Báo Mỹ: Campuchia ngầm cho Trung Quốc dùng căn cứ quân sự 30 năm, Mỹ cố thuyết phục Phnom Penh đổi ý

Thế giớiThứ Hai, 22/07/2019 14:23:00 +07:00

Trung Quốc ký kết thỏa thuận bí mật độc quyền sử dụng căn cứ hải quân của Campuchia, tờ Wall Street Journal hôm 21/7 đưa tin.

Các quan chức Trung Quốc và Campuchia phủ nhận thông tin này, nhưng giới chức Mỹ và các nguồn thạo tin khẳng định thỏa thuận được 2 bên ký kết vào mùa Xuân. 

Theo WSJ, dự thảo ban đầu về thỏa thuận này cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở vịnh Thái Lan trong 30 năm và gia hạn 10 năm 1 lần. 

Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ Campuchia khẳng định thông tin này là tin giả. 

"Không xảy ra điều gì tương tự như vậy", ông này nói. 

can cu

Phnom Penh và Bắc Kinh được cho là đã bí mật ký kết một thỏa thuận sử dụng căn cứ hải quân Campuchia. (Ảnh: Reuters)

WSJ cho biết Bắc Kinh sẽ sử dụng căn cứ ở Campchia như một căn cứ dàn quân cho hải quân chuyên dụng đầu tiên ở Đông Nam Á để bố trí binh sỹ, neo đậu tàu chiến cũng như cất trữ vũ khí tại đây. 

Emily Zeeberg, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh nói với WSJ rằng Washington lo ngại bất cứ bước đi nào của chính phủ Campuchia liên qan tới việc để nước ngoài hiện diện quân sự tại quốc gia này sẽ làm xáo trộn ổn định trong khu vực. 

Theo WSJ, các quan chức Mỹ đang thảo luận về việc liệu Mỹ có thể thuyết phục Phnom Penh đảo ngược quyết định của mình hay không.

Thông tin về thỏa thuận được đưa ra sau khi các đối tác và đồng minh của Mỹ vận động Campuchia không để quân đội Trung Quốc sử dụng một sân bay do công ty tư nhân Trung Quốc đang xây dựng tại Dara Sakor với hợp đồng cho thuê lên tới 99 năm. 

WSJ cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy sân bay này đang sở hữu các đường băng dài hơn 3 km, đủ để bất kỳ máy bay quân sự nào thuộc lực lượng không quân của Trung Quốc hạ cánh. 

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng gửi thư bày tỏ quan ngại với lãnh đạo Campuchia về mục đích thực sự của dự án Koh Kong. Tuy nhiên, các hoạt động xây dựng sau đó vẫn tiếp tục diễn ra và thậm chí tiến độ còn được đẩy nhanh hơn ban đầu. 

Các chuyên gia dự đoán với việc Mỹ và EU gia tăng các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Phnom Penh, Campuchia có thể sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn