Bao giờ Hà Nội kiểm soát được dịch COVID-19?

Tin tứcThứ Sáu, 30/07/2021 16:15:00 +07:00
(VTC News) -

Các chuyên gia đưa ra nhận định về tình hình dịch Hà Nội và khả năng kiểm soát dịch COVID-19 sau giãn cách 15 ngày theo Chỉ thị 16.

Theo các chuyên gia, dù thời gian qua Hà Nội liên tục phát hiện ổ dịch mới, ca mắc trong cộng đồng nhưng đến nay chiến lược chống dịch của thành phố vẫn đi đúng hướng. Họ đều hy vọng Hà Nội sẽ kiểm soát được dịch sau 15 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Nguy cơ cao nhưng đi đúng hướng

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Hà Nội vẫn luôn thường trực nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Trong đó nguồn lây từ các ca bệnh xâm nhập bên ngoài vào, như người dân ở nơi khác về Hà Nội công tác, sinh sống rồi vô tình có thể mang mầm bệnh. Hiện Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên mối nguy này đang được kiểm soát rất tốt.

Bao giờ Hà Nội kiểm soát được dịch COVID-19? - 1

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Hà Nội cũng cần lưu ý trường hợp mắc bệnh được ghi nhận trong các cơ sở y tế. Thực tế chứng minh đợt dịch lần này ghi nhận ca mắc ở bệnh viện như Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương… Do thực hiện công tác khoanh vùng nhanh, gọn và chính xác, đến nay các ổ dịch này không quá lo ngại.

Theo ông Phu, vấn đề đáng lo nhất là thành phố vẫn còn ca bệnh lẩn khuất ngoài cộng đồng. Nhóm đối tượng này khá phức tạp, bởi không phải ai cũng có triệu chứng, không kiểm soát tốt Hà Nội sẽ phát sinh thêm những ổ dịch mới, gây khó khăn cho phòng chống dịch.

Tuy nguy cơ cao, nhưng vị chuyên gia nhận định, Hà Nội đang đi đúng hướng và khoa học trong tổ chức xét nghiệm sàng lọc tất cả người ho, sốt trên địa bàn, vì vậy thành phố đã phần nào kiểm soát được các ổ dịch, không để lây lan rộng. Thông qua việc này, Hà Nội cũng phát hiện được sớm ca bệnh trong cộng đồng, qua đó khoanh vùng, truy vết thần tốc và nhanh chóng, kịp thời dập tắt ổ dịch.

Về lo lắng số người dương tính ở Hà Nội tăng cao, có thời điểm 60-70 người/ngày, ông Phu nêu quan điểm, sau khi giãn cách, số bệnh nhân tăng nhẹ là do thành phố tăng cường truy vết quyết liệt và xét nghiệm sàng lọc nhằm phát hiện trường hợp còn lẩn khuất trong cộng đồng.

Bao giờ Hà Nội kiểm soát được dịch COVID-19? - 2

Biểu đồ số ca COVID-19 ở Hà Nội sau gần một tuần thực hiện Chỉ thị 16 (Nguồn số liệu: CDC Hà Nội)

"Số ca này tăng không quá lo ngại. Điều này thể hiện công tác truy vết, rà soát của Hà Nội đang có hiệu quả. Mặt khác, đây là trường hợp đều thuộc diện khoanh vùng từ trước, liên quan các ca COVID-19", ông Phu nói. Nói cách khác, kể cả chúng ta đang làm tốt thì số ca mới chưa thể giảm ngay được vì thời gian ủ bệnh lên tới 14 ngày. Đây cũng là một trong nguyên nhân số ca mắc sau Chỉ thị 16 tăng hơn. Tuy nhiên, vài ngày gần đây nhờ kiểm soát tốt nên trường hợp mắc COVID-19 đang theo chiều hướng giảm.

Về ổ dịch mới phát sinh khá phức tạp ở Hà Nội như Bệnh viện Phổi Hà Nội, nhà thuốc Đức Tâm (95 Láng Hạ) hay một số ổ dịch khác, ông Phu nhận định, tất cả đều đã được cơ quan chức năng thành phố khoanh vùng gọn và “vét sạch”. Vì vậy đa phần ca mắc mới phát sinh về sau đều là F1 đã được cách ly, không có nguy cơ lây lan rộng.

Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đánh giá cao công tác chống dịch của Hà Nội khi đưa ra những động thái chống dịch rất sớm, bài bản. 

Tuy nhiên, ông Nhung lấy ví dụ ổ dịch ở Bệnh viện Phổi Hà Nội và đề nghị không chỉ bệnh viện mà tất cả các cơ sở y tế khác phải rút kinh nghiệm. Dịch xâm nhập bệnh viện xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể từ nguồn người bệnh đến khám mà khi thực hiện sàng lọc không hết; người nhà của bệnh nhân không tuân thủ nghiêm quy định và bệnh viện quản lý không chặt, việc người nhà bệnh nhân ra vào là nguy cơ đưa dịch từ ngoài vào trong bệnh viện; thứ ba là nhân viên y tế có thể bị lây nhiễm từ bên ngoài.

Bao giờ Hà Nội kiểm soát được dịch COVID-19? - 3

Công tác rà soát, truy vết và xét nghiệm sàng lọc ở Hà Nội đang được triển khai bài bản, quyết liệt. (Ảnh: Bảo Loan)

Kiểm soát dịch sau 15 ngày?

Nhờ cách làm khoa học, “đi trước một bước” so với dịch, nên dù nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu song theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội khả năng cao sẽ kiểm soát được tình hình sau 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Thời điểm này, Hà Nội nên tận dụng thời gian vàng còn lại để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách. “Bài học từ các tỉnh thành phố giãn cách chưa nghiêm khiến virus lây lan mạnh vẫn còn đó", ông Phu nói.

Hơn lúc nào hết Hà Nội cần tiếp tục duy trì chiến lược này trong thời gian tới để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Mặt khác, đây cũng là thời điểm để thành phố tăng cường sàng lọc, qua đó phát hiện sớm các ca bệnh còn lẩn khuất trong cộng đồng, đặc biệt là các khu dân cư chật hẹp, các khu đông dân để dập tắt sớm dịch.

"Tôi hy vọng Hà Nội tận dụng thời gian vàng này và cố gắng kiểm soát được dịch sau 15 ngày giãn cách. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải chờ đánh giá nguy cơ thêm", ông Phu nói.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng cho rằng, thời gian qua, Hà Nội thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 nên số ca không tăng quá mạnh. Ông hy vọng sau 15 ngày giãn cách, thành phố sẽ có nhiều thời gian hơn để từng bước kiểm soát được dịch bệnh.

Hiện còn 9 ngày nữa để Hà Nội sẽ hoàn thành thời gian 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Với số ca bệnh như hiện tại cùng phản ứng nhanh nhẹn, nhạy bén của hệ thống y tế, ông cho rằng Hà Nội chưa quá nghiêm trọng và quá tải. Vì vậy, thời điểm này, Hà Nội cần kiên trì với sách lược của mình để “làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa”.

Bao giờ Hà Nội kiểm soát được dịch COVID-19? - 4

Đường phố Hà Nội vắng lặng trong thời gian giãn cách xã hội. (Ảnh: P.C)

Song song với công tác khoanh vùng, dập gọn ổ dịch, Hà Nội vẫn cần tăng tốc trong truy vết, rà soát các trường hợp ca bệnh còn sót lại (nếu có) trong cộng đồng. Mặt khác, thành phố cần đẩy nhanh công tác tiêm chủng cho người dân vì đánh giá khách quan, hiện mức độ bao phủ vaccine rất thấp.

“Giãn cách là để thêm thời gian giảm bớt sự lây lan của các ổ dịch, đề phòng sự quá tải và củng cố thêm công tác phòng dịch, trong đó có tiêm vaccine. Tiêm vaccine xong cũng cần thời gian mới tạo được miễn dịch. Đó là còn chưa kể chúng ta phải tiêm đủ 2 mũi. Vì vậy, mũi 1 phải tiêm nhanh thì mới nhanh đến thời gian tiêm mũi 2. Thành phố phải đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm chủng, Bộ Y tế cho bao nhiêu chúng ta tiêm hết bấy nhiêu, cố gắng bao phủ thật nhiều người dân được tiêm vaccine, đặc biệt là đối tượng người già trên 65 tuổi”, ông Hà nói.

Để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung đề xuất thành phố cần thí điểm sớm việc cách ly F0 và F1 tại nhà, bởi đây là sự chủ động và phù hợp. “Tất cả đều phải thí điểm và hoàn thiện mô hình để khi cần dùng đến là dùng ngay, phải dành thế chủ động thì chúng ta mới chiến thắng được dịch”, ông Nhung nói.

Tính từ đợt dịch thứ 4 từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 998 trường hợp dương tính, trong đó số ca ghi nhận tại cộng đồng là 606, số ca được cách ly là 392. Trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận khoảng trung bình 50 đến 60 ca và khả năng tăng trong thời gian tới do nhiều F0 lẩn khuất trong cộng đồng.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp