Bangkok chìm trong khói bụi, dân đau mắt, ho cả ngày khi ra đường

Thế giớiThứ Ba, 01/10/2019 17:21:00 +07:00

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khuyến cáo người dân Bangkok đeo khẩu trang ra đường khi thủ đô của Thái Lan chìm trong sương mù do ô nhiễm không khí.

Trong dòng thông báo đăng trên Facebook hôm 30/9, Thủ tướng Prayuth cảnh báo nồng độ bụi mịn nhỏ (PM2.5) trong không khí chạm ngưỡng nguy hiểm và cho biết ông đã lệnh cho các cơ quan chính phủ đẩy nhanh các biện pháp chống ô nhiễm. Ông cũng yêu cầu các ngành xây dựng và sản xuất giảm thiểu giải phóng chất gây ô nhiễm ra môi trường. 

Theo dự báo, độ che phủ của sương mù vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong những ngày tới ở Bangkok. 

Theo ông Pralong Damrongthai, người đứng đầu Cục Kiểm soát Ô nhiễm của Thái Lan, vấn đề của Bangkok hiện nay là độ ẩm cao, không khí bị nhiễm bụi mịn từ khí thải xe cộ, công trường xây dựng và các chất gây ô nhiễm khác. 

thai lan

Thái Lan chìm trong sương mù. (Ảnh: CNA) 

Mức an toàn với không khí mà chính phủ Thái Lan đặt ra là nồng độ của bụi mịn không vượt quá 50 microgram/m3. Tuy nhiên vào ngày 30/9, chỉ số ở nhiều khu vực tại Bangkok tăng lên mốc 79 microgram/m3.

Các hạt PM2.5 đủ nhỏ để len lỏi vào phổi, xâm nhập vào máu gây ra các vấn đề về hô hấp và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và ung thư.

Đây là lần thứ 2 trong năm nay chỉ số ô nhiễm môi trường ở Bangkok tăng lên mức báo động kể từ tháng 1. 

Khi Bangkok chìm trong ô nhiễm, nhiều người dân tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của mình. 

"Người người bạn của tôi nói rằng khi họ tới văn phòng, nước mũi của họ chảy ròng ròng, mắt thì đau. Họ ho cả ngày. Mọi chuyện không còn bình thường nữa", Piyavathara Natthadana, một nhân viên văn phòng cho hay. 

"Chúng tôi không thể làm gì nhiều. Chúng tôi phải theo dõi tin tức và bảo vệ chính mình", Chakrapong Sanguanjit, một cư dân Bangkok khác cho biết. 

Một số nhà môi trường đổ lỗi cho chính phủ vì không hành động đủ nhanh mặc dù nhận thức rõ về vấn đề.

"Nguyên nhân của vấn đề là như nhau. Các nguồn gây ô nhiễm là như nhau. Nhưng các biện pháp kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm vẫn chưa được thực hiện vì họ nói rằng cần có thời gian", Tara Buakamsri thuộc nhóm môi trường Greenpeace nói.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn