Bảo hiểm y tế học sinh tăng cao, phụ huynh tranh luận gay gắt

Giáo dụcThứ Ba, 15/09/2015 07:50:00 +07:00

Vấn đề đóng bảo hiểm y tế (BHYT) đối với học sinh, sinh viên trong những ngày qua đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội.

(VTC news) - Vấn đề đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên trong những ngày qua đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội.

Không thu tiền bảo hiểm y tế vào đầu năm học

Xung quanh việc học sinh, sinh viên năm nay phải tham gia mức bảo hiểm y tế (BHYT) cao hơn các năm trước, trong khi các trường được trích hoa hồng 4%, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, sắp tới sẽ có cuộc họp giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cũng như Bảo hiểm xã hội để bàn về những bất cập hiện nay khi thực hiện Bảo hiểm Y tế cho học sinh, sinh viên.

Việc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) trích lại 4% để chi trả tiền thù lao thu BHYT cho các cơ sở giáo dục (được quy định tại Thông tư số 134/2011/BTC của Bộ Tài chính) cũng là sự động viên các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo. Tuy nhiên, thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng không phải vì thế mà các trường gây áp lực thu đủ 100% lên vai giáo viên.

Vì BHYT là bắt buộc, các nhà trường có trách nhiệm tuyên truyền vận động học sinh tham gia BHYT và thu BHYT từ học sinh, sinh viên của mình. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục đã yêu cầu học sinh, sinh viên phải đóng 12 tháng trong một lần, vào đầu năm học gây khó khăn cho học sinh và gia đình người học, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
 Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh ở tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN)
Trước một số khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện Bảo hiểm Y tế đối với đối tượng học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở GD&ĐT, các cơ sở đào tạo phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội của địa phương thực hiện việc thu tiền.

Học sinh, sinh viên nộp vào quỹ BHYT 6 tháng một lần và không thu vào đầu năm học để giảm áp lực về tài chính cho cha mẹ học sinh, sinh viên.  Sử dụng nguồn trích lại của Qũy bảo hiểm y tế cho cơ sở giáo dục để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và sơ cứu theo đúng quy định.
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.
Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu và điều chỉnh về phương thức đóng Bảo hiểm Y tế cho đối tượng học sinh sinh viên quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC.

Cụ thể: Định kỳ đóng bảo hiểm y tế là 3 tháng đối với nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên. Thời gian thu Bảo hiểm y tế đối với các cơ sở giáo dục vào khoảng đầu tháng 12 của năm dương lịch.

BHYT đối với học sinh: Có thể thu 6 tháng 1 lần

Theo Bộ GD&ĐT, đây là năm đầu tiên thực hiện luật BHYT sửa đổi, mức đóng BHYT đối với đối tượng học sinh, sinh viên có thay đổi (4,5% mức lương cơ sở/tháng).


Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên, gia đình người học và thực hiện nghiêm túc luật BHYT sửa đổi, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tại địa phương tổ chức thu tiền BHYT của học sinh, sinh viên 6 tháng một lần; tránh thu tập trung vào thời điểm đầu năm học.

Năm nay, với việc tăng mức đóng BHYT đối với học sinh, khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Với những gia đình có thu nhập thấp, số tiền hơn 1 triệu đồng để đóng các khoản bảo hiểm cho 2 con đi học quả là một gánh nặng không nhỏ.

Giải thích về vấn đề này, TS. Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết: Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bắt đầu từ năm nay, mức đóng tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở, tức là tăng gần 150.000 đồng/năm.

Việc thu BHYT sẽ được thực hiện theo năm tài chính (nghĩa là từ mùng 1/1 đến 31/12 hằng năm) thay vì trước đây thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên (HS-SV) theo năm học.

BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn chung rằng, việc tham gia BHYT có thể đóng phí theo chu kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. Như vậy, với mỗi địa phương, Sở GD&ĐT thống nhất cách thu, có thể trong năm 2015 thu 3 tháng, sau đó sang năm 2016 thu 6 tháng hoặc 12 tháng để giảm áp lực nộp tiền đầu năm học.

Thế nhưng, nhiều nơi muốn tạo thuận lợi cho việc thu, đóng BHYT, giảm thời gian cũng như thủ tục hành chính nên có trường học đã thu luôn tiền tham gia BHYT của 3 tháng đầu năm nay và 12 tháng của năm sau. Việc thu gộp cả 15 tháng như thế vô tình tạo ra áp lực khi các gia đình phải đóng nhiều khoản tiền cho con vào đầu năm học

Tăng thu Bảo hiểm Y tế học sinh sinh viên bị các phụ huynh phản ứng là vì chất lượng khám chữa bệnh cho các chủ thẻ không có gì được cải thiện.

Điều mà dư luận quan tâm và yêu cầu các ngành đứng ra thực hiện thu – chi quỹ BHYT là phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ trước khi có quyết định tăng tiền.

Ngoài ra, trong văn bản của Bộ GD&ĐT gửi các trường còn ghi rõ: “Các cơ sở giáo dục và đào tạo không thu các khoản bảo hiểm tự nguyện”. Thế nhưng, quy định này cũng đã bị lờ đi khi nhiều trường đưa khoản thu này vào cam kết tự nguyện của cha mẹ học sinh. Thế nhưng, khoản thu bảo hiểm thân thể học sinh vẫn được nhiều trường thu bình thường.

Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể hay bất cứ loại bảo hiểm gì, nếu chất lượng tốt không cần bắt buộc người dân sẽ tự mua cho con mình. Những ngày qua dư luận nóng lên cũng là dịp để các ngành liên quan tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, thu hút người dân, chứ không thể mãi dùng mệnh lệnh hành chính như hiện nay.


Được biết, trong tuần này, Bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành họp báo để thông tin về việc đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên năm nay.

Lưu Ly (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn