Báo Đức: Nỗ lực hàn gắn quan hệ Berlin - Washington chỉ đến từ một phía

Thời sự quốc tếThứ Tư, 23/12/2020 08:12:07 +07:00
(VTC News) -

Một cuộc khảo sát gần đây từ tờ Zeit cho thấy, nhiều người dân Mỹ dành tình cảm lớn cho nước Đức nhưng dường như người dân Đức lại lạnh nhạt với mối quan hệ này.

Tờ Zeit Online của Đức mới đây có bài bình luận về mối quan hệ Mỹ - Đức hậu chính quyền Trump. Tờ báo trích dẫn các bình luận từ chương trình truyền hình Đức Berliner Runde. Chương trình này đã tổ chức một cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại của nước này, bao gồm các chủ đề trọng tâm như người Đức bày tỏ sự hài lòng trước kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, quan hệ Đức - Mỹ "bước sang một trang mới“ dưới thời của Tổng thống Joe Biden,... Tuy nhiên, các chuyên gia tham gia chương trình nhận thấy người dân Đức còn có những nỗi hoài nghi. Lý do là dưới thời Tổng thống Donald Trump, các vấn đề như cuộc chiến thuế quan, mối quan hệ hợp tác song phương, mối quan hệ với Nga và Trung Quốc không được giải quyết triệt để.

Báo Đức: Nỗ lực hàn gắn quan hệ Berlin - Washington chỉ đến từ một phía - 1

Khảo sát chỉ ra nhiều người dân Mỹ dành tình cảm to lớn cho nước Đức nhưng dường như người dân nước Đức không như vậy. (Ảnh: Getty Images)

Cuộc tranh luận có nhắc đến Tổng thống Donald Trump, theo đó, một quan chức cấp cao Đức bày tỏ sự lo ngại về tâm trạng của các cử tri, gần nửa số phiếu bầu của họ dành cho một “người hay nổi nóng vô cớ và thích phá vỡ các quy tắc”.

Khi đắc cử tổng thống, ông Biden sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ Đức – “cường quốc số một châu Âu“. Tuy nhiên, người dân Đức không muốn đầu tư vào công nghiệp quốc phòng và sản xuất vũ khí, đây là quan điểm nhất quán của họ dưới thời các vị tổng thống trước Trump. Người Đức muốn tránh xa các cuộc xung đột thay vì tham gia vào vòng xoáy chính trị thế giới hay phải lựa chọn đứng về phía Mỹ, Trung Quốc hay Nga. Họ áp dụng nguyên tắc, hợp tác sẽ tốt hơn là đối đầu – ngay cả trong thời điểm bất ổn hiện nay.

Cuộc khảo sát đã chỉ ra sự trái ngược trong suy nghĩ của người dân hai nước và có kết quả đáng ngạc nhiên. Bất chấp chiến dịch tuyên truyền chống lại Châu Âu của Trump, người Mỹ từ trước đến nay vẫn luôn dành thiện cảm cho nước Đức, nhưng lại không nhận được sự đáp trả từ đối phương.

Trong khi 3/4 người dân Mỹ được hỏi coi mối quan hệ giữa giữa hai quốc gia là “tốt đẹp”, 80% người Đức lại coi mối quan hệ này là “xấu”. Mối quan hệ đối tác giữa hai nước cũng được dự đoán sẽ trở nên "u ám“ vào năm 2021, khi cả hai bên đều có những thay đổi về chính phủ.

Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, 3/4 người Đức không coi Mỹ là đối tác triển vọng để ký kết Hiệp định thương mại tự do. Ngược lại, chỉ có 35% người Mỹ không lựa chọn Đức làm đối tác. Tỷ lệ tương tự (75% - 38%) cũng xảy ra khi người dân hai nước đánh giá về vai trò của đối phương trong việc "bảo vệ nền dân chủ" trên toàn thế giới.

Về vấn đề "xử lý quan hệ với Trung Quốc", 60% người Mỹ coi Đức là bạn đồng hành trong vấn đề xử lý quan hệ với Trung Quốc, nhưng có chưa đến 1/3 dân số nước Đức ủng hộ điều này.

Về vấn đề “duy trì hòa bình và đảm bảo an ninh trong khu vực Châu Âu" không có nhiều khoảng cách về kết quả. Phần lớn người Đức (54%) cho rằng nước Mỹ vẫn tiếp tục đảm bảo an ninh Châu Âu. Sự thật là 78% người Mỹ vẫn trung thành với Châu Âu bất chấp mọi quan điểm chống lại NATO của Donald Trump (Trump từng gọi NATO là “lỗi thời”).

Vậy ai là đồng minh tốt nhất của Đức? Hơn một nửa số người dân Đức lựa chọn nước Pháp làm đồng minh, trong đó chỉ 10% chọn Mỹ (mặc dù con số này đã tăng lên kể từ khi Trump thất cử). Có rất ít người Đức lựa chọn Trung Quốc và Nga làm đối tác vì họ luôn có mối ác cảm với hai quốc gia này.

Kể từ khi Joe Biden đắc cử Tổng thống, các quốc gia ở phía bên kia Đại Tây Dương có xu hướng ủng hộ nước Mỹ hơn, nhưng người Đức vẫn kiên quyết không đáp lại thiện chí này. Cần phải nói thêm, sự lạnh nhạt của người Đức dành cho Mỹ đã hiện hữu rất lâu từ trước thời ông Trump. Mặc dù khoảng cách này được kéo gần từng chút một qua mỗi đời tổng thống Mỹ nhưng vẫn không thể bị phá bỏ hoàn toàn. Ngay cả cựu Tổng thống Barack Obama cũng không được lòng giới báo chí Đức trong suốt nhiệm kỳ của ông.

Một lý do nữa khiến mối quan hệ Đức - Mỹ rạn nứt là vì giữa hai quốc gia luôn tồn tại những khác biệt. Mỹ là siêu cường số một thế giới còn Đức chỉ đang hướng tới vị trí siêu cường. Ngoài ra, các quốc gia châu Âu không đồng lòng với nhau để tìm ra tiếng nói chung và cũng không có chiến lược cụ thể để tận dụng sự giàu có của mình nhằm phát triển đất nước.

Bất chấp tâm lý nhẹ nhõm khi ông Trump thất cử, các chuyên gia chính sách đối ngoại của Đức tại Berlin vẫn giữ một cái “đầu lạnh”. Lý do là vì tổng thống Biden cũng sẽ đòi hỏi nước Đức đóng góp và chi nhiều tiền hơn để bảo đảm an ninh chung.

Mối quan hệ “yêu” và “ghét”

Mối quan hệ Đức – Mỹ là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt khi London – đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ rời khỏi Liên minh châu Âu. Theo quan điểm của Otto von Bismarck – chính trị gia người Đức, điều khôn ngoan nhất là hợp tác với hai cường quốc khác trên bàn cờ năm cường quốc. Ngày nay, bàn cờ đó chỉ gồm ba cường quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nga. Đức đứng trung lập ở giữa. Không dễ dàng để đạt được thế cân bằng bởi nền ngoại giao ngày nay vốn né tránh sự ràng buộc lẫn nhau. Tuy nhiên, Washington đã và vẫn đang là đồng minh của Đức, dù đôi khi cũng gây chút khó khăn nhưng vẫn tốt hơn hai nước còn lại.

Khoảng cách giữa hai quốc gia xuyên Đại Tây Dương sẽ không được xóa bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, hai bên phải “nhường nhịn” nhau hay ít nhất là phải tôn trọng lẫn nhau để đạt được những lợi ích chung. Tin tốt là khi so sánh mối quan hệ hai nước với âm nhạc, ngài Biden đã lựa chọn kèn Cla-ri-nét với âm thanh trong trẻo, nhẹ nhàng thay vì kèn Tuba thô và nặng. Nhưng chỉ có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cùng các đồng nghiệp biết rõ người dân nước này không hề có hứng thú đối với những bản giao hưởng Đức - Mỹ.

Giang Bùi(zeit.de)
Bình luận
vtcnews.vn