Bão giá, chợ đầu mối đắt hàng

Kinh tếThứ Sáu, 08/04/2011 08:19:00 +07:00

(VTC News) - Quan điểm chợ đầu mối chỉ có bán buôn bây giờ chỉ đúng một phần, bởi người mua lẻ trong lúc bão giá không hề ít.

(VTC News) – Nhiều người đổi thói quen đi chợ đầu mối lúc sáng sớm để mua được thực phẩm giá “bèo” khiến chủ sạp hàng cũng phải “thích nghi” với việc bán lẻ. Thậm chí, nhiều người bán cho rằng lượng khách mua lẻ chẳng kém cạnh với người mua để buôn lại cho tiểu thương ở các chợ. 

Bán buôn kiêm nhiệm bán lẻ

Chẳng khó khăn gì để có thể mua lẻ rau xanh và thực phẩm tại các chợ đầu mối, điều này có thể không phải là mới, bởi nhiều người bán buôn tại các chợ trung chuyển từ lâu đã kham cả bán lẻ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây khi nhiều người tiêu dùng nhất là các bà nội trợ tranh thủ chút thời gian buổi sáng, thậm chí khi trời còn chưa tỏ mặt người đã tìm đến chợ đầu mối để mua những thực phẩm với giá khá bèo, thì doanh thu bán lẻ chẳng hề kém cạnh so với bán buôn.

Theo lời của một số chủ sạp kinh doanh cho biết, bán buôn là chủ yếu nhưng bán lẻ cũng không hề thua kém, thậm chí những ngày cuối tuần, vì lượng người mua lẻ đông nên tỷ lệ này suýt soát 50-50.

Chính vì điều này, mà quan điểm chợ đầu mối chỉ bán buôn như trước đây hiện nay chỉ đúng một phần. Bởi, dạo qua một số chợ đầu mối như Ngã Tư Sở, Dịch Vọng, Long Biên trên địa bàn Hà Nội thay vì trao đổi hàng hóa ngay trên xe, giờ đây la liệt những quầy hàng nhỏ được người bán bày ra hai bên lối đi. Cách làm này không chỉ để tiếp cận với những người chuyên nhập rau xanh, thực phẩm cho các chợ cóc, mà điều này còn nhằm đáp ứng nhu cầu mua lẻ của một bộ phận không nhỏ người nội trợ và chủ quán bún, cơm, phở muốn tiết kiệm chi tiêu.

Chúng tôi hoàn toàn không khó khăn gì để mua một số loại rau xanh chỉ với 30.000 đồng trong tay. Cụ thể trong vài người đi mua hàng, pv VTC News chỉ cần chưa đầy 10 phút đã mua xong 2kg dưa, 2 mớ rau lang, 1kg hành lá, nửa cân chanh và ớt, 1 củ cà rốt và 1 củ khoai tây.

Khi chúng tôi hỏi mua lẻ với số lượng ít từ 5 lạng đến vài cân, một số người bán tỏ ra không được mấy hồ hởi, nhưng rồi vẫn quyết định bán. Trong khi đa số các chủ sạp hàng hết lời đon đả, mời mọc người mua hàng và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khi khách muốn mua lẻ rau xanh hay thực phẩm.

Từ 4 giờ sáng, khi công việc đóng gói cho các tiểu thương ở chợ, nhiều chủ sạp hàng ở chợ đầu mối đã sẵn sàng bán lẻ rau xanh cho người nội trợ.

Chị Bình (bán hàng tại chợ đầu mối Long Biên) cho biết: “ Trước đây, chẳng mấy ai bán lẻ tẻ vài lạng đến 1 kg cả, toàn người mua cả 5kg trở lên. Nhưng, hồi này có nhiều người trong phố hay sang chợ này mua, với lại nhiều người ở các làng trồng rau cũng hay chở về đây bán lẻ nên chủ sạp lớn cũng tranh thủ bán lẻ để cạnh tranh”.

Tại chợ đầu mối tập trung ở đối diện đường Lê Đức Thọ, theo quan sát của chúng tôi lượng người bán lẻ cũng không hề ít. Những sạp hàng nhỏ được đặt ngay trên bạt hay nilon choán hết lối đi. Người bán đã đông,  còn người mua nhất là bà nội trợ chen chúc nhau để có được mớ rau, củ hành tươi nhất với giá rẻ nhất.

Sạp rau khá lớn của chị Sâm nằm ở cuối dãy hàng rau, nhưng lại thu hút lượng khách khá đông đảo,  trong khi vừa bận rộn tính tiền cho khách mua để buôn lại cho tiểu thương ở chợ cóc, chị và cô em họ còn phải lấy hàng cho nhiều người mua lẻ khác đang đợi. Được biết, số rau này chị Sâm đã mua lại từ một số chủ vườn rau lúc 1 giờ sáng, sau đó tập trung về một chỗ để phân loại và bày bán cho khách.

Theo chị Sâm cho biết, lượng mua lẻ giờ cũng không kém so với mua buôn. Chỉ khác một bên mua nhiều mua ít, người này mách người kia là chợ đầu mối rẻ nên cuối tuần nhiều nhà xung quanh khu vực Mai Dịch rồi cả tận Cầu Diễn sang, Thanh Xuân lên để mua cho vào tủ lạnh cả tuần. Về doanh thu, cuối tuần lượng khách mua lẻ tăng lên nên tiền lãi khi bán lẻ có những hôm gấp đôi bán buôn, cụ thể ngày thường có thể lãi tới 100.000-150.000 đồng còn cuối tuần 60% tiền lãi trong đó là mua lẻ.

Mặc dù, lượng rau chị lấy gần 2 yến, nhưng gần một nửa rau thơm, hành, bắp cải, su su chị Sâm vẫn giữ lại không bán cho tiểu thương ở các chợ như Đồng Xa, Nghĩa Tân…. Theo lý giải của chị Sâm, lượng rau này dành lại để cung cấp cho mấy người khách quen chuyên mua lẻ,  trong đó đa phần là các hàng bún, phở rồi quán cơm.

“Chị đóng và chia ra từng túi cho 5 quán cơm, bún gần đây, mỗi túi cũng 2-3 kg.Họ lấy ở đây mấy tháng nay rồi, trước đây giá ở chợ cóc còn rẻ thì chẳng có ai mua lẻ như thế cả. Giá rau trong kia càng cao thì càng nhiều người mua, cuối tuần còn có thêm sinh viên và công nhân”, chị Sâm cho biết thêm

Ngoài ra, các mặt hàng khô trước đây gần như 100% bán buôn cho đại lý ở chợ, thì nay cũng tranh thủ cơ hội bán lẻ. Một số chủ hàng khô cho biết, khách mua lẻ hàng sáng thường chọn măng khô, miến, cá mực khô… Theo lời một số chủ hàng khô, có những hôm người mua lẻ là chủ yếu, còn tiểu thương họ hay vào siêu thị mua về bán để lấy chênh lệnh.

So với mức giá ở các chợ trong nội thành, thì giá mua lẻ ngay chợ đầu mối rẻ hơn vài giá. Ví dụ mực khô 150.000 đồng/kg nhưng khi đến tay tiểu thương có lúc lên hơn 200.000 đồng/kg. Thậm chí, có tiểu thương ra chợ đầu mối chọn đồ, phí vận chuyển chẳng đáng là bao nhiêu nhưng tâm lý nhìn mặt đặt giá khiến nhiều người bán không ngần ngại “hét” giá đến mức khó chấp nhận được.

Chị Hằng (Khu đô thị Mỹ Đình 2 ) kể: “Trước đây, chị hỏi mua 1-2 miếng rong biển chẳng ai bán, vì họ để dành nhập cho tiểu thương. Nhưng, mấy tháng nay hỏi bao nhiêu bán bấy nhiêu, có khi mua 1 lạng cá khô họ vẫn vui vẻ. Mua ở đây là buôn lại rồi nhưng vẫn rẻ từ 10.000 – 20.000 đồng so với mua ở chợ gần nhà chị ”.

Có cầu ắt hẳn có cung

Theo lời một số người bán hàng, chúng tôi tìm hiểu qua một số sạp hàng ngay lối vào chợ đầu mối Long Biên, ở đây tập trung khá nhiều quầy rau. Người bán trên xe, người bày hàng trên nilon hay tấm bạt,  nhưng một lượng không nhỏ trong đó là người đưa rau tự trồng ở nhà đến để bán. Bởi, từ khi người bán nhận thấy một lượng khách khá đông đi chợ sáng để mua thực phẩm thay vì mua ở chợ nội thành, nhiều người kinh doanh liền "chớp" cơ hội này ngay lập tức.

Mặc dù, nhiều người bán buôn muốn thu mua hẳn gần 5 yến củ cải trắng với nửa kg chanh. Tuy nhiên, vợ chồng anh Nguyên ( Gia Lâm – Hà Nội) không đồng ý, theo lý giải của anh Nguyên: “Nếu bán cho họ thì bị ép giá với mức giá rẻ ngang cho không, củ cải trắng bán cho người buôn chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, còn nếu bán lẻ còn được 3.000 đồng/kg. Người buôn lại thường mua nhiều, nên họ nài bằng được giá rẻ nhất”.

Theo lời anh Nguyên, khi bán ở chợ có thể giá cao hơn thêm một chút nhưng lại phải ngồi từ sáng đến trưa mới hết hàng. Cái khó là không có chỗ, vì tiểu thương họ ngồi cố định rồi, còn đứng vật vờ ở đường không khéo lại bị phạt.

Những quầy hàng khô hiếm hoi cũng tranh thủ bán lẻ cho khách hàng thay vì nhập về cho người bán ở chợ.

Chị Huê - vợ anh Nguyên nhanh tay trải tấm nilon trên nền xi măng, củ cải trắng vừa được đặt xuống, một số người mua lẻ đã “chầu chực” sẵn. Nếu như, anh chị chấp nhận giá mà người bán buôn đưa ra thì số tiền thu được khoảng 100.000 đồng. Còn, chấp nhận nán thêm để bán lẻ trước khi trời sáng, con số ấy sẽ lên 300.000 đồng – 400.000 đồng. Bởi, những người nội trợ thường mua ít từ 1 – 2kg, chưa kể người mua 1-2 củ cải trắng để ăn hết trong ngày. Nếu tính cụ thể, số tiền lãi thu được gấp đôi, gấp ba so với chấp nhận “bán tống, bán tháo” cho người bán buôn.

Không chỉ có rau xanh, mà các loại thực phẩm như thủy hải sản cũng được nhiều người mua lẻ. Nên người bán cũng tranh thủ để kiếm thêm chút lãi so với bán cho người buôn. Mỗi tuần 4 lần, chị Lý lại đưa cá chép, cá trôi, trắm, mè gia đình tự nuôi được về bán ở chợ đầu mối Dịch Vọng. Trước đây, lượng khách chủ yếu là tiểu thương ở các chợ mua lại để bán, nhưng từ ngày nhiều người đổi thói quen đi chợ sáng, chị Lý có thêm một lượng khách khá đông là người bán bún cá hay các quán cơm bình dân sinh viên.

Chị Lý cho rằng: “Bán buôn thì vẫn giữ ở mức bình thường, vì các mối cũ họ mua quen hàng mình rồi. Dạo trước, chẳng mấy ai đi lúc 5 giờ sáng để mua cá, tôm ở đây cả, nhưng đợt này mỗi sáng cũng có từ 20-25 khách tìm mua cá. Khách lẻ họ mua ít, tầm chỉ nửa con hoặc có khi 2 -3 khúc, tính bán thế này sẽ lãi hơn so với bán buôn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg”.

Bài, ảnh:Thành Công



 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn