Báo Hàn Quốc: Vì sao Kim Jong Un tăng căng thẳng?

Thế giớiThứ Năm, 11/04/2013 08:04:00 +07:00

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trẻ tiếp thu nền giáo dục phương Tây, được nhiều người hy vọng là sẽ ít hiếu chiến và dễ tiếp cận hơn so với cha mình Kim Jong-IL.

Kim Jong Un, nhà lãnh đạo trẻ ở độ tuổi 30 và được tiếp thu nền giáo dục phương Tây, được nhiều người hy vọng là sẽ ít hiếu chiến và dễ tiếp cận hơn so với người cha quá cố Kim Jong-Il.

Tuy nhiên theo tờ Thời báo Hàn Quốc số ra ngày 9/4, kể từ khi lên nắm quyền hơn một năm trước đây, Kim Jong Un đã cho thấy ông là nhà lãnh đạo sắc sảo không kém người cha của mình trong việc sử dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh”.

Chang Yong-seok, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định, các hành động gần đây của Kim Jong Un là những động thái được suy tính hợp lý nhằm mục đích đặt nền móng cho "vương quốc” của mình.

Ông nói: "Ở độ tuổi 30, nhà lãnh đạo này có thể kiểm soát Triều Tiên trong khoảng nửa thế kỷ trừ khi chế độ sụp đổ.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un 

Những gì ông ta đang làm đều nhằm đảm bảo cho sự nắm quyền của mình từ nay cho tới giữa thế kỷ 21.

Cùng với cam kết về vũ khí hạt nhân, Kim Jong Un tập trung vào thực thi pháp luật, cải cách giáo dục và phát triển kinh tế. Tất cả các dự án này đều nhằm tạo tiền đề cho tương lai".

Nhà nghiên cứu Chang nói thêm: "Cách mạng hoa nhài" trong thế giới Arập diễn ra trong năm 2010, khi đó Kim Jong Un mới chỉ là người sẽ được thừa kế quyền lực, đã dạy cho ông một bài học khi một loạt nhà lãnh đạo từng cầm quyền trong nhiều năm cùng với gia đình của họ đã bị lật đổ hoặc bị hành quyết.

Theo Chang, "có vẻ như Kim Jong Un tin rằng nhà lãnh đạo Libya phải chịu thất bại sau khi đã từ bỏ vũ khí hạt nhân đầu những năm 2000. Đó là lý do tại sao khiến Kim Jong Un gắn bó với vũ khí hạt nhân như một phương tiện để tồn tại".

Các nhà phân tích nói Kim Jong Un cần phải tập hợp mọi người dân đứng sau mình và việc gia tăng căng thẳng là đòn bẩy để đảm bảo sự hỗ trợ của công chúng.

Giáo sư Yoo Ho-yeol, Giám đốc và là giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc, đồng ý rằng bằng cách gia tăng căng thẳng Kim Jong Un có thể tăng cường nắm chắc quyền lực của mình thông qua kiểm soát nội bộ và tìm kiếm sự thừa nhận của quốc tế là một cường quốc hạt nhân chính thức.

Giáo sư Yang Moo-Jin của Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên lại trình bày một quan điểm khác. Ông nói: "Về cơ bản, Kim Jong Un thừa hưởng mánh lới của chính sách 'bên miệng hố chiến tranh' cứng rắn từ cha mình.

Tuy nhiên, trong trò chơi 'chọi gà' thì người trung gian là rất quan trọng. Trong quá khứ, ân nhân Trung Quốc của Triều Tiên đóng vai trò đó nhưng giờ tình hình đã không còn như trước.

Chính điều này tạo ra mối quan ngại rất lớn về nhà lãnh đạo Triều Tiên trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm này".

Theo Vietnam+
Bình luận
vtcnews.vn