Bảo hiểm XH thất thoát gần 800 tỷ đồng: Ai chịu trách nhiệm?

Thời sựThứ Ba, 17/06/2014 07:26:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều đại biểu đặt ra câu hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi vừa qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bị thất thoát gần 800 tỷ đồng.

(VTC News) – Nhiều đại biểu đặt ra câu hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi vừa qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bị thất thoát gần 800 tỷ đồng.

Nhấn mạnh vào công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng trong thời gian vừa qua có những sai phạm nhất định tại bảo hiểm xã hội Việt Nam. 
Nguyễn sỹ cương
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề quy trách nhiệm trong việc làm thất thoát gần 800 tỷ đồng Bảo hiểm xã hội 

Cụ thể là việc cho Công ty cho thuê tài chính II vốn không phải là đối tượng được vay từ quỹ bảo hiểm xã hội thì lại được vay hơn 1.000 tỷ đồng, đến nay lãi thì chưa thấy đâu mà gốc thì có khả năng mất trắng 770 tỷ đồng.

“Điều đáng nói hơn là việc cho vay có biểu hiện của tội cố ý làm trái và hậu quả mang lại không phải là nhỏ nhưng chỉ bị xử lý hành chính với 2 án kỷ luật cảnh cáo và 2 án khiển trách. Giờ quy định trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước nào là điều rất khó”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Cùng chung ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM) cũng nhắc lại theo báo cáo của Quỹ bảo hiểm xã hội cho thấy thời gian đầu công ty thực hiện đúng các quy định của hợp đồng trong việc trả lãi nhưng từ giữa năm 2009 đến nay công ty không còn khả năng thanh toán lãi và gốc đúng hạn.

Đến ngày 31/5/2014 công ty mới chỉ trả được 237,7 tỷ đồng và còn nợ 772,3 tỷ đồng. Đây là mới tính số tiền gốc cho công ty vay mà chưa tính phần lãi suất lẽ ra quỹ phải được thu thêm. Về khả năng trả nợ của công ty là rất thấp nhưng hiện tại vẫn đang thực hiện trả nợ cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 
Nguyễn Văn Phụng
Đại biểu Nguyễn Văn Phụng 
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, công ty cam kết trong quý 2/2014 sẽ trả tiếp cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam là 5 tỷ đồng. Như vậy nếu tính bình quân cứ mỗi quý công ty trả được cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam 5 tỷ đồng thì để trả hết phần nợ gốc cho Bảo hiểm xã hội thì công ty phải trả với thời gian 40 năm.

“Đây là khoảng thời gian quá dài, tôi nghĩ chắc mà nhiều đại biểu ở đây cũng không còn có thời gian để biết được việc này. Sự việc gây nhiều thắc mắc, bức xúc đối với cử tri và người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội thời gian qua”, đại biểu Nguyễn Văn Phụng nêu ý kiến. 

Cũng qua báo cáo của Quỹ bảo hiểm xã hội cho thấy số tiền khó có khả năng thu hồi lớn như vậy, nhưng việc xử lý kỷ luật ở đơn vị thì chưa thấy ai là người có trách nhiệm phải hoàn trả hay bồi thường số tiền cho vay đó.

Đại biểu Nguyễn Văn Phụng đề xuất: “Tôi đề nghị quỹ bảo hiểm xã hội cần làm rõ vấn đề này để báo cáo Quốc hội và trả lời cho người lao động và cử tri được rõ”.

Không nâng tuổi nghỉ hưu

Bàn về tuổi nghỉ hưu, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cho biết dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này có đề xuất nâng tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động, nâng dần từ năm 2016 cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. 
Nội dung đề xuất nâng tuổi đời hưởng lương lưu như trên có lý do là quỹ hưu trí có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh đề xuất không tăng tuổi nghỉ hưu 
Tuy nhiên đại biểu Hạnh cho rằng để cứu vãn nguy cơ mất cân đối của quỹ hưu trí trong tương lai bằng cách nâng tuổi đời nghỉ hưu như dự thảo này được cho rằng là bất cập.

Bởi vì hiện nay như nhiều chuyên gia đã nói, lao động của nước ta trong cơ cấu dân số vàng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lao động thất nghiệp đặc biệt là thế hệ trẻ được đào tạo, học tập rất bài bản nhưng không được làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, không có việc làm ổn định.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phùng Đức Tiến ( Hà Nam) không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu.

Vị đại biểu này cho rằng trong những năm qua tuổi thọ của người Việt Nam có tăng nhưng sức khỏe của đại đa số người lao động là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi chưa được cải thiện nhiều so với tuổi.

Qua nắm bắt tình hình thực tế lao động ở khu vực các doanh nghiệp, giáo viên là lực lượng lao động đông nhất, tôi thấy với tuổi 60 nam, 55 nữ sức khỏe đã giảm, sức ỳ công việc lớn, đối tượng là công chức, viên chức, hành chính sự nghiệp, sức khỏe có khá hơn nhưng rất nhiều người đã ngại đọc, ngại viết, thiếu sáng tạo trong lao động. 
Đại biểu Phùng Đức Tiến đồng tình cho rằng không nên nâng tuổi nghỉ hưu 

“Một số người sau khi nghỉ hưu vẫn làm thêm nhưng chủ yếu y, bác sỹ, giảng viên, số này so với tổng số lao động cả nước không nhiều, họ làm thêm để tăng thu nhập, tâm lý chung là cũng muốn nghỉ ngơi. Một số mạng xã hội cũng đã mở chuyên mục thăm dò ý kiến về việc nâng tuổi nghỉ hưu, tôi thấy đại đa số ý kiến không đồng tình”, đại biểu Tiến ví dụ.

Hàng năm Việt Nam có trên 1.000.000 người bước vào tuổi lao động, trong đó có khoảng 400.000 người có trình độ đại học, cao đẳng, số lao động này thiếu việc làm.

Có ý kiến cho rằng số người ở lứa tuổi 60, 55 có kinh nghiệm, có bản lĩnh công tác cần phải được làm tiếp, nhưng đại đa số cử tri thấy rằng thế hệ kế cận người về hưu cũng có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh không kém.

Vậy giữ độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay cũng là giải quyết việc làm cho số lao động trẻ đang còn thất nghiệp như hiện nay.

Theo Bộ Luật lao động mới được Quốc hội thông qua ở khóa này, khi thảo luận cũng có ý kiến tăng tuổi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau nhưng qua thảo luận Quốc hội đã thống nhất tuổi nghỉ hưu của nam 60, nữ 55.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn