Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016: Sự cố Formosa không có trong nội dung chính

Thời sựThứ Sáu, 21/07/2017 12:23:00 +07:00

Trong “Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016” do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) công bố, sự cố Formosa không được đưa vào nội dung chính mà thay vào đó chỉ được nhắc đến ở phần phụ chương với vỏn vẹn 2 trang trong tổng số 168 trang của bản báo cáo.

Sức ép môi trường từ các đô thị

Chiều 20/7, tại Hà Nội, Bộ TNMT đã công bố bản “Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016”.

Bản báo cáo tập trung phân tích để làm rõ những vấn đề đặc trưng đối với môi trường đô thị, đó là: Những sức ép chính đối với môi trường đô thị là gì? Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường các đô thị nước ta như thế nào, những vấn đề gì còn nổi cộm nhất đối với môi trường đô thị? Ô nhiễm môi trường đô thị đã có những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội ra sao? Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để bảo vệ môi trường đô thị?

Video: Đô thị hóa đang gây sức ép rất lớn lên môi trường

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 được xây dựng gồm 8 chương và 1 phụ chương. Trong đó Chương 1 giới thiệu tổng quan phát triển đô thị Việt Nam; Chương 2: Môi trường không khí; Chương 3: Môi trường nước; Chương 4: Môi trường đất; Chương 5: Phát sinh và xử lý chất thải rắn; Chương 6: Tác động của ô nhiễm môi trường đô thị; Chương 7: Quản lý môi trường đô thị; Chương 8: Những vấn đề môi trường đô thị nổi cộm và đề xuất giải pháp. Phần phụ chương đề cập đến sự cố môi trường nổi cộm trong năm 2016 và một số bài học kinh nghiệm.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, hiện nay tại các đô thị vẫn còn những vấn đề nổi cộm về môi trường. Đó là vấn đề kiểm soát và xử lý nước thải đô thị. Mức độ gia tăng lượng nước thải tại các đô thị, điển hình là Hà Nội và TP.HCM.

DSC00005

Buổi lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 của Bộ TNMT.

Ở các đô thị khác, sức ép từ nguồn nước thải cũng là vấn đề đặt ra nhiều thách thức. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại các đô thị được xử lý còn rất thấp, mới chỉ đạt 11%, chỉ có 42/787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung. Điều này đã tác động lớn đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận.

Bên cạnh đó là một số vấn đề “nóng” khác như: ô nhiễm bụi luôn ở ngưỡng cao; ô nhiễm môi trường nước tại các sông, hồ, kênh rạch ở nội thị vẫn diễn biến phức tạp; tỷ lệ chất thải rắn được xử lý đúng kỹ thuật và hợp vệ sinh môi trường còn thấp…

Trong thời gian qua, đặc biệt năm 2016 đã xảy ra hàng loạt sự cố ô nhiễm môi trường mà nguyên nhân chính là do công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tốt. Thậm chí có những vụ việc là hành vi cố tình xả thải các chất độc hại của chủ doanh nghiệp ra môi trường.

Thiệt hại từ những vụ việc và sự cố nêu trên không chỉ là về mặt kinh tế, mà còn gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống, các hoạt động phát triển du lịch, gây tâm lý bất ổn cho cộng đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho biết, tất cả các vấn đề trên đã được trình bày, phân tích trong Báo cáo. Trên cơ sở đó, Báo cáo đã đưa ra các giải pháp tổng thể đối với công tác bảo vệ môi trường.

Sự cố Formosa: báo cáo “hời hợt”

Trong “Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016” do Bộ TNMT công bố, sự cố xả thải của Formosa gây ra thảm họa môi trường biển vào tháng 4/2016 đã không được đưa vào nội dung chính mà thay vào đó chỉ được nhắc đến ở phần phụ chương với vỏn vẹn 2 trang trong tổng số 168 trang của bản báo cáo.

Lý giải về điều này, đại diện Bộ TNMT cho biết, do đây là báo cáo về chuyên đề “Môi trường đô thị” nên chỉ tập trung phần lớn các nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về chủ đề này.

Video: Sự cố Formosa được đề cập "hời hợt" trong báo cáo

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết: “Các thông tin về Formosa thì các anh chị cũng đã được nắm được suốt năm vừa qua rồi. Bây giờ điều đáng mừng là cuộc sống đã bắt đầu trở lại ở các tỉnh ven biển miền Trung. Mấy tháng hè vừa qua cũng đã chứng kiến sự tăng nhanh ồ ạt của du lịch từ các vùng biển này. Và dân của các tỉnh hiện nay cũng đang trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, sự cố Formosa đã  gây hậu quả vô cùng lớn”.

Ngoài sự cố Formosa, trong năm 2016, trên phạm vi cả nước cũng đã xảy ra hàng loạt sự cố môi trường khác để lại hậu quả nghiêm trọng đó là: ô nhiễm nước sông Bưởi ở Thanh Hóa do nước thải sản xuất chưa qua xử lý xả ra môi trường, ô nhiễm sông Cẩm Đàn ở Bắc Giang do nước thải khai thác khoáng sản chưa qua xử lý đổ xuống sông, ô nhiễm môi trường do vỡ bể chứa bùn thải chì tại thị trấn Pác Miêu của Cao Bằng, ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp Tằng Lỏong của Lào Cai, ô nhiễm môi trường do vỡ hồ chứa nước và bùn thải khai thác titan tại Bình Thuận.

Đại diện Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, qua hàng loạt sự cố môi trường xảy ra trong thời gian qua, vấn đề kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường hay năng lực phòng ngừa, ứng phó đối với các sự cố môi trường là vấn đề đặt ra cấp thiết và cần được ưu tiên.

Cụ thể, cần phải bắt đầu từ việc giám sát, đánh giá đúng tác động đối với môi trường của các dự án ngay từ khi xây dựng, phê duyệt các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, cho đến việc đầu tư, tăng cường năng lực cho hệ thống giám sát, cảnh báo ô nhiễm và ứng phó với các sự cố dựa trên yêu cầu từ thực tế.

Bộ TNMT sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng những khuyến nghị của Báo cáo, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho các báo cáo chuyên đề vào những năm tiếp theo.

Ngay sau lễ công bố, Báo cáo được gửi tới các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển đất nước một cách bền vững. Đồng thời, Báo cáo cũng được gửi cho các tổ chức chính trị xã hội, các trường đại học, viện nghiên cứu và tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho cộng đồng.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn