Báo chí không được dự phiên thảo luận của Thường vụ: Tổng thư ký Quốc hội lý giải

Thời sựThứ Ba, 11/07/2017 15:43:00 +07:00

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ nay báo chí không được dự nghe thảo luận.

Theo thông lệ, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (thường kỳ hàng tháng), nhiều cơ quan báo chí được gửi giấy mời đến đưa tin, tuyên truyền.

Tuy nhiên, sáng nay (11/7), đông đảo phóng viên có mặt tại Trung tâm Báo chí, Nhà Quốc hội đã phải ngỡ ngàng vì các nội dung trong phiên họp này báo chí không được đưa tin. 

Theo nội dung chương trình, nửa đầu buổi sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng. Nội dung này được thông báo họp kín, báo chí không tham dự.

Nhưng đến nội dung thứ hai của buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kỳ họp thứ 3 của Quốc hội và cho ý kiến bước đầu về nội dung chương trình kỳ họp thứ 4, màn hình trực tuyến tại Trung tâm Báo chí vẫn không bật để phóng viên tường thuật phiên họp như thường lệ.

thuong vu 3

 Các phóng viên có mặt tại Trung tâm báo chí sáng 11/7 nhưng không còn được theo dõi nội dung thảo luận qua màn hình như mọi khi. Nhiều phóng viên tỏ ra ngỡ ngàng trước sự thay đổi này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Phạm Thịnh)

Trả lời vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ nay báo chí không được dự nghe thảo luận.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ nay báo chí được dự 5 phút đầu buổi làm việc.

Vì vậy, mỗi ngày sẽ có 2 bản thông cáo báo chí thể hiện đầy đủ nội dung và kết luận về vấn đề được thảo luận gửi cơ quan báo chí.

Đề cập lý do phóng viên không được nghe thảo luận như các phiên họp như trước đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc lý giải: “Nhiều khi anh em báo chí vào thì cũng ngại, phát biểu không hết. Có vấn đề tối mật không được nói với báo chí mà nói ra thì lại phải đề nghị báo chí không đăng tải”.

Video: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu "Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội"

Vì vậy, Tổng Thư ký quốc hội cho biết sẽ chuẩn bị thông cáo báo chí về các nội dung họp để thông tin cho báo chí.

“Chúng tôi đang chuẩn bị kỹ thông cáo buổi làm việc sáng nay. Chiều sẽ có thông cáo về các nội dung, rồi có kết luận của Thường vụ Quốc hội nữa. Nội dung làm rất kỹ và đầy đủ” – ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin thêm.

Trước đó, vào 9h sáng 23/7/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì cuộc gặp các cơ quan báo chí sau khi nhậm chức và khẳng định tinh thần cởi mở của Quốc hội với báo chí.

Tại cuộc họp báo này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định đại biểu Quốc hội thì phải tiếp xúc với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là sự kiện đó xảy ra khi mình đang làm lãnh đạo địa phương thì hơn ai hết phải chủ động cung cấp thông tin cho báo. Cung cấp thông tin kịp thời và đúng đắn cho báo chí thì báo chí mới có góc nhìn đầy đủ, không nên mập mờ và tránh né.

“Gặp báo chí mà khoát tay từ chối thì không hay, lỡ phóng viên chụp ảnh đưa lên báo thì mất hình ảnh của đại biểu”, bà Kim Ngân nói.

Kể từ Quốc hội khóa XI (đầu những năm 2000), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã quyết định “mở cửa” để phóng viên báo chí tham dự, đưa tin nội dung các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khi được hỏi về quyết định này, ông An đáp: “Đã là đại biểu của dân thì chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Tôi quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu báo chí đưa tin sai thì xử lý theo pháp luật, còn nếu đại biểu phát biểu thiếu chuẩn mực bị đưa lên thì khó có thể trách báo chí”.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn