Báo cáo tài chính Giầy Thượng Đình bị Kiểm toán ‘từ chối đưa ra ý kiến’: Tổng giám đốc Giầy Thượng Đình nói gì?

Kinh tếThứ Bảy, 07/04/2018 11:00:00 +07:00

Tổng giám đốc Giầy Thượng Đình, ông Nguyễn Văn Khiêm mới đây có văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, giải trình ý kiến từ chối của kiểm toán tại báo cáo tài chính kiểm toán 2017.

Báo cáo tài chính đã kiểm toán của Công ty cổ phần Giầy Thượng Đình (Giầy Thượng Đình - GTD) đã bị đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán Vaco “từ chối đưa ra ý kiến” do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở kiểm toán.

A11

Giầy Thượng Đình gánh khoản nợ hơn 91 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu giảm hơn 13 tỷ đồng sau gần 1 năm lên sàn. 

Cụ thể, theo Vaco, Giầy Thượng Đình chưa xác định giá thành của thành phẩm nhập kho theo thực tế chi phí phát sinh, một phần chi phí khấu hao và chi phí nhân công chưa được tập hợp đủ trong giá thành theo phương pháp tính của công ty và ghi nhận đủ trong chi phí doanh nghiệp.

Vaco cho biết, không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác định được số liệu cần điều chỉnh liên quan đến tính giá thành thành phẩm nhập kho theo thực tế chi phí phát sinh của công ty cũng như đánh giá đầy đủ ảnh hưởng của các vấn đề nêu trên đến hàng tồn kho, giá vốn, chi phí quản lý doanh nghiệp, phải trả cho người lao động, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính cho năm tài chính 2017 của Giầy Thượng Đình.

Cùng với đó, Giầy Thượng Đình có một số vật tư, thành phẩm chậm luân chuyển tại thời điểm 31/12/2017 với giá trị khoảng 2,4 tỷ đồng (thời điểm 1/1/2017 là 1,3 tỷ đồng), công ty chưa đánh giá dự phòng giảm giá hàng tồn kho này.

“Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm tóa thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Do đó, chúng tôi không thể đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính cho năm tài chính 2017”, Vaco đánh giá.

Giải trình về các ý kiến kiểm toán, ông Nguyễn Văn Khiêm, Tổng giám đốc Giầy Thượng Đình cho biết, với đặc thù sản xuất hàng tiêu dùng là giầy dép thì việc sản xuất phải phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, các đơn hàng mang nhiều màu sắc, cỡ số, kiểu dáng và yêu cầu vật tư. Do việc tập hợp giá thành thực tế chi tiết cho từng đơn hàng sẽ gặp phải khó khăn nhất định từ việc phân tích vật tư theo dãi cỡ đến các chi phí khác như in, thêu, ép… cho mỗi đơn hàng.

“Tuy nhiên, công ty cũng đã có tính giá thành kế hoạch trước khi nhận đơn hàng và triển khai sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả trong tương lai cho mỗi đơn hàng xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Khiêm, trong bản giải trình, cho biết.

Vẫn theo ông Khiêm, do sản xuất mang tính dây chuyền được tổ chức từ khâu đầu đến khâu hoàn thành nên công ty không thể trích khấu hao cho từng công đoạn.

“Với vật tư, thành phẩm chậm luân chuyển thì công ty cũng dang có các biện pháp để tìm kiếm khách hàng tiêu thụ số hàng trên để thu hồi vốn và giảm tồn kho, với hy vọng có thể thúc đẩy bán hàng nội địa trong năm 2018 nên công ty không hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho”, lãnh đạo Giầy Thượng Đình cho hay.

Video: Ngăn chặn xóa vết tích vụ cháy chung cư Carina

Theo báo cáo tài chính, năm 2017, Giầy Thượng Đình báo lỗ hơn 13,6 tỷ đồng, trong khi cùng thời điểm năm trước doanh nghiệp lãi gần 500 triệu đồng. Dù doanh thu và lợi nhuận gộp của Giầy Thượng Đình tăng so năm trước (lần lượt 202,6/ 125,9 tỷ đồng và 30,1/ 23 tỷ đồng) nhưng do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 2 lần (từ 17,1 tỷ đồng lên 38,1 tỷ đồng) nên doanh nghiệp vẫn không có lãi.

Sau gần 1 năm niêm yết trên UPCoM, tổng tài sản của Giầy Thượng Đình đội nón ra đi hơn 15 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm 13 tỷ đồng trong khi nợ phải trả gần như không thay đổi, hiện là 91,7 tỷ đồng (tính tới 31/12/2017).

Hoàng Hưng
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn