Báo Nga nói phương Tây 'lên cơn thần kinh chống Nga'

Thế giớiThứ Năm, 06/03/2014 10:17:00 +07:00

(VTC News) -Báo Nga dùng hàng loạt những ngôn từ mạnh mẽ chỉ trích truyền thông phương Tây và gọi chuyến thăm Ukraine của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là 'cơn cuồng trí' chống Nga.

Bài viết chỉ trích phương Tây trên Tiếng nói nước Nga có tựa đề: Hội nghị thượng đỉnh Ukraina” của EU: Brussels có thoát khỏi trạng thái kích động?
Đề cập đến Hội nghị thượng đỉnh Ukraine ở Brussels, Bỉ sắp tới, báo Nga cho rằng Matxcơva không hề ảo tưởng Bỉ sẽ thoát khỏi 'cơn thần kinh chống Nga'.

Ảnh minh họa cho bài viết trên Tiếng nói nước Nga cho rằng châu Âu đang 'lên cơn cuồng trí' chống Nga


Theo phân tích của Tiếng nói nước Nga, dự án chia cắt Ukraine một cách nhanh chóng và rẻ mạt – đã hoàn toàn thất bại.
Sau chuyến thăm chớp nhoáng Kiev kèm theo lời hứa về khoản hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng bị báo Nga công kích.
"Ngoài ra, để duy trì cơn “cuồng trí” chống Nga, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tới châu Âu. Ông Bộ trưởng Mỹ đã thăm Maidan Kiev và một lần nữa tuyên bố rằng Nga sẽ hoàn toàn bị cô lập và chịu trừng phạt nếu không hành xử theo cách mà Hoa Kỳ muốn", trích bài viết trên Tiếng nói nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo châu Âu đừng nên bốc đồng quá mức. Trong cuộc họp báo ngày 04 tháng Ba, ông Putin nhắc rằng Matxcơva hành động hoàn toàn trong khuôn khổ pháp luật, và không hiện hữu nguy cơ xâm lược hoặc đe dọa đối với Ukraina.

Phe đối lập Ukraine dùng súng bắn vào cảnh sát hồi tháng 2/2014


Ông Putin nói: “Về biện pháp trừng phạt, thì những ai sửa soạn tiến hành động thái này cần suy nghĩ về hậu quả. Tôi cho rằng trong thế giới đương đại ngày nay, khi mọi thứ đều ràng buộc với nhau và phụ thuộc vào nhau thế này hay thế khác, hiển nhiên, người ta có thể gây thiệt hại nào đó cho nhau, nhưng sẽ là thiệt hại chung, và đây là điều cũng phải tính đến”.
Ông Aleksei Kuznetsov, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu châu Âu của Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế IMEMO (Viện Hàn lâm khoa học Nga) nhận xét rằng: “Thực chất ở đây là động thái gây áp lực chính trị chưa từng thấy với Nga, là cuộc chiến thông tin và cách điều khiển dư luận thô thiển ở châu Âu”.
Phân tích những diễn biến ở Crưm, lý do luôn được phương Tây nêu ra để cáo buộc Nga xâm lược Ukraine. Báo Nga cho rằng, hiện tại vẫn khá phổ biến tình trạng hỗn độn một nửa sự thật, một nửa dối trá và lừa dối công nhiên. Chẳng hạn, như kiểu thông báo của cơ quan truyền thông như Đức DPA. Nguyên văn: “Khoảng 150.000 lính Nga, cũng như máy bay, xe tăng và tàu chiến đã tham gia tập trận trên bán đảo Crưm và miền Tây Nga”. 

Những quân nhân không rõ phiên hiệu đang hiện diện ở Crưm


Bố trí chừng đó quân nhân cùng với tàu chiến, xe tăng và máy bay ở Crưm một cách lặng lẽ không ai nhận thấy, đương nhiên là chuyện rất khó hình dung. Mà ở đây hiển nhiên thực ra là những con số từ cuộc kiểm tra đột xuất về trình độ sẵn sàng chiến đấu của Quân khu Tây và Wuaan khu Trung tâm của LB Nga. Là hoạt động mà Matxcơva đã thông báo kịp thời cho NATO và OSCE cũng như Hoa Kỳ. Nhưng người ta không nói cho dân châu Âu rằng việc kiểm tra của nội bộ quân đội Nga không hề liên quan gì đến Crưm, cả về mặt địa lý lẫn nội dung thực tế. Thế nhưng cách đưa tin của hãng thông tấn châu Âu lại tạo ấn tượng về "cuộc xâm lăng” của Matxcơva vào đất nước Ukraina yếu ớt vô phương tự vệ!
Như thừa nhận của báo London Guardian, cùng với những thứ khác, đàng sau cuộc khủng hoảng này là ý đồ công nhiên muốn tiếp tục mở rộng NATO về phía đông – vùng lãnh thổ mà cách đây chưa lâu còn được gọi là "không gian hậu xô-viết”. "Bắt đầu ngay từ thời Tổng thống Bill Clinton, hoạt động tham vọng này đã tiếp diễn với tất cả những nhà cầm quyền của nước Mỹ. Không cần nghi ngờ gì, trong tâm trí Lầu Năm Góc vẫn ấp ủ giấc mơ rằng sẽ đến ngày Hạm đội của Hải quân Hoa Kỳ chiếm chỗ Hạm đội Biển Đen của Nga ở vịnh biển Sevastopol và Balaclava”.

Tổng thống Putin thị sát cuộc tập trận gần biên giới Ukraine


Cuối bài viết, báo Nga đưa ra cảnh báo với Mỹ và EU: EU hôm nay cần suy nghĩ về câu hỏi như sau: Có đáng giá chăng để những nhân vật mà Hoa Kỳ đưa lên nắm quyền tại Kiev (ở châu Âu, ít ai ngờ rằng dự án "tách Ukraina khỏi Nga” là kế hoạch đặc Mỹ) phá hỏng quan hệ với Matxcơva? Nên chăng áp dụng biện pháp trừng phạt nào đó chống Nga, để nhận lấy phản ứng đáp trả lập tức? Liệu có tránh khỏi sự sụp đổ tất yếu trong giao thương với đối tác lớn nhất? Và sau đó là sự sụp đổ của toàn bộ nền kinh tế vô phương cứu vãn phục hồi...

Bình luận
vtcnews.vn