Bán vốn lịch sử Sabeco thu gần 110.000 tỷ đồng: Đừng lo mất vốn, mất thương hiệu

Kinh tếThứ Ba, 19/12/2017 11:18:00 +07:00

Cổ phần của Bia Sài Gòn (Sabeco) chính thức được bán với số tiền lên đến gần 110.000 tỷ đồng vào những ngày cuối cùng của năm 2017

Chính thức thu về 110.000 tỷ đồng

Tối qua (18/12), Bộ Công Thương thông báo kết quả tổ chức bán đấu giá cạnh tranh 343,66 triệu cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 53,59% vốn điều lệ.

Phiên đấu giá diễn ra đầu giờ chiều với hai nhà đầu tư gồm một cá nhân và một tổ chức. Cuối cùng, đa số cổ phần chào bán của Sabeco đã thuộc về Beverage Việt Nam.

Cụ thể, tổng số lượng cổ phần chào bán cạnh tranh là 343.662.587 cổ phần; với mệnh giá: 10.000 đồng/cổ phần; giá khởi điểm chào bán: 320.000 đồng/cổ phần. Chốt phiên, tổng khối lượng đăng ký mua: 343.682.587 cổ phần.

Trong đó, khối lượng đặt mua cao nhất: 343.662.587 cổ phần và khối lượng đặt mua thấp nhất: 20.000 cổ phần; giá đặt mua thành công cao nhất: 320.500 đồng/cổ phần; Giá đặt mua thành công thấp nhất: 320.000 đồng/cổ phần; Giá đặt mua thành công bình quân: 320.000 đồng/cổ phần.

Bán vốn lịch sử Sabeco thu gần 110 nghìn tỷ đồng: Đừng lo mất vốn, mất thương hiệu - ảnh 1

Cổ phần Sabeco đã chính thức được bán với số tiền lên đến gần 110.000 tỷ đồng (Nguồn: Internet) 

Phiên đấu giá diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM với hai nhà đầu tư tham gia gồm một tổ chức là Công ty TNHH Vietnam Beverage đặt mua 343.662.587 và một cá nhân là ông Ngô Vinh Hiển mua 20.000 cổ phần.

Kết thúc phiên giao dịch, tổng số cổ phần chào giá cạnh tranh bán được: 343.662.587 cổ phần và tổng giá trị cổ phần chào giá cạnh tranh bán được: 109.976.037.840.000 đồng.

Trước đó, theo thông báo của Bộ Công Thương, tính đến 16h ngày 17/12, có 2 hồ sơ đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với tổng số lượng 343,682 triệu cổ phần, vượt lượng đăng ký chào bán của Bộ Công Thương 20.000 cổ phần. Trong đó, 1 cá nhân đăng ký mua 20.000 cp và 1 tổ chức đăng ký mua trọn lô 343,66 triệu cp (53,59% vốn Sabeco).

Chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ

Nhớ lại ngày cuối cùng của tháng 8/2016, tại buổi họp báo thường kỳ, đề cập đến vấn đề thoái vốn Nhà nước, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã dẫn lời Thủ tướng nói: "Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những lĩnh vực đó Chính phủ và ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm, còn Nhà nước dành tiền đầu tư những dự án then chốt, có sự quyết định tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước”.

Bán vốn lịch sử Sabeco thu gần 110 nghìn tỷ đồng: Đừng lo mất vốn, mất thương hiệu - ảnh 2

 Chiều 29/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành về chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco); chủ trương bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 công ty, trong đó có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). 

Và theo chỉ đạo của Thủ tướng, Habeco và Sabeco phải niêm yết và bán cho các nhà đầu tư theo phương án đấu giá trên thị trường chứng khoán, không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.

Dựa trên tư vấn để đưa ra một giá khởi điểm đấu thầu công khai, minh bạch với sự giám sát của người dân. Chỉ cần làm sao vẫn giữ được thương hiệu, làm sao thu được lợi ích cao nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước để cho thấy rằng đồng tiền được sử dụng hiệu quả, minh bạch và người dân được hưởng lợi nhiều nhất.

Được Thủ tướng Chính phủ giao với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thường xuyên chủ trì các cuộc họp giao ban chỉ đạo các bộ, địa phương đã tích cực, quyết liệt và cẩn trọng trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thoái vốn Nhà nước tại DN.

Phó Thủ tướng luôn có những chỉ đạo mạnh mẽ, “Làm chậm mà chắc, làm đến đâu tốt đến đó, đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước. Làm nhanh mà làm ẩu, sai phạm là rất đáng phê phán”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiên quyết, đồng thời cho biết, Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp DN CPH và thoái vốn DN theo Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về sắp xếp, đổi mới DNNN.

Trước thông điệp này, một số chuyên gia về lĩnh vực chứng khoán đã bày tỏ vui mừng chia sẻ rằng “Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo tuyệt vời đối với việc bán cổ phần Nhà nước ở những công ty hàng đầu như Vinamilk, Sabeco, Habeco...”.

Theo đó, tất cả các công ty sẽ phải niêm yết và bán cho các nhà đầu tư theo phương án đấu giá trên thị trường chứng khoán, không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài. Chỉ đạo của Thủ tướng đã giải quyết phần lớn những băn khoăn trước đó về quá trình bán vốn Nhà nước.

Và cũng theo các chuyên gia này, quá trình minh bạch khi niêm yết sẽ giúp công ty tiến hành thoái vốn hiệu quả hơn, nộp thuế cho ngân sách nhiều hơn và phần lãi cổ đông phần Nhà nước còn nắm giữ cũng sẽ cao, đồng thời sẽ xoá bỏ được những cái “bắt tay” của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình bán vốn thông qua việc giới hạn các nhà đầu tư theo ý muốn chủ quan của những người trực tiếp thực hiện.

Bán vốn lịch sử Sabeco thu gần 110 nghìn tỷ đồng: Đừng lo mất vốn, mất thương hiệu - ảnh 3

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thường xuyên chủ trì cuộc họp giao ban theo từng tháng để đẩy nhanh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. (Ảnh: VGP/Thành Chung)

Quay lại với thương vụ Sabeco, phiên chào bán có thể không phải là cuộc so găng quá căng thẳng và quyết liệt nhưng kết quả bán được cổ phần với mức giá 320.000/cổ phần đã là một thành công lớn của Chính phủ và Bộ Công Thương.

Trước đó, để việc bán vốn Nhà nước tại Sabeco mang lại hiệu quả cao nhất, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng như Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thực hiện việc giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình giao dịch mã cổ phiếu Sabeco trên thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo công khai, minh bạch.

Điều này càng cho thấy chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương là đi đúng hướng với thông điệp “bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước, chống tiêu cực và lợi ích nhóm; đúng quy luật thị trường, hiệu quả, ổn định thị trường chứng khoán; theo giá thị trường”.

Trước đó, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) cũng từng chia sẻ với báo giới rằng, tinh thần – sự quyết liệt của Thủ tướng cũng như hành động cụ thể, cứng rắn từ các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp có liên quan sẽ làm quá trình CPH, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước diễn ra nhanh, mạnh, hiệu quả hơn.

Hay nói cách khác, ngoại trừ những lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, quá trình tư nhân hóa sẽ cần được giải quyết triệt để, thì nền kinh tế mới tìm thấy động lực để phát triển mạnh mẽ.

Nhà nước vẫn giữ 36% cổ phần, có quyền phủ quyết

Với việc thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Sabeco nhiều khả năng sau này, Chủ tịch Sabeco sẽ do người Thái Lan chỉ định, Tổng giám đốc Sabeco do Bộ Công Thương chỉ định (đại diện sở hữu vốn 36%). Sau thương vụ này Nhà nước vẫn giữ được 36% cổ phần tại Sabeco.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi sở hữu tới 36% cổ phần, tức là sở hữu 1/3 công ty, cổ đông đã bỏ ra một khoản vốn không nhỏ. Luật pháp đã trao cho cổ đông sở hữu tối thiểu 36% tổng số cổ phần phổ thông của một công ty quyền phủ quyết.

Luật sư Trần Viết Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Hà Nội đồng tình với phân tích của các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi không có sự đồng thuận của cổ đông nắm giữ 36% cổ phần, Đại hội cổ đông sẽ không thể thông qua bất kỳ một quyết định nào nằm trong thẩm quyền của ĐHCĐ.

Luật sư Hưng phân tích, việc một số thông tin cho rằng chúng ta đã “mất quyền kiểm soát tại một tổng công ty lớn, kinh doanh hiệu quả như Sabeco”, đó là thông tin không đúng, và không hiểu hết bản chất của cổ phần hóa và không nắm chắc Luật. 

Theo quy định tại khoản 3, Điều 104, Luật Doanh nghiệp, quyết định của ĐHCĐ được thông qua khi được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận.

Đối với một số vấn đề như tăng vốn; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất thì phải được ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận. Quy định này đã gián tiếp trao quyền phủ quyết nhiều vấn đề cho cổ đông sở hữu tối thiểu 26% và 36% cổ phần phổ thông của một công ty.

Như vậy, khi cổ đông nắm giữ 26% cổ phần phủ quyết, công ty sẽ không thể thông qua một số vấn đề quan trọng như tăng vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty…Còn khi không có sự đồng thuận của cổ đông nắm giữ 36% cổ phần, ĐHCĐ sẽ không thể thông qua bất kỳ một quyết định nào nằm trong thẩm quyền của ĐHCĐ.

Theo các chuyên gia kinh tế phân tích, Sabeco là thương hiệu lớn tầm cỡ quốc tế, làm ăn hiệu quả, khi một nhà đầu tư đã bỏ tới 5 tỷ USD mua là họ mua thương hiệu, mua thị phần mà Sabeco đang có chứ không phải mua cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà máy...

Tỷ phú Thái đã đầu tư tài chính vào mua thương hiệu này sẽ làm cho thương hiệu ngày vươn xa ra quốc tế hơn nữa, chứ không có chuyện thay đổi thương hiệu hay làm nó càng yếu đi hoặc xóa tên Sabeco khỏi thị trường. Vì thế, đừng suy nghĩ theo hướng mất thương hiệu Sabeco hay là mất thương hiệu bia Việt. 

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, tư duy về giữ thương hiệu chủ yếu tồn tại ở các nước châu Á và đã lỗi thời. Không nên quá đặt nặng vấn đề giữ thương hiệu Việt cho người Việt mà quan trọng là hiệu quả kinh tế và đóng góp gì cho sự phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Về bản chất, quan niệm chung trên thế giới cho rằng DN là tài sản để kinh doanh, kiếm lời. Vì vậy, nên nhìn đúng bản chất của thị trường. 

Việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp nội là bình thường, quan trọng là làm sao để người tiêu dùng hưởng lợi nhiều nhất. Nên bỏ tư duy bán đi là mất hoặc thâu tóm sẽ giành thế độc quyền bởi nếu có môi trường tốt thì sẽ xuất hiện nhiều công ty cạnh tranh và tạo nên nền kinh tế thị trường đa dạng.

Cũng nhìn nhận không nên suy nghĩ nhỏ hẹp trong phạm vi đất nước Việt Nam, trả lời báo chí chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết kinh tế toàn cầu không đặt vấn đề thương hiệu quốc gia nữa mà là thương hiệu quốc gia ở tầm quốc tế. Ngay cả chiến lược thương hiệu quốc gia lấy tiêu chí chọn sản phẩm để đưa vào thương hiệu quốc gia cũng còn thiếu một tiêu chí, đó phải là thương hiệu có tầm đi ra thế giới.

Video: Hàng vạn người đổ xô đi uống bia miễn phí ở Hà Nội

Theo ông Võ Văn Quang, trường hợp DN Thái làm chủ hoàn toàn một DN Việt thì thương hiệu đó vẫn là thương hiệu Việt, cơ chế tài chính vẫn giữ và đa cổ đông, thị trường tiêu thụ chính vẫn là Việt Nam. Thương hiệu có sức sống riêng, việc giữ hay xóa bỏ một thương hiệu sau mua bán sáp nhập không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ DN mà căn cứ vào phản ứng của người tiêu dùng, người tiêu dùng còn ưa chuộng thì sẽ còn sống. 

“Lấy ví dụ về thương hiệu bia Sài Gòn, nếu nhà đầu tư Thái mua được Sabeco, xóa nhãn bia Sài Gòn thì chắc chắn sẽ có DN khác nhảy vào "xí" ngay. Nói cách khác, bia Sài Gòn còn gắn với tâm thức của người tiêu dùng, kể được những câu chuyện liên quan đến họ thì sẽ không bao giờ chết" - ông Võ Văn Quang nói.

Cũng chia sẻ với báo chí, Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng những công ty nhà nước đang và sẽ cổ phần hóa chưa phải là công ty có thương hiệu quốc gia mà chỉ mới nổi tiếng trong lãnh thổ Việt Nam, chưa xây dựng được thương hiệu ra bên ngoài. 

Hy vọng sau khi thoái vốn, với sự trợ giúp lớn hơn về vốn, công nghệ, quản trị, chiến lược từ những nhà đầu tư ngoại, Vinamilk hay Sabeco sẽ vươn ra đấu trường quốc tế mạnh mẽ hơn.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, quyết tâm luôn phải đi cùng hành động cụ thể, nếu ở trên “sôi sục”, mà ở dưới vẫn “dửng dưng” thì hiệu quả công tác cổ phần hóa chỉ đạt được mặt “hình thức”. Và điều quan trọng nhất là hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp hậu CPH, thoái vốn phải được nâng cao./.

(Nguồn: Tổ Quốc)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn