Báo cáo Môi trường Hà Nội 2019 sử dụng số liệu 2005?

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 11/10/2019 10:23:00 +07:00

Những số liệu về ô nhiễm môi trường của Hà Nội năm 2019 trong báo cáo gửi Quốc hội được cho là dẫn lại từ năm 2005.

"Mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2…”

Đó là thông tin được nêu rõ trong báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Báo cáo hoàn thành ngày 19/7/2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký. Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/7/2013 điều 14 quy định về quản lý và bảo vệ môi trường.

kk2

Chất lượng không khí những ngày qua nhiều nơi tại Hà Nội ở mức kém. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Cụ thể, nội dung báo cáo cho biết, giai đoạn từ năm 2016-2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định và phê duyệt 32 báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc các loại hình giao thông, hạ tầng khu đô thị, xử lý chất thải và các dự án có sử dụng một phần diện tích nằm trong Vườn quốc gia Ba Vì, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu cho 04 cơ sở, 03 cơ sở sản xuất được Bộ cấp giấy chứng nhận túi nilon thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội. Theo Bộ trưởng Long, hiện Hà Nội có khoảng 18 làng nghề nằm trong danh mục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hàng chục khu công nghiệp, khu chế xuất với diện tích hàng nghìn ha đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, để di dời các cơ sở sản xuất từ khu dân cư, làng nghề còn nhiều bất cập và chưa hiệu quả theo đánh giá của Chính phủ. Hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, đề án để cải thiện môi trường.

Qua đó, thu hút khoảng 8 dự án đầu tư xử lý rác thải, 06 dự án xử lý nước thải sinh hoạt từ nguồn vốn ODA, hợp đồng BT, BOT hoặc theo phương thức xã hội hóa. Tuy nhiên, trước những gì đã đạt được thì tình trạng ô nhiễm tại Thủ đô vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó đặc biệt là về vấn đề: ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn.

Báo cáo nêu rõ: “Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, những con số nghìn hay vài chục nghìn tấn khí thải ra môi trường môi năm trên của Hà Nội lại là con số đã “cũ” tới cả hơn chục năm. Thậm chí, có những báo “đăng trước” tới 14 năm.

Điển hình trong bản tin với tiêu đề “Hà Nội: Ô nhiễm không khí ngày càng nặng” được đăng trên báo Tuổi trẻ online ngày 30/11/2005 có đoạn viết: “Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, mỗi năm thành phố tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 46.000 tấn khí CO từ hơn 400 cơ sở công nghiệp. Đó là chưa kể khói của hơn 100.000 ôtô và trên 1 triệu xe máy…”.

Tương tự, báo điện tử Tiền Phong số ra ngày 22/05/2007 cũng có đoạn ghi rõ: “…Trung bình mỗi năm Hà Nội phải tiếp nhận 80.000 tấn khói bụi, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2”.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn