Báo động gia tăng vô sinh thứ phát trẻ vị thành niên do nạo phá thai

Tin tứcThứ Ba, 01/12/2020 14:09:00 +07:00
(VTC News) -

Một trong những tác hại nghiêm trọng của việc nạo phá thai tuổi vị thành niên là dẫn đến vô sinh, khoảng 20% ca điều trị vô sinh có tiền sử phá thai.

"Nạn" phá thai ở trẻ tuổi vị thành niên

Trong các trường hợp mang thai hằng năm trên thế giới, có tới 1/3 là mang thai ngoài ý muốn. Ngoài ra, có tới 36% người ở độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25...

Tại Việt Nam, thời gian qua, hệ thống y tế và dân số đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, theo thống kê trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 đến 400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.

Theo số liệu ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm có khoảng 900 ca trẻ vị thành niên tới bệnh viện để nạo phá thai. Có những em đã phải trở thành bà mẹ "bất đắc dĩ" khi mới 10 tuổi và có những em 15 tuổi đã nạo phá thai 2 lần. Cá biệt, có những trường hợp phát hiện có thai thì đã quá to (trên 7 tháng) mới đến xin phá thai nhưng lúc đấy đã không thể bỏ thai được nữa...

Theo các chuyên gia y tế - dân số, với con số mang thai vị thành niên và phá thai nêu trên đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số và phát triển nước ta, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Báo động gia tăng vô sinh thứ phát trẻ vị thành niên do nạo phá thai  - 1

Tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên làm gia tăng tỉ lệ vô sinh (Ảnh minh họa).

Gia tăng tỉ lệ vô sinh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi phút, có 38 ca phá thai không an toàn trên thế giới, cứ 8 phút lại có một ca chết mẹ do phá thai không an toàn. Hằng năm, khoảng 80 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó, 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai, 20-22 triệu ca phá thai không an toàn, 68.000 ca tử vong mẹ do phá thai không an toàn (chiếm 13%). Mỗi năm, thế giới có khoảng 5 triệu phụ nữ tàn tật do biến chứng của phá thai không an toàn và hầu hết xảy ra ở các nước đang phát triển.

PGS-TS Lưu Thị Hồng - Chủ tịch Hội Sức khỏe sinh sản Việt Nam cho biết: Mặc dù ngày nay có nhiều phương pháp an toàn như phá thai nội khoa (bằng thuốc), phá thai ngoại khoa (hút thai)… nhưng biến chứng trong khi thực hiện thủ thuật có thể để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tâm lý...

Một trong những tác hại nghiêm trọng của việc phá thai là dẫn đến vô sinh, khoảng 20% ca điều trị vô sinh có tiền sử phá thai. Nguyên nhân dẫn đến vô sinh có thể đến từ nhiều hình thức phá thai không an toàn khác nhau. Các em còn quá trẻ chưa ý thức và lo sợ nên có thể không sử dụng thuốc kháng sinh hoặc không biết cách giữ vệ sinh sau phá thai. Nhiều trường hợp vô sinh do tự ý phá thai bằng thuốc Đông y hay các loại thảo dược dân gian một cách sai lầm. Phổ biến hơn cả là các hình thức phá thai tại các cơ sở phá thai tư nhân không đủ điều kiện vệ sinh, vô khuẩn hoặc phá thai không hợp pháp, không đảm bảo an toàn dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, viêm nhiễm, sót rau, tổn thương tử cung, thậm chí có thể gây tử vong. Nhiều em sau đó đã không thể làm mẹ hoặc gặp những sang chấn tâm lý suốt cuộc đời.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế - cho biết: Nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn ở đối tượng vị thành niên/thanh niên chủ yếu do nhận thức những người này chưa cao. Bên cạnh đó, tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân vẫn còn phổ biến trong học sinh, sinh viên. Ngoài ra, việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến các vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn