'Bảo mẫu' đánh chết trẻ: Sẽ 'đưa lên bàn nghị sự'

Thời sựThứ Tư, 20/11/2013 07:50:00 +07:00

(VTC News) – TS. Đinh Phương Duy – Đại biểu HĐND TP cho biết ông sẽ đưa vụ việc 'bảo mẫu đánh chết trẻ' lên bàn nghị sự của HĐND TP.HCM trong kỳ họp ngày 19/12.

(VTC News) – TS. Đinh Phương Duy – Đại biểu HĐND TP cho biết ông sẽ đưa vụ việc 'bảo mẫu đánh chết trẻ' lên bàn nghị sự của HĐND TP.HCM trong kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 9/12 sắp tới.

Ngay sau khi sự việc ‘bảo mẫu’ Hồ Ngọc Nhờ nhẫn tâm hành hạ, giẫm đạp lên cháu bé 18 tháng tuổi tử vong xảy ra, cũng giống như dư luận khắp cả nước, tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy – Phó Hiệu trưởng trường cán bộ TP.HCM kiêm đại biểu HĐND TP đã bày tỏ sự phẫn nộ, bàng hoàng khi nghe thông tin này.

Theo ông Duy, đây là một thông tin quá kinh khủng, và không ai không khỏi đau xót khi nghe đến chuyện này.

- Thưa tiến sĩ, ông đón nhận thông tin về việc bảo mẫu giẫm đạp, hành hạ trẻ em 18 tháng tuổi đến chết như thế nào? Ông đánh giá về sự việc này như thế nào?

Tôi cảm thấy bất ngờ, đau xót khi đọc những thông tin kinh khủng này. Đây là một sự việc không tưởng. Có thể có rất nhiều lý do sau câu chuyện này và tôi cũng phần nào có thể thông cảm phần nào với việc tức giận, không kiềm chế của cô bảo mẫu, nhưng nhìn chung thì không ai có thể chấp nhận được với hành động này.

Đinh Phương Duy, hung thủ, bảo mẫu, hung ác.
Tiến sĩ Đinh Phương Duy - Phó Hiệu trưởng trường cán bộ TP.HCM trong một lần tiếp xúc với cử tri. 
- Theo ông, hung thủ của vụ việc này có vấn đề về mặt tâm lý?

Dưới góc độ của một chuyên gia tâm lý, bảo mẫu hung ác này có thể có vấn đề về mặt tâm lý. Bởi lẽ, một người phụ nữ đã 18 tuổi, đủ tuổi trưởng thành nhưng lại có hành động quá nông nổi đến vậy, thần kinh không được vững vàng, thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc, tức giận, nhận thức xã hội quá non nớt.

Có thể cô gái này 18 tuổi nhưng sự nhận thức, trưởng thành về mặt xã hội còn quá ‘mỏng’.

- Từ trước tới nay, những vụ hành hạ trẻ em tại các nhóm giữ trẻ tự phát không phải là hiếm thì nay lại thêm một trường hợp nữa xảy ra. Ông xác định lỗi thuộc về ai, phụ huynh, ngành giáo dục hay chính quyền địa phương sở tại nơi có nhóm trông trẻ tự phát?

Đây đúng là một hiện tượng đáng báo động, nhưng không phải mới xảy ra ở TP.HCM, mà thỉnh thoảng cũng có ở TP chúng ta. Xác định lỗi của ai, trước hết là lỗi của cô gái làm nghề bảo mẫu ‘chui’ đó, nhưng không phải là lỗi bình thường được, mà nó là một hệ quả của nhiều tác động.

Chính quyền địa phương chưa quan tâm một cách cụ thể đến những điều kiện nuôi dạy các cháu như thế nào, có hợp lý hay không, các anh chị em công nhân, những người có thu nhập thấp mới phải gửi trẻ ở những điểm tự phát, nhưng nếu các cấp quản lý tổ chức hoạt động các điểm giữ trẻ an toàn, ổn định thì chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ yên tâm công tác, hạn chế tối đa nhất những trường hợp đau lòng có thể xảy ra.

Đây là những việc xảy ra ngoài ý muốn của mọi người, nhưng nếu ngành GD&ĐT quan tâm hơn nữa tới những điểm giữ trẻ tự phát, tạo điều kiện tập huấn về mặt chuyên môn cho các cô thì tình hình sẽ khác.

Chính quyền các địa phương, nhất là hệ thống từ cơ sở như tổ dân phố, khu phố, cảnh sát khu vực nhìn thấy những điểm giữ trẻ tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ thì nên nhắc nhở, vận động những người giữ trẻ phải đi đến đăng ký với chính quyền, phải trải qua một lớp tập huấn đào tạo kỹ năng chăm sóc trẻ.

hung thủ, hung ác, bảo mẫu, giết người.
Theo tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, Nhờ có thể có vấn đề về mặt tâm lý. 
- Việc để phụ huynh gửi trẻ ở những điểm tự phát, có phải nguyên nhân do chúng ta thiếu các trường mầm non đủ tiêu chuẩn?

Theo tôi được biết, TP.HCM chúng ta hoàn toàn không thiếu những trường mầm non đạt chuẩn đâu. Thế nhưng, tâm lý của phụ huynh hay tiện đâu, gửi trẻ ở đó, gửi ở những nơi gần nhà để dễ đưa đón, còn gửi ở trường mầm non nhiều khi vừa nhiều tiền, vừa phải hoàn thành nhiều thủ tục về mặt hành chính rắc rối, chứ trường mầm non không thiếu đâu.

- Như vậy, theo ông, cần phải tổ chức và quản lý như thế nào để những sự việc tương tự như vậy không xảy ra trong tương lai?

Trẻ em luôn phải được toàn xã hội quan tâm, chăm sóc đặc biệt, nên những hệ thống trường mầm non, nhà trẻ cần phải được đầu tư, quan tâm đúng mức để giúp cho các cháu phát triển toàn diện về mặt nhân cách, tinh thần.

Sự việc đau lòng này xảy ra là một hệ quả nối tiếp của những câu chuyện trước đây, nên việc quản lý những điểm nuôi dạy trẻ không phép cần phải được chú ý nhiều hơn nữa, nhất là công tác cấp phép cho những điểm nuôi dạy trẻ.

Những cơ quan, đơn vị, xí nghiệp có đông công nhân, người lao động nữ thì các cấp lãnh đạo cần phải quan tâm, mở một nhà trẻ nhỏ ngay tại nơi làm việc để cho họ gửi con em vào đó cho yên tâm hơn.

- Sự việc xảy ra tại nhóm giữ trẻ tự phát cũng diễn ra nhiều tại TP.HCM từ trước tới nay. Thế nhưng, nó dường như không thể chấm dứt được, gây ra những hậu quả đau lòng. Với tư cách là đại biểu HĐND TP.HCM, ông có định đặt vấn đề này lên bàn nghị sự của TP?

Vấn đề các điểm nuôi dạy trẻ không phép, để xảy ra những hậu quả đau lòng, đáng tiếc và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ được tôi đặt lên bàn nghị trường của HĐND TP.HCM trong kỳ họp lần thứ 12 – khóa VIII sẽ khai mạc vào ngày 9/12 sắp tới.

- Xin cảm ơn ông.

Ngọc Trinh(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn