Bánh que cay, kẹo đồ chơi: Quà độc hại ở cổng trường

Kinh tếChủ Nhật, 21/11/2010 01:01:00 +07:00

Gần đây, trước các cổng trường bán nhan nhản bánh que cay, "kẹo đồ chơi" đủ màu sắc, thứ trẻ em rất thích trong khi chất lượng chưa được cơ quan nào thẩm định.

Sau khi báo chí phản ánh về việc kẹo mút phát sáng (được gọi là "kẹo ma") có chất gây ung thư được bán tràn lan trên thị trường, các cơ quan chức năng đã rốt ráo vào cuộc và nghiêm cấm bán loại kẹo độc hại này. Sau một thời gian im ắng, gần đây, trên thị trường lại bán nhan nhản bánh que cay, "kẹo đồ chơi", đủ màu sắc chi chít chữ Trung Quốc, là thứ mà trẻ em rất thích. Điều đáng lo ngại, chất lượng của loại bánh, kẹo này ra sao, không cơ quan nào thẩm định, chỉ có các phụ huynh lo lắng bởi trẻ nhỏ rất thích ăn sản phẩm này.


Bánh que cay, kẹo đồ chơi... không nguồn gốc nhan nhản trước cổng trường

Một học sinh vừa mua bánh que cay 
Theo tìm hiểu của PV, bánh que (đặc biệt là bánh que cay - PV), "kẹo đồ chơi" - thứ kẹo có kèm đồ chơi, tranh ảnh siêu nhân - được bày bán nhiều nhất tại các cổng trường. Có những đứa trẻ đã coi đó như quà sáng, quà chiều. Giá một gói bánh que cay, "kẹo đồ chơi" chỉ 2.000 đồng.

Trong vòng 20 phút đứng trước cổng trường Tiểu học Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội), tôi đã bắt gặp hàng chục em học sinh mua loại bánh que cay này.  Chị Hải - một phụ huynh than phiền: "Mấy đứa trẻ nhà tôi mê loại bánh que cay này lắm. Ngày nào chúng cũng đòi mua. Chúng bảo rằng, bánh được tẩm ớt, ăn vừa cay vừa ngon". Theo chị Hải thì trước cổng trường học của con chị có nhiều hàng quán bày bán bánh que cay, "kẹo đồ chơi".

Thấy đứa con học lớp 2 đứng đợi ở cổng trường, trên tay cầm gói kẹo có bao bì khá bắt mắt, chị Quế Lâm, ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cảnh giác cầm lên xem xét kỹ. Bao bì in hình một cậu bé giống trong phim hoạt hình mà con trai chị vẫn gọi là "Ben -then". Chị chỉ đọc được duy nhất chữ "Ben 10", còn lại đều là chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, không thấy ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng. Biết đây là kẹo  không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chị Lâm yêu cầu con bỏ đi nhưng thằng bé tỏ ra rất tiếc. Nó rơm rớm nước mắt: "Gần đủ bộ sưu tập ảnh của con rồi!".

Chúng tôi qua trường Tiểu học Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có khá nhiều hàng bán loại bánh que cay, "kẹo đồ chơi". Hàng chị Thu "béo", bán mấy thứ đồ chơi và loại bánh kẹo này. Tôi hỏi: "Sao chị toàn bán bánh kẹo không rõ nguồn gốc thế?". Chị này trả lời: "Họ đưa hàng thì tôi bán. Chỉ toàn bánh, kẹo này thôi. Bọn trẻ thích lắm, ngày nào chị cũng bán được 40-50 gói”.

Bánh que cay được bày bán toàn chữ Trung Quốc 

Theo ghi nhận của PV, tại các chợ Đồng Xuân, Thành Công chợ Mơ, Trương Định... bánh que cay, "kẹo đồ chơi"  được bày bán khá công khai, với giá từ 1.500 đồng - 2.000đồng/gói.Chủ một sạp hàng trong chợ Trương Định giới thiệu hàng loạt mẫu "kẹo đồ chơi" có gắn nhãn sơ sài in chữ Trung Quốc. Ngoài ra, không có thông tin nào khác về xuất xứ hay thành phần kẹo. Nghe chủ hàng nói: Loại "kẹo đồ chơi" ăn như kẹo cao su trong nước sản xuất. Khi hỏi về tính độc hại của loại kẹo này, chủ sạp hàng trả lời tỉnh bơ: "Tôi chưa nghe ai nói kẹo này có hại. Mà có ai cấm đâu?". Theo tìm hiểu của PV, loại kẹo này được các cửa hàng bán lẻ lấy vào với giá  500-800 đồng/gói. Thế nhưng khi bán đến các em nhỏ thường gấp đôi, gấp ba.

Chúng tôi mua 10 gói bánh que cay với giá 20.000 đồng, 5 gói "kẹo đồ chơi" mong tìm ra những thông tin đáng tin cậy về loại bánh này này. Thế nhưng, ngoài vỏ không có ngày sản xuất, không ghi hạn sử dụng, không có một thông tin nào khẳng định cho chất lượng để người tiêu dùng yên tâm. Khi bóc những gói bánh ra, bánh bị chảy nước, gia vị, bột ớt - thứ được tẩm ở bánh que cay dính keo vào nhau. Nếm thử, toàn vị cay của ớt. Kiểm tra bằng giác quan thôi, chúng tôi đã thấy những gói bánh này không đảm bảo an toàn: "Kẹo đồ chơi" được đựng trong bao bì sặc sỡ có một chiếc kẹo và kèm theo đó là một món đồ chơi, có khi là đồ chơi ghép hình, có khi chỉ là những hình ảnh siêu nhân khiến trẻ rất thích.

Ít nhất là gây hại đường ruột

Nhận định về khả năng gây độc của loại bánh que cay (thực chất là tẩm bột ớt - PV), một chuyên viên Viện Dinh dưỡng cho rằng, sản phẩm không rõ nguồn gốc lại bị chảy nước dùng không đảm bảo. Để có thể nhận định chính xác thì cần phải phân tích mẫu một cách chi tiết. Nhưng dù có hóa chất độc hay không, thì loại bánh que cay, "kẹo đồ chơi" không rõ nguồn gốc vẫn được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ em vì có thể gây nguy hiểm.

BS. Gia Khánh - Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, chưa biết cụ thể bánh que cay được tẩm ướp chất gì nhưng chỉ vị cay thôi cũng không tốt cho trẻ, vì hệ tiêu háo của trẻ còn kém. Trẻ dùng loại bánh này thường xuyên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đường ruột.       

Tịch thu, tiêu hủy hàng không nhãn mác, nguồn gốc

Trao đổi với PV báo ĐS &PL, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Sau khi kẹo mút phát sáng bị phát hiện có chất gây ung thư, ngành Y tế và Quản lý thị trường đã đi kiểm tra, thu hồi rất quyết liệt. Theo như báo phản ánh việc các cửa hàng bán thực phẩm nhập khẩu không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tem phụ bằng tiếng Việt  là vi phạm Nghị Định số 89 của Chính phủ. Những trường hợp này nếu bị phát hiện hàng hóa phải tịch thu tiêu hủy và bị xử lý nghiêm. Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin mà báo phản ánh.


Theo Đời sống&Pháp luật

Bình luận
vtcnews.vn