thuyết phục bố mẹ mua là để khi cần chở ông bà đi lại cho an toàn, nhưng giờ thì cả hai người đều nói là thích đi xe máy hơn”.


Làm việc ở Sài Gòn, quê Nha Trang và vợ đang mang thai con đầu lòng. Anh Tuấn có nhiều lý do hơn để mua ô tô, một là để sau này đưa đón vợ và con thơ đi lại dễ dàng bớt chịu cảnh nắng mưa, hai là Tết nhất đánh thẳng xe đưa vợ con về quê cho tiện. Tính vậy nên cả hai vợ chồng đồng thuận sắm ô tô.

Tuy nhiên, gần một năm nay xe nhà anh Tuấn cũng chủ yếu “đắp chăn”, vì chồng vẫn đi làm hàng ngày bằng xe máy, còn vợ sau khi sinh thì nghỉ hẳn ở nhà chăm con đồng thời không có bằng lái và cũng rất ngại học lái ô tô nên phần lớn thời gian xe để không, có xe ở nhà nhưng lúc cần đi lại gọi taxi hoặc tự chạy xe máy.

Tết vừa rồi cả nhà về quê nội thì ngại lái xe đường xa với con nhỏ nên vợ chồng lại mua vé máy bay về cho nhanh.


Cũng có điều kiện kinh tế khá giả, cặp vợ chồng son chưa con cái Hiếu – Dung suốt 2 năm qua vẫn mỗi người một xe máy đi làm hàng ngày, với quãng đường từ nhà đến cơ quan của cả hai người chưa đến 5km.

Giữa năm 2014, hai vợ chồng quyết định mua ô tô cho cuộc sống tiện nghi khá giả hơn, nhưng theo anh Hiếu thì chiếc ô tô của anh giờ là cái máy đốt tiền rằng, “Sau khi mua xe thì việc đi lại ban ngày vẫn bằng xe máy vì nó tiện hơn ô tô nhiều.

Tối đến hai vợ chồng đi dạo phố cà phê cà pháo với bạn bè vẫn thích đi xe máy vì thoáng mát, tạt ngang tạt dọc ghé đâu cũng được.

Ô tô mua về ít chạy thì thấy phí, tính hai vợ chồng lại thích đi du lịch nên giờ cứ cuối tháng hay thậm chí cuối tuần lại tính kế xách ô tô đi đâu đó, gần thì Vũng Tàu, xa hơn thì Mũi né, thỉnh thoảng rủ thêm vợ chồng đứa bạn thân đi cùng cho vui, nên từ khi mua xe đến giờ chi phí “ăn chơi” của hai vợ chồng tăng lên đột biến.

Đó là chưa kể ở chung cư nên hàng tháng lại tốn thêm tiền gởi xe và nhiều khoản khác. Gần 2 tháng nay giãn ra thì xe để dưới hầm bụi bặm lại thấy phí, giờ không lẽ bán đi”.


Nói về nhu cầu đối với ô tô và chi phí sử dụng ô tô, anh Tuấn với gần 20 năm dùng xe cho biết: “Mình mua xe không chỉ để cho gia đình mà còn cho cái công ty nhỏ của mình.

Giờ đang sở hữu hai chiếc, một chiếc dùng để đưa vợ con đi làm đi học rồi đến công ty mỗi sáng, một chiếc để hẳn ở công ty và có tài xế riêng, nhu cầu đi lại của mọi người trong giờ làm cũng như đi công tác xa tương đối nhiều nên cả hai xe hoạt động với tần suất cao.

Chỉ có vậy thì mới cảm thấy bớt uổng phí, vì chi phí mỗi xe (không kể lương tài xế) ít nhất cũng mười mấy triệu mỗi tháng, gồm xăng dầu, phí cầu đường, gởi xe, bảo trì bảo dưỡng, bảo hiểm và cả khấu hao, mất giá. Giá trị mỗi xe cả tỷ đồng, và duy trì nó hàng tháng khá tốn kém, nên nếu không dùng nó hiệu quả thì đó là bài toán sai về kinh tế”.


Nói về mức thu nhập như thế nào là hợp lý để sở hữu ô tô, anh Tuấn cho biết “Vấn đề không phải là thu nhập của bạn cao hay thấp thế nào thì mới nên mua ô tô, tất nhiên thu nhập thấp thì khó có khả năng mua ô tô, nhưng thu nhập cao thì cũng phải tính đến nhu cầu thật sự của mình, vì đi ô tô ở Việt Nam không giống như các nước khác là đường sá thông thoáng, đi lại dễ dàng, nhanh, tiện, an toàn.

Chạy ô tô trong nội đô các thành phố đông đúc như Sài Gòn, Hà Nội là rất mệt mỏi, nên nếu nhu cầu không thật sự cấp bách, ít dùng, ít đi xa và mua ô tô là chỉ để thay thế xe máy đi lại chặng ngắn trong thành phố hàng ngày thì thu nhập có trên 50 triệu mỗi tháng cũng nên cân nhắc kỹ, vì xe ở Việt Nam không rẻ và chi phí sử dụng xe cao.”


Đồng quan điểm trên, cả hai vợ chồng anh Hùng ở Quận 3, TPHCM đều làm ngân hàng và có tổng thu nhập hơn 80 triệu mỗi tháng, con một đứa 12 tuổi, và suốt mười mấy năm qua cũng đã tích góp được đáng kể, nhưng tới nay anh vẫn cho biết là cả hai vợ chồng chưa hề có ý định mua ô tô.

“Nhu cầu đi lại ít, ô tô không những không sinh lời mà thậm chí còn thêm tốn tiền, giá xe lại đắt nên đã nhiều lần từ bỏ ý định mua xe. Khi cần thì cả nhà toàn đi taxi hoặc thuê xe có tài xế, việc mua xe chắc chỉ nghĩ lại khi nào đường sá tốt hơn, giá xe rẻ hơn. Có thể cả đời này không có chiếc ô tô nào thì mình vẫn chấp nhận.”

» Kiểu đỗ xe kỳ quái bậc nhất thế giới
» Những ‘bóng hồng’ quyền lực nhất ngành ô tô thế giới
» Súng laser Mỹ bắn thủng ô tô từ khoảng cách hàng km

Nguồn: xedoisong.vn
Bình luận
vtcnews.vn