Bạn trẻ hào hứng 'Thả cá đừng thả túi nilông'

Giáo dụcThứ Năm, 23/01/2014 12:06:00 +07:00

Với những tấm biển “Thả cá đừng thả túi nilông” được trang trí thân thiện các tình nguyện viên hội tình nguyện Thắp lửa trái tim có mặt tại nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội để làm “nhiệm vụ đặc biệt” ngày ông Công, ông Táo lên trời.

Với những tấm biển “Thả cá đừng thả túi nilông” được trang trí thân thiện trong chiến dịch “Đường Táo quân”, các tình nguyện viên hội tình nguyện Thắp lửa trái tim có mặt tại nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội để làm “nhiệm vụ đặc biệt” ngày ông Công, ông Táo lên trời.

Đừng thả nilông

Bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp, chiến dịch “Đường Táo quân” có 120 tình nguyện tham gia. Chiến dịch “Đường Táo quân” thực hiện tại các điểm cầu Long Biên (quận Long Biên), hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), hồ Đen và hồ Trắng (quận Hà Đông)… Đây là những điểm “đen” về lượng rác thải nilông, tro hóa của đồ thờ cúng vào ngày ông Công, ông Táo hằng năm.

Thông điệp của các tình nguyện viên trên cầu Long Biên (Hà Nội). 

Tại các điểm này, các thành viên của “Đường Táo quân” được bố trí với cự ly ngắn để tiện cho việc quan sát và hỗ trợ người dân thả cá không thả túi nilông; thu gom và phân loại đồ thờ cúng mà người dân “hóa” thành loại phân hủy được và không phân hủy được.
Tro được các tình nguyện viên tập trung, thả xuống sông; đồ không phân hủy được như gỗ, sành sứ… sẽ nhờ công nhân của công ty vệ sinh môi trường chở đi phân hủy. 
Các tình nguyện viên “Đường Táo quân” trên điểm cầu Long Biên. ảnh: Mai Xuân Tùng
Cùng nhiều thành viên đang hoạt động trên cầu Long Biên, Lại Mạnh Cường (một trong thành viên của ban điều hành chiến dịch) cho hay: Cầu Long Biên là một trọng điểm của chiến dịch.
Trong hai ngày 20 và 21/1, hoạt động của chiến dịch nhằm thu hút, tuyên truyền thông điệp về bảo vệ môi trường. Bắt đầu từ ngày 22 và 23/1 khi người dân bắt đầu thả cá, đồ thờ, các tình nguyện viên sẽ hướng dẫn, giúp đỡ người dân thực hiện theo bài bản, giữ vẻ đẹp cảnh quan môi trường tại bờ hồ, các cầu trên sông Hồng.

Trong ngày 23 tháng Chạp, các tình nguyện viên còn có xô để tập trung cá của người dân và xuống gần chân cầu thả giúp. “Việc này không chỉ góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường mà còn đảm bảo cơ hội sống sót cho cá khi được thả xuống sông, thay vì thả từ trên cao”, Hoàng Thị Thương (ĐH Y Hà Nội), thành viên chiến dịch chia sẻ.

Lẫn lộn vui - Buồn

Để chuẩn bị cho chiến dịch, các thành viên trong ban điều hành đã lên kế hoạch từ hơn hai tháng trước, từ việc chuẩn bị hình ảnh, làm biển đến việc tuyển tình nguyện viên. Cả nhóm cũng đã có những buổi gặp mặt để tập huấn các tình huống và kỹ năng truyền đạt, thuyết phục…  

Các thành viên đang đi học, đi làm và ở cách xa nhau. Phương tiện di chuyển chủ yếu của các thành viên là xe buýt và đi bộ. Nhiều thành viên là sinh viên như Hoàng Thị Thương, Hồng Vi đều một buổi đi học, một buổi tham gia.

Với những người đi làm, như Mạnh Cường thì xin nghỉ phép. “Mình hiện làm ở công ty chuyên về IT. Để tham gia tình nguyện trong hai ngày 22, 23/1 mình đã lên kế hoạch và xin nghỉ phép trước đó một tuần”, Cường nói.

Trong những ngày hoạt động tình nguyện, các thành viên “Đường Táo quân” đều rất hào hứng và có thêm động lực khi được nhiều người dân chia sẻ, động viên và tin tưởng. Hồng Vi (Sinh viên năm nhất ĐH Kinh tế quốc dân) kể:

“Sáng 22/1 có một anh đã ủng hộ các bạn tình nguyện trên cầu Long Biên hai thùng nước đóng hộp. Anh ấy chỉ nói: “Các bạn làm tình nguyện không phải vì danh lợi nên mình cũng xin không giới thiệu về họ tên”.

Có người dân còn hỏi thời gian làm việc của nhóm để ủng hộ nước uống và nhiều suất cơm trưa; hỗ trợ thùng các-tông để làm biển, ưu tiên in ảnh.

Bình luận
vtcnews.vn