Bao nhiêu đại gia dính tới siêu lừa Huyền Như?

Kinh tếThứ Sáu, 10/01/2014 07:50:00 +07:00

Vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như gây chấn động ngành ngân hàng. Đằng sau đó, có rất nhiều người "máu mặt" bị dính líu.

Vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như gây chấn động ngành ngân hàng. Đằng sau đó, có rất nhiều người "máu mặt" bị dính líu.

Bằng thủ đoạn làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, quê gốc Tiền Giang, từng là Phó phòng quản lý rủi ro của Vietinbank - chi nhánh TP.HCM) đã chiếm đoạt được hơn 3.900 tỷ đồng. 
Số tiền Huyền Như chiếm đoạt được là của rất nhiều các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các công ty và cả cá nhân. Trong đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) bị chiếm đoạt 200 tỷ đồng, Ngân hàng Quốc tế (VIB) - chi nhánh TP.HCM bị chiếm đoạt 180 tỷ đồng...
Huyền Như trong ngày đầu tiên xét xử. Ảnh: Kiến Thức. 

Ngày 7/1, trong ngày làm việc thứ 2 của TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, Như đã thừa nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng đã truy tố. Như tự thú nhận vì ham giàu, vì tiền mới đứng ra vay mượn để kinh doanh. Số tiền nợ lãi lên quá lớn, khiến Như lao vào con đường lừa đảo hết nơi này đến nơi khác. Như chấp nhận vay tiền của chính những kẻ cho vay nặng lãi để trả cho kẻ cho vay nặng lãi.
Hai người cho vay nặng lãi là Nguyễn Thiên Lý và Nguyễn Thị Lành cũng được tòa gọi lên thẩm vấn. Cáo trạng kết luận Lý đã cho Như vay tổng cộng 554 tỷ đồng và 340.000 USD. Như đã phải trả cho Lý khoản tiền nhiều hơn gấp đôi, lên tới 1.296 tỷ đồng nhưng Như vẫn còn nợ Lý 216 tỷ đồng và 340.000 USD. 
Như vậy có thể thấy một khoản tiền không nhỏ Như đi lừa của người khác đã rơi vào tay Lý. 
Tại phiên tòa, Lý còn cho rằng, thực tế Như còn nợ mình trên 430 tỷ đồng chứ không phải 216 tỷ đồng như cáo trạng ghi và Lý "chưa thu đủ vốn". Tương tự, trường hợp của Lành cũng vậy. Như vay Lành hơn 7.800 tỷ đồng, đã trả hơn 9.000 tỷ đồng nhưng vẫn còn nợ 820 tỷ đồng.
Mức lãi suất mà Như phải chịu khi vay tiền của Lý và Lành là 0,4 - 1%, chu kỳ thanh toán lãi là 10 ngày một lần. Nếu quá 10 ngày không trả thì sẽ tính lên 5%/ngày. Thậm chí có những khoản phải trả lên đến 8%/ngày.
Vào cuối năm 2009, Như bắt đầu huy động tiền của Giã Thị Mai Hiên với mức lãi suất trong hợp đồng là 10,49%/ năm, nhưng chi bên ngoài có lúc đội lên mức 30-100%/năm. Tổng số tiền Như vay của Hiên khoảng hơn 2.100 tỷ, nhưng số tiền thực tế đã trả cho người này đến 2.380 tỷ đồng mà hiện vẫn còn nợ 274 tỷ đồng.
Trước đó, trong phần thủ tục, luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB đã đề nghị hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để triệu tập thêm đại diện Vietinbank - chi nhánh TP.HCM với tư cách là bị đơn dân sự trong vụ án. 
Đồng thời, luật sư Tám cũng cho rằng, việc ACB bị Huyền Như chiếm đoạt số tiền hơn 700 tỷ đồng có liên quan đến một số lãnh đạo của ngân hàng này, trong đó có ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và ông Trần Xuân Giá và một số cá nhân nguyên là lãnh đạo của ACB.
Tuy nhiên, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank lại cho rằng, trong vụ án, Vietinbank được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tại phiên tòa hôm nay, Vietinbank đã có người đại diện tham gia phiên tòa nên không cần thiết phải triệu tập thêm lãnh đạo của ngân hàng này.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử đã thống nhất quan điểm của viện kiểm sát, bác đề nghị hoãn phiên tòa.
Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 25/1.


Theo Kiến thức
Bình luận
vtcnews.vn