Bánh da lợn, bánh tiêu, cháo quẩy... chu du sang "Tây"

Kinh tếThứ Ba, 04/05/2010 02:50:00 +07:00

Sau khoai, chuối, bắp... đến lượt những món bánh bình dân của miền Tây Nam bộ vừa được các nhà nhập khẩu châu Âu đặt hàng số lượng không hạn chế.

Sau khoai, chuối, bắp... đến lượt những món bánh bình dân của miền Tây Nam bộ vừa được các nhà nhập khẩu châu Âu đặt hàng số lượng không hạn chế để cung cấp cho thực khách gốc Á châu.


Những ngày cuối tháng 4/2010, Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Long Uyên (khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang) tất bật chuẩn bị sản xuất lô hàng 20 tấn bánh da lợn, bánh ít lá gai, bánh dừa, bánh bò, bánh tiêu, cháo quẩy... đông lạnh, đóng container giao cho các nhà nhập khẩu, phân phối ở châu Âu.

Món bánh da lợn này sẽ chu du sang trời Tây.  
Ông Phan Quốc Nam, giám đốc công ty Long Uyên, cho biết trước đây công ty đã từng xuất khẩu khoai môn, khoai mì, bắp, chuối nướng, chuối luộc... đông lạnh sang thị trường châu Âu, Mỹ nhưng đây là lần đầu tiên nhận đơn đặt hàng cung ứng nhiều món bánh dân dã.

Ông Nam kể, năm 2009, qua mạng Internet và thông tin của bạn bè, thân hữu, khách hàng sống ở nước ngoài, ông phát hiện nhu cầu được thưởng thức những món bánh bình dân của nhiều Việt kiều gốc Nam bộ đang sinh sống ở các quốc gia châu Âu. Trong năm 2009, công ty Long Uyên tổ chức nhiều đợt chào hàng đến các nhà nhập khẩu, phân phối ở châu Âu.

Điều làm Long Uyên bất ngờ là các nhà nhập khẩu cho biết những món bánh này không chỉ phục vụ riêng Việt kiều mà rất nhiều khách hàng là người gốc châu Á, kể cả dân châu Âu, cũng ưa chuộng. Đầu năm 2010 đơn đặt hàng đầu tiên của hai nhà nhập khẩu ở châu Âu đến Việt Nam với số lượng 20 tấn bánh các loại (hai container) và phía khách hàng cho biết đây là các mặt hàng họ sẽ nhập khẩu thường xuyên vì nhu cầu tiêu thụ ở các nhà hàng, siêu thị rất cao, dù tất cả đều phải qua công đoạn cấp đông.

Nhưng khi sản xuất với số lượng lớn, phải bảo đảm tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu, là chuyện không dễ. Ông Nam kể, hàng tháng trời ông phải lùng sục vào tận các lò sản xuất bánh thủ công ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ... để tìm cho bằng được những người làm bánh có chất lượng.

“Hiện nay các nhà nhập khẩu châu Âu đang đề nghị chúng tôi tiếp tục sản xuất, cung ứng thêm một số mặt hàng thực phẩm ăn liền đặc sản, bình dân của vùng sông nước Nam bộ vì nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Đây là cơ hội để nhiều món quà quê bình dị của Việt Nam bước ra thị trường thế giới”, ông Nam tự hào nói.






Theo VnEconomy

Bạn có chia sẻ về những dự định trong tương lai hay có những cảm nhận gì về cách mà các doanh nhân Việt lăn lộn để tìm đường cho các món ăn dân tộc xuất khẩu sang trời Tây? Hãy gửi chia sẻ của bạn cho chúng tôi. Trân trọng cám ơn!

Bình luận
vtcnews.vn