Bạo loạn phố Hàn 1992 ở Mỹ và cuộc chiến bảo vệ chính mình của người gốc Á

Thời sự quốc tếThứ Ba, 23/03/2021 08:31:00 +07:00
(VTC News) -

Những người gốc Á sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ chưa bao giờ nghĩ mình là “công dân cấp hai” cho đến sự kiện thay đổi cuộc đời họ - Bạo loạn phố Hàn năm 1992.

Chang Lee siết chặt súng và cố hét lên trước những kẻ hôi của khi đang đứng trên mái cửa hàng của gia đình ở phu khố Hàn (Koreatown), Los Angeles, tháng 4/1992. Người đàn ông 35 tuổi chưa dùng vũ khí bao giờ, còn những tòa nhà xung quanh anh đang ngập trong các đám cháy.

“Cảnh sát đâu? Cảnh sát đâu?”, Lee lẩm bẩm. Đã 3 ngày nay anh không thấy bóng dáng lực lượng an ninh, mà chỉ thấy những người Mỹ gốc Hàn khác. Trong những bức ảnh các hãng tin tức chụp lại, họ đều trông giống như quân vũ trang trong một trận chiến chủng tộc trên phố.

Bạo loạn phố Hàn 1992 ở Mỹ và cuộc chiến bảo vệ chính mình của người gốc Á - 1

Phần còn lại của một tòa nhà thương mại trong cuộc bạo động năm 1992. (Ảnh: AP)

Ngày 29/4/1992, thành phố của các thiên thần, Los Angeles, bị cướp bóc, tấn công vũ trang và đốt phá sau khi 4 sĩ quan cảnh sát da trắng được tha bổng dù bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức với Rodney King, một người da đen. Cùng thời điểm đó, một chủ cửa hàng Mỹ gốc Hàn bắn chết một thiếu niên da đen mà người này buộc tội trộm đồ.

Cuộc bạo loạn kéo dài gần một tuần giết chết hơn 50 người, hơn 1.000 người bị thương và gây thiệt hại khoảng 1 tỷ USD, khoảng một nửa trong số đó là do các doanh nghiệp do người gốc Hàn Quốc làm chủ. Các cuộc đụng độ văn hóa âm ỉ kéo dài giữa các chủ doanh nghiệp gốc Hàn Quốc và khách hàng chủ yếu là người gốc Phi đã lan rộng.

Bạo loạn phố Hàn 1992 ở Mỹ và cuộc chiến bảo vệ chính mình của người gốc Á - 2

Các chủ cửa hàng người gốc Hàn. (Ảnh: Getty)

Vụ của Rodney King và các cuộc bạo động sau đó thường được coi là bước ngoặt đối với cơ quan thực thi pháp luật và cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Nhưng đây cũng là sự kiện quan trọng đối với người Mỹ gốc Hàn, theo Edward Taehan Chang, giáo sư nghiên cứu dân tộc và giám đốc Trung tâm Young Oak Kim về Nghiên cứu người Mỹ gốc Hàn tại Đại học California, Riverside.

Chang nói: “Bất chấp thực tế là các thương gia người Mỹ gốc Hàn đã trở thành nạn nhân, chẳng mấy ai quan tâm vì chúng tôi thiếu tầm nhìn và quyền lực chính trị.

Những người nhập cư Hàn Quốc, nhiều người đến vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 80, hiểu rằng chỉ riêng thành công kinh tế sẽ không đảm bảo chỗ đứng của họ ở Mỹ”.

Bạo loạn phố Hàn 1992 ở Mỹ và cuộc chiến bảo vệ chính mình của người gốc Á - 3

Người dân dọn dẹp sau vụ bạo loạn năm 1992. (Ảnh: Getty)

Họ bỏ mặc chúng tôi trong đám cháy

Lee là con trai duy nhất trong gia đình, vì vậy khi bạo loạn lan vào Koreatown, nhiệm vụ bảo vệ cửa hàng của cha mẹ đổ lên đầu anh. Lee để lại trạm xăng của mình mà không bảo vệ.

Giữa ba đêm hỗn loạn, Lee nhớ lại đã xem tin tức địa phương trên TV: "Tôi thấy ​​một trạm xăng bốc cháy, và tôi nghĩ, trời, nhìn nơi đó thật quen. Chẳng bao lâu thì tôi nhận ra. Khi tôi đang bảo vệ cửa hàng của cha mẹ mình, tôi đang xem trạm xăng của chính mình bị cháy".

Không bao giờ Lee tưởng tượng được mình phải đi mượn súng trốn trên sân thượng. Anh đã bỏ công việc kỹ sư hàng không vũ trụ để theo đuổi con đường doanh nhân độc lập, và mở 3 cơ sở kinh doanh ở Koreatown.

"Tôi thực sự nghĩ rằng mình là một phần của xã hội chính thống", Lee, người cùng gia đình nhập cư vào Hoa Kỳ khi còn nhỏ cho biết. "Không có gì khiến tôi nghĩ mình là một công dân cấp hai cho đến khi xảy ra bạo loạn ở LA. Cộng đồng Hàn Quốc không có bất kỳ tiếng nói chính trị hoặc quyền lực nào. Họ đã bỏ mặc chúng tôi bị thiêu rụi".

Bạo loạn phố Hàn 1992 ở Mỹ và cuộc chiến bảo vệ chính mình của người gốc Á - 4

Los Angeles bị cướp bóc, phá hoại năm 1992. (Ảnh: Getty)

Không chỉ có đen và trắng

Carol Park 12 tuổi, làm thu ngân với quầy chống đạn tại trạm xăng của mẹ ở Compton khi bạo loạn ở Los Angeles nổ ra.

Sau khi cha qua đời và mẹ cô quyết định bán một số cơ sở nhượng quyền thương mại của ông, bà giữ lại một trong những cơ sở ở khu phố truyền thống của người da đen, nằm ở phía Nam trung tâm thành phố. Nhưng nơi này không tồn tại được lâu.

Park, hiện ngoài 40 tuổi, nói: “Sự phân biệt chủng tộc và những sự kiện dẫn đến bạo loạn này có nhiều mặt. Đây là cuộc bạo loạn đa chủng tộc đầu tiên của nước Mỹ. Trước đó, chúng tôi luôn nhìn mọi thứ từ mô hình đen và trắng".

Bạo loạn phố Hàn 1992 ở Mỹ và cuộc chiến bảo vệ chính mình của người gốc Á - 5

Một chủ cửa hàng gốc Hàn cầm súng trong cuộc bạo động năm 1992. (Ảnh: CNN)

Theo Park, căng thẳng giữa cộng đồng người Mỹ gốc Hàn và gốc Phi đã trở nên tồi tệ hơn trong nhiều thập kỷ. Việc thông qua Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch năm 1965 đã giúp những người từ châu Á đến Mỹ dễ dàng hơn, dẫn đến việc nhiều thành phố có sự thay đổi nhân khẩu học lớn.

Tại Los Angeles, như Park kể chi tiết trong cuốn sách của cô, những người Mỹ gốc Hàn đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử từ người Mỹ gốc Phi vì họ được coi là “vùng đệm” giữa người da đen và cộng đồng người da trắng.

Cô nói rằng sự phân biệt chủng tộc ngăn cản người Mỹ gốc Phi phát triển trong lĩnh vực doanh nghiệp cũng đã ngăn cản người Mỹ gốc Hàn. Bị áp lực phải theo đuổi “giấc mơ Mỹ”, nhiều người làm kinh doanh như một giải pháp thay thế, bao gồm cả ở một số khu dân cư truyền thống của người da đen. Cô nói: “Họ đến mở cửa hàng và khi đó sự khác biệt về văn hóa và giao tiếp xảy ra".

Park, nhà nghiên cứu tại Đại học California, cho biết một trong những ký ức sâu đậm nhất của cô về thời điểm đó là cuộc gọi cho một người bạn sống gần trạm xăng để xem nó có còn đứng yên hay không.

“Cô ấy nói: 'Để tôi nhìn ra ngoài cửa sổ' và tôi có thể thấy cô ấy đang rất thận trọng vì bạn không muốn bị trúng đạn hay thu hút sự chú ý".

Không có nhiều thay đổi

Bạo loạn phố Hàn 1992 ở Mỹ và cuộc chiến bảo vệ chính mình của người gốc Á - 6

Vụ xả súng ở Atlanta hôm 16/3 một lần nữa gióng lên hồi chuông về làn sóng phân biệt đối xử, nặng nề hơn là bạo lực, thù ghét đối với người gốc Á ở Mỹ. Dù thù ghét chủng tộc không được xem là động cơ chính thức của vụ án, xong nhìn vào các nạn nhân, 6 trên 8 người là phụ nữ gốc Á, cộng đồng gốc Á không khỏi rùng mình.

Nghi phạm xả súng khai rằng “chứng nghiện tình dục” mới là một trong những nguyên nhân khiến hắn tấn công các địa điểm mà hắn cho là để “loại trừ cám dỗ”. Tuy nhiên, theo Hạ nghị sĩ Georgia Bee Nguyen, điều này càng cho thấy vụ tấn công dường như nằm ở giao điểm của “bạo lực về giới, sự thù ghét phụ nữ và bài ngoại”.

Theo Independent, Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật năm 1875 để ngăn cản những người hành nghề mại dâm Trung Quốc nhập cư vào Mỹ, làm trầm trọng thêm định kiến về phụ nữ châu Á.

Trong làn sóng hoang mang, đi kèm với tình trạng đại dịch, một số ý kiến cho rằng những phát ngôn của cựu Tổng thống Donald Trump khi gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc” đã góp phần đẩy những mâu thuẫn tích tụ lên cao.

Song, theo Robin Zheng, phó giáo sư triết học tại Yale-NUS: "Vấn đề không phải là mới. Nhưng nó thường được giảm nhẹ đi bởi vì người châu Á thường được coi là nhóm “thiểu số kiểu mẫu”.

Bạo loạn phố Hàn 1992 ở Mỹ và cuộc chiến bảo vệ chính mình của người gốc Á - 7

Tình nguyện viên hướng dẫn một cụ ông ở Chinatown, New York sử dụng thiết bị báo động. (Ảnh: CNN)

Theo Ellen Wu, tác giả cuốn sách “Màu thành công”, thiểu số kiểu mẫu là kết quả ngoài ý muốn của khi người gốc Á nỗ lực chống lại bạo lực và hệ thống chính sách phân biệt đối xử đầu thế kỷ 20.

Họ thường được xây dựng với hình ảnh dễ hòa đồng, trầm lặng, có thành tích cao, để đối phó với hình ảnh người gốc Á gây đe dọa, và điều này đã dẫn đến bạo lực gia tăng đối với những người nhập cư gốc Á. Đến những năm 1960, ý tưởng này đã ăn sâu vào cộng đồng và tồn tại đến ngày nay.

"Đó không phải là một ý tưởng hay: khuôn mẫu ngoan ngoãn này vừa có hại cho cộng đồng người Mỹ gốc Á, vừa được vũ khí hóa để chống lại các cộng đồng da màu khác", Wu nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/3 kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua Đạo luật về tội ác thù hận đại dịch COVID-19. Đạo luật được kỳ vọng giúp thúc đẩy phản ứng của chính phủ liên bang đối với sự gia tăng của tội phạm thù ghét trong đại dịch, hỗ trợ chính quyền tiểu bang và địa phương cải thiện việc báo cáo các loại tội phạm này, đồng thời thông tin về các tội phạm này sẽ dễ tiếp cận hơn đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Song đây mới là những hành động mang tính biểu tượng bước đầu.

Cộng đồng gốc Á thực tế đang tích cực tự bảo vệ bản thân. Một nhóm chống thù ghét ở Thành phố New York đang phát các báo động về an toàn cá nhân cho người Mỹ gốc Á và người nhập cư để bảo vệ họ khỏi đợt bạo lực có động cơ chủng tộc gia tăng gần đây. Các nhóm khác phát hành tài liệu hướng dẫn về an toàn, cùng chăm sóc hàng xóm gốc Á của mình, mở rộng ra cả các nhóm cộng đồng thiểu số khác, “để tất cả đều cảm thấy an toàn”.

Một số người kinh doanh vũ khí cho biết đang có nhiều người gốc Á mua súng hơn, dù văn hóa súng trước đây chưa phổ biến ở cộng đồng này. Mọi người cũng mua cả bình xịt hơi cay.

Sau vụ xả súng ở Atlanta, nhu cầu thiết bị báo động tăng cao, theo Barbara Yau, người đồng sáng lập một nhóm cộng đồng chống thù ghét ở New York. “Cộng đồng châu Á chúng tôi cần được bảo vệ, và nếu chính phủ không bảo vệ chúng tôi, chúng tôi sẽ tìm cách bảo vệ chính mình”.

Phương Anh(Nguồn: CNN, Independent)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp