Báo chí quyền lực thứ tư?

Tổng hợpThứ Hai, 18/06/2012 04:13:00 +07:00

Có câu cuối đầy ai oán trong bài hồi ký đó: “Quyền lực thứ tư chưa to. Hỡi cụ Don Quixote hãy đợi tôi đi cùng!”...

   Trong một hồi ký của nhà báo bạn tôi gửi cho tập “Những kỷ niệm một thời làm báo” tôi đang tuyển chọn in, có câu cuối đầy ai oán trong bài hồi ký đó: “Quyền lực thứ tư chưa to. Hỡi cụ Don Quixote hãy đợi tôi đi cùng!” Don Quixote là hiệp sĩ đánh nhau với cối xay gió đánh mãi không thắng. Nhà báo bạn tôi cùng các đồng nghiệp “đánh hội đồng” bằng một loạt bài báo mà cũng không giành phần thắng cho “thân chủ”. Khuyên “thân chủ” hãy gửi đơn cầu cứu ba cơ quan quyền lực Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp xem sao. Đọc kỹ, tôi nói nhỏ với nhà báo bạn tôi: “Các anh thua vì thiếu chứng lý. Căn nhà ấy diện tích các anh đưa ra 127 mét vuông là căn cứ lời khai kiện của “thân chủ” mà nhà báo không xuống thực tế đo. Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm xét xử lại căn cứ một văn bản có tính pháp lý của một cơ quan quản lý nhà đất thành phố đo đạc có dấu son, cho thấy nó nằm dưới mức quy định cải tạo tư sản (120 mét vuông). Phải trả lại cho chủ cũ (quy là tư sản).

 

   Chế độ xã hội tam quyền có ba tổ chức quyền lực nhất, là Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp. Báo chí, với trọng trách xã hội là thông tin sự kiện, phát hiện vấn đề, phản biện xã hội, tạo dư luận xã hội mà ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đã có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội tích cực và chống tiêu cực, được xã hội yêu quý xem như một quyền lực – Quyền lực thứ tư – Quyền lực tạo dư luận xã hội.     

   Chỉ nói riêng lĩnh vực bất cập trong quản lý điều hành chính sách và chống tham nhũng, báo chí đã tốn nhiều công sức giấy mực gây rung chấn dư luận dài ngày trên các phương tiện truyền thông. Các bài viết tập trung mổ xẻ tìm nguyên nhân, dẫn ra nhiều tư liệu và lập luận, chứng minh rằng những vấn đề báo chí nêu lên là xác thực rồi quy trách nhiệm rất chính xác. Sự có mặt của các phóng viên tại trận, phỏng vấn nhân chứng và người trong cuộc làm tăng thêm tính chân thực cho các bài báo mang tính điều tra. Nhiều vụ việc nhờ báo chí phát hiện mà các cơ quan có trách nhiệm mới biết, mới tổ chức thanh tra phối hợp với báo chí đem lại kết quả mà đa phần là trúng vấn đề, trúng chuyện lớn, mà nếu không lớn thì cũng mang tính hệ thống của chuỗi chuyện nhỏ. Dòng sông Thị Vải không có báo chí khơi mào cho một dư luận xã hội, kéo dài đấu tranh công luận hàng năm, đâu dễ quy trách nhiệm pháp luật cho Công ty Vedan? Việc các nhà đầu tư chuyển đổi sử dụng ruộng đất sai mục đích nếu không có báo chí nêu vấn đề cảnh báo ngăn ngừa, thì việc làm sân golf xây biệt thự tràn lan mang lợi ích nhóm ở các ngành và địa phương đâu phải tạm ngưng, rất khó cho ngành nông nghiệp bảo toàn 3,81 triệu héc-ta đất dành cho trồng lúa theo yêu cầu về an ninh lương thực. Người dân có thể bày tỏ lòng khâm phục các nhà báo khi đọc những bài điều tra nhiều kỳ do các phóng viên lặn lội suốt từ A Mú, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt thuộc tỉnh Lào Cai, xuống tới cửa Ba Đồn Nam Định hơn 600 cây số, để khảo sát tố giác các doanh nghiệp, khu chế xuất xả thải chưa qua xử lý làm ô nhiễm sông Hồng hủy diệt nguồn nước. Cũng như việc các nhà báo thâm nhập vào các lò chế biến dầu rán bẩn; đột nhập vào các lò mổ gia súc trốn kiểm dịch không bảo đảm vệ sinh; phanh phui các tổ chức dùng hóa chất tẩy chế thực phẩm thối ôi, thật công phu và đầy nguy hiểm tới sinh mạng phóng viên.     

 

  Các nhà báo ngày nay được đào tạo rất cơ bản, không những về chuyên môn nghiệp vụ báo chí, mà còn cả một chuyên ngành nào đó thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội đủ khả năng theo dõi chuyên biệt. Đáng chú ý là báo chí ngày nay còn tổ chức tập hợp được một đội ngũ chuyên gia về đủ lĩnh vực làm cộng tác viên góp cách nhìn đa chiều phản biện xã hội cùng đánh giá những vấn đề cần tranh cãi cho sáng rõ hơn để Chính phủ nghiên cứu tham khảo có quyết sách chính xác. Ví dụ “gói cứu trợ” các doanh nghiệp nên hay không nên. Bởi nó được chuyên gia nhìn nhận như là để “viếng” chứ không phải là “cứu sinh”, thay vì hãy giảm thuế cùng các nghĩa vụ khác để các doanh nghiệp bán được hàng tồn kho, thu hồi vốn tái sản xuất, giải quyết công ăn việc làm, người lao động có thu nhập kích cầu tiêu dùng. Hay như việc đầu tư cho Vinalines 100.000 tỷ đồng trang bị đội tàu 15 triệu tấn là dựa trên cơ sở nào, mặc dù đơn vị này thua lỗ nặng qua các thương vụ kinh doanh “tàu già”, thiết bị cũ; mặc dù theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2020 năng lực vận tải biển cả nước (bao gồm Vinalines) tối đa đạt 11,5 đến 13,5 triệu tấn, nó sẽ tiếp tục lặp lại sai lầm phát triển nhanh và ồ ạt. Những bê bối về tham nhũng đã trở thành vấn nạn trong phân bổ đất đai cho dự án, quản lý đấu thầu, chính sách giá, quản lý tiền tệ, chi tiêu công, cải cách hành chính… được báo chí nêu ra gần như thường nhật. Sự bảo thủ trong đường hướng giáo dục và đào tạo, cũng như quản lý yếu kém trong y tế, văn hóa, xã hội dưới cách nhìn giải phẫu biện chứng của báo chí, cho thấy báo chí thực sự đóng vai trò quan trọng trên mặt trận dư luận, nếu chưa là liều thuốc chữa trị hiệu nghiệm, cũng làm chùn bước những mưu đồ xấu xa tham nhũng đang diễn ra mọi lúc mọi nơi, hoặc chí ít cũng cung cấp những bài học hướng tới tầm nhìn chiến lược cho những tư tưởng bảo thủ vô ý thức hoặc thiếu năng lực điều hành.

Tuy nhiên, trong hoạt động tác nghiệp báo chí không dễ dàng gì mặc dù có Luật dành riêng cho báo chí. Những hành động thiếu hợp tác, chống đối hành hung báo chí ngày một nhiều và nghiêm trọng. Báo chí vào cuộc những vấn đề nhạy cảm càng khó khăn hơn. Trường hợp một Đại biểu Quốc hội ngay từ Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, hai tờ báo ngành đã có những bài điều tra nêu ra vấn đề thiếu trung thực của bà đại biểu này trong khai lý lịch về đảng tịch, quá trình công tác và tình trạng hôn nhân không phải đã được chấp nhận ngay vì sự việc quá hy hữu chưa có tiền lệ. Cũng như vụ cưỡng chế đầm nuôi tôm ở Hải Phòng dùng tới cả lực lượng vũ trang, đưa ra, nó có liên quan tới việc vi phạm pháp luật trong quản lý và chỉ đạo của hệ thống chính quyền từ thành phố tới chính quyền các cấp huyện và xã, động chạm uy tín chính quyền nhân dân.

 

      Tôi không tin ở phương thức tự phê bình. Bởi con người khi sinh ra đã thích “à ơi” rồi. Tôi cũng không tin cán bộ đảng viên có thể kê khai tài sản trung thực. Bởi không ai tự tố giác mình tham nhũng mà có. Họ tìm cách “rửa” khối tài sản ấy thành tài sản sạch. Khi mà người ta đưa ra tới ba hình thức phê bình: Phê bình công khai, phê bình trong nội bộ, phê bình trong tổ chức, thì đã là làm khó cho báo chí khi phải dùng công luận. Báo chí có thể bị xem là mắc lỗi vì làm câu chuyện “phức tạp” thêm. Trong khi độc giả lại thích “mua tên tuổi của một tờ báo có tên tuổi” được họ mến mộ vì bổ ích về thông tin.

      Báo chí có sai lầm không?

      Chính xã hội phong cho Báo chí danh hiệu “quyền lực thứ tư” mà nhiều khi chức trách định hướng dư luận, hướng dẫn dư luận đã mất hướng, lạc hướng. Báo chí đôi khi thiếu đồng nhất cảm nhận cùng bạn đọc và đối tượng bị phê phán. Cần hiểu rõ bản chất sự việc chứ không qua hiện tượng. Vì lợi ích xã hội chứ không chỉ là lợi ích của tờ báo.

      Trong hệ thống báo chí, phát thanh và truyền hình có lợi thế nhất trong việc cập nhật tin tức trong bản tin thời sự hai giờ một lần. Các báo điện tử nhanh hơn có thể “post” lên mạng ngay khi làm xong tin nhất là tin nóng. Các báo in phải đưa sự kiện vào sáng hôm sau nhưng có lợi thế khác là có điều kiện kiểm chứng cùng cân nhắc kỹ càng và viết sâu hơn. Trước đây có Hà Nội Mới buổi chiều có thể cập nhật tin tức diễn ra buổi sáng. Đưa tin nhanh là một trong những tiêu chí hàng đầu có giá trị tuyệt đối đối với mỗi tờ báo hằng ngày. Tuy nhiên, tính chính xác của sự kiện lại cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu. Thay vì đưa tin theo nguồn nào (người phát ngôn, nhân chứng, cơ quan hữu trách…) phóng viên “thích” đưa tin như chính mình có mặt tại hiện trường, đã dẫn tới ba tờ báo đưa tin cùng một sự kiện như sự kiện đá lăn ở núi Cấm xã An Hảo An Giang đè lên một xe du lịch, có báo đưa 6 người chết, có báo 7 người, có báo 5 người. Cũng giống như đưa tin vụ cướp tiệm vàng là có hai hay ba kẻ cướp thì mỗi báo một con số và không cùng tình huống. Nếu dẫn nguồn từ nhân chứng thì con số và tình huống “vênh” nhau người đọc có thể châm chước được vì nhân chứng mỗi người có thể nhìn thấy khác nhau. Những lỗi này thường xảy ra khi thông tin nhanh. Nhưng những thông tin liên quan đến đời sống, sức khỏe mà không kiểm chứng, cân nhắc, tai họa khó lường. Cách đây chưa xa, báo chí đưa tin vải thiều bị côn trùng xâm hại ăn vào tác động xấu gây viêm não làm cho 18.000 héc-ta vải thiều huyện Lục Ngạn với sản lượng 120.000 tấn một năm giữa mùa thu hoạch không ai dám mua ăn nữa. Mà thu nhập từ vải thiều chiếm 60% tổng thu nhập nông nghiệp toàn huyện Lục Ngạn. Sau vải thiều đến bưởi Diễn gây ung thư. Gần đây nhất có tin cá điêu hồng nhiễm chất cấm Trifluralin làm cho hàng ngàn hộ nuôi cá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như ngồi trên đống lửa ế ẩm rớt giá cả người bán người mua cùng ngán ngẩm. Rồi gạo giả, trứng giả. Các loại thông tin không chính xác ấy đẩy nông dân tới khốn cùng trồng cây mà không có ngày hái quả.


 

      Cũng giống như nhân gian thôi. Quyền lực và chứng nghiện quyền lực có những tác động gần giống như cocaine, và việc có quá nhiều quyền lực dẫn đến những tác động tiêu cực, chẳng hạn như sự hung hăng và tâm lý nóng vội. Và đó cũng là cách giải thích hành vi khác lạ và bốc đồng ở người và tổ chức khi được trao quyền lực, sẽ dẫn đến những sai sót thô thiển trong đánh giá cũng như không chấp nhận rủi ro, thất bại, chưa kể xem mình là trung tâm của vũ trụ và thiếu đồng cảm với người khác. “90 giây để hút bất  kỳ ai” (How to Make peoplelike you in 90 seconds) của tác giả Nicholas Boothman đã gợi mở những kỹ thuật đơn giản nhắm tới sự hòa hợp: Chọn lựa thái độ thực sự hữu ích (thái độ tích cực); Hiểu rõ về lời nói, giọng điệu và cử chỉ điệu bộ của mình khi nói ra bất cứ điều gì; Đồng bộ thái độ và những chuyển động cơ thể của bạn với người khác. Chính điều này sẽ khiến người đối thoại với bạn cảm thấy thoải mái, dù rằng họ không biết được nguyên do tại sao. Cách thức phát hiện giác quan ưu trội của người khác, họ là kiểu người Thị giác, Thính giác hay Xúc giác, và sử dụng phát hiện này tốt nhất có thể.

      Cái lỗi của truyền thông tự cho mình cái gì cũng đúng. Lẽ ra là giúp người đọc có một nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về biện luận, chứ không phải chỉ đơn thuần là việc đưa ra những ý kiến của mình dưới một dạng thức mới, mà là việc đưa ra hàng loạt lý do hay bằng chứng để củng cố cho kết luận. Biện luận không phải là tuyên bố hay tranh cãi về một quan điểm hay vấn đề nào đó, mà là cố gắng bảo vệ cho một quan điểm nhất định với các lý lẽ và bằng chứng rõ ràng. “Chân lý không bao giờ thay đổi chỉ có thời gian thay đổi”. Và báo chí hãy làm sáng tỏ nhiều hơn chân lý đó. Cá nhân không thể để chân lý thành sai lầm. Số đông không thể biến sai lầm thành chân lý. Ý kiến tập thể chỉ biểu hiện mong muốn của số đông chứ không phải là duy nhất đúng.

      Cần nhớ rằng báo chí không có “bạn thân”. Cũng như không có “kẻ thù”. Có bạn thân ngòi bút thiếu công bằng. Có kẻ thù là phải quyết chiến quyết thắng bằng bất cứ cách nào, đơn thuần là ý chí thiếu lý trí. Báo chí cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Một người không đúng đắn không thể làm được việc đúng đắn. Không thơm như hoa không cao như cây thì chỉ là cành cỏ không ai biết đến. Báo chí truyền thông là diễn đàn công chúng dành cho. Đừng dùng nó bới móc chuyện riêng tư. Tất nhiên báo chí có lợi ích riêng của báo chí. Nhưng phải học cách tôn trọng người khác. Đẩy cho người ta ngã xuống đất, đạp thêm một cái, làm cho người ta vĩnh viễn không đứng lên được nữa. Thời đại bây giờ ít niềm tin hơn. Ít tín nhiệm hơn. Khi báo chí không tin người trong cuộc, thì đến lúc bạn đọc không tin vào báo chí nữa. Báo chí sẽ sống với ai và bằng cái gì?

      Giống như ra gió ra mưa phải đi ô. Báo chí muốn được “nổi tiếng” trong bạn đọc cần cẩn trọng. Báo chí là diễn đàn của nhân dân hoạt động vì quyền lợi của độc giả - khán - thính giả đồng thời hòa đồng với lợi ích quốc gia mà không vụ lợi với mục tiêu dân chủ và công bằng xã hội. Nhân dân kính trọng những nhân vật vì dân vì nước mà “phong Thánh” chứ không phải nhà nước phong. Báo chí dùng quyền lực dư luận làm được nhiều việc có hiệu quả được nể trọng mà dân phong “Quyền lực thứ tư”. Nhưng thánh thì ở cõi vĩnh hằng mà báo chí thì đồng hành cùng độc giả - khán - thính giả mãi mãi.

      Sự việc khôi hài như báo chí Mỹ vì quá nhanh mà thành “nhanh nhảu đoảng” vào giữa năm 2011 với một sự kiện quốc tế lớn đã lầm lẫn rút tít “Tiêu diệt được chùm khủng bố Obama Bin-laden” thay vì “Osama Bin-laden”. Chúng ta chưa mắc sai lầm nghiêm trọng như thế nhưng đã có những sai lầm nhỏ mà tai hại kinh tế lại lớn cho một vùng như vải thiều Lục Ngạn, bưởi Diễn và cá điêu hồng đồng bằng sông Cửu Long. Một sự bất tín vạn sự mất tin. “Quyền lực thứ tư” dân phong sẽ giảm “thiêng” thậm chí mất uy tín. Sẽ không có một cụ Don Quixote để nhà báo chạy theo mong cứu rỗi tâm hồn nếu báo chí thiếu ba tiêu chí “Đúng” - “Trúng” - “Thời điểm thích hợp” trong hoạt động tác nghiệp của mình, bởi hoàn cảnh bây giờ khác xa 30 năm trước trong trường hợp của nhà báo bạn tôi.          

      Giang Lân

Bình luận
vtcnews.vn