Báo động những cái chết đau lòng từ... còi xe

Thời sựThứ Năm, 17/06/2010 06:35:00 +07:00

(VTC News) - Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tâm liên quan đến tiếng còi xe ôtô khiến dư luận bất bình, phẫn nộ.

(VTC News) -  Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tâm liên quan đến tiếng còi xe ôtô khiến dư luận bất bình, phẫn nộ. Nhiều người bức xúc cho rằng cần phải xem xét lại “văn hóa còi xe” ở Việt Nam, đồng thời quản lý chặt, xử phạt nặng hơn đối với các chủ phương tiện cố tình dùng còi xe vượt quá tiêu chuẩn, khiến nhẹ thì người dân suy nhược thần kinh, nặng có thể điếc tai và thậm chí tử nạn.


Tử nạn khi nghe thấy còi hơi

 

Dư luận đã nhiều lần đề cập đến vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn tại một số đô thị lớn ở Việt Nam, trong đó có vấn nạn “còi xe”. Trong nhiều năm qua, nhiều nạn nhân tử vong vì nguyên nhân từ tiếng còi hơi…

Thảm cảnh của mẹ con chị Loan trong vụ tai nạn vừa xảy ra ở TPHCM khiến người đi đường rơi nước mắt (Ảnh: NLĐO) 

Theo  Nghị định 34 quy định về việc xử phạt vi phạm giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 20/5/2010) thì phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

 

Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

Vụ việc người mẹ trẻ chở con gái 2 tuổi, bị giật mình bởi tiếng còi xe tải nên phanh gấp khiến cháu bé ngã xuống rồi bị xe tải cán qua, mới xảy ra tại TP.HCM khiến nhiều người còn chưa hết bàng hoàng, xót xa, là một ví dụ điển hình.

 

Cách đây gần 1 tháng, vào ngày 18/5, trên tuyến QL 1A, đoạn công viên 30/4 (phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (23 tuổi) làm việc tại Công ty Sanyo, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, đang đi xe máy cùng chiều với một chiếc xe tải, cũng bị giật mình vì tiếng còi xe tải phía sau. Hậu quả là chị loạng choạng ngã xuống đường và bị bánh sau của xe tải cán chết tại chỗ.

 

Trước đó, ngày 28/9/2009, tại đầu cầu Rạch Cây, trên đại lộ Đông Tây, quận 6, TP HCM, bà Nguyễn Thị Nhiễu (51 tuổi, tạm trú ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM) đang đi xe đạp trên đường thì giật mình, hốt hoảng vì tiếng còi xe tải phía sau quá lớn khiến bà luống cuống ngã vào con lươn giữa đường, hậu quả là nạn nhân bị xe tải cán tử vong tại chỗ.

 

Còn nhớ cách đây vài năm, một người cha ở Phú Thọ chở con đi thi đại học bằng xe máy. Mặc dù ông đã đi sát vào lề đường, nhưng bị giật mình bởi một hồi còi xe tải to và dài, khiến mất tay lái, đâm sầm vào bánh xe làm cả hai bố con đều tử nạn.

 

Trên nhiều diễn đàn cho rằng, không ở nước nào, việc sử dụng còi xe lại phổ biến, dễ dàng và dễ được chấp nhận, dễ được bỏ qua như ở Việt Nam. Hậu quả là nhẹ thì người dân cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, nặng thì điếc, thậm chí tử nạn như những trường hợp ở trên.

 

Khó xử lý

 

Đã có thời gian, trang bị thêm còi hơi kêu to, dọa khỏe với đủ tiếng từ chó mèo đến tiếng xe hụ còi trở thành mốt của giới trẻ. Con đường trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều người khi liên tục giật mình với những âm thanh lạ. Việc nhìn thấy nạn nhân hốt hoảng hoặc ngã chổng kềnh ra đường lại là trò mua vui của những chủ còi gây bất bình cho người chứng kiến.

 

Trước tình trạng này, Hà Nội đã tổ chức ra quân xử lý còi hơi và coi đây là một chuyên đề quan trọng nhằm xử lý vi phạm giao thông vốn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trong thời gian hè.


TheoTrung tá Trần Ngọc Ánh, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội, trong 10 ngày cao điểm tuần tra xử lý, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý 10 trường hợp sử dụng còi hơi trong thành phố. Như vậy mỗi ngày chỉ có 1 trường hợp sử dụng còi hơi trên phố bị phát hiện và xử lý.

 

Còi hơi trở thành mốt để hù dọa người đi đường (ảnh
thethaovanhoa.vn
 

Một CSGT cho biết, dù phạt tiền cao từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi… nhưng việc phát hiện và xử lý thì hoàn toàn không dễ. Đối tượng sử dụng thường là thanh thiếu niên, dùng còi hơi kèm với hành vi lãng lách đánh võng nên phát hiện và truy đuổi không dễ. Kinh nghiệm hơn, các đối tượng thường cho cả còi bình thường và còi hơi trên cùng một xe, khi bị phát hiện đối tượng liền tắt còi hơi và chìa ra còi thường.


Trong khi đó, trên tuyến quốc lộ, CSGT chưa được trang bị phương tiện kỹ thuật đo tần suất, âm lượng của còi xe các phương tiện để có biện pháp xử lý kịp thời. “Mà CSGT thì thường công khai đứng trên tuyến ở một điểm cố định, nên tài xế chẳng dại gì khi đến gần tổ tuần tra, kiểm soát bấm còi để chịu phạt cả”, vị này cho biết thêm.

 

Nhật Anh – Hà Lan

Bình luận
vtcnews.vn