Bản sắc Việt Nam, từ lịch sử đến thương hiệu Tết Việt

Thời sựThứ Hai, 03/02/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Ngày Tết cổ truyền Việt Nam là cả một nền văn hóa, là một di sản cần được UNESCO tôn vinh cũng tương tự như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Thế hệ trẻ học lịch sử nước Việt từ những tài liệu chính sử với những tư liệu tương đối rõ kể từ sau thời Bắc thuộc và rực rỡ của thời Đại Việt, nhưng vẫn còn mù mờ về lịch sử thời Hồng Bàng - Văn Lang dựng nước.

Tuy nhiên những tiến bộ của khoa học ứng dụng vào khảo cổ (như ngành khảo cổ di truyền học ADN) và lịch sử đã từng bước vén màn bí mật với rất nhiều chứng cứ. Chỉ trong 10 năm qua khoa học đã làm thay đổi nhận thức của giới nghiên cứu khắp thế giới về nền văn minh Lạc Việt và ngày càng làm sáng tỏ lịch sử gần 5.000 năm của nước Việt.

tết âm lịch, tết truyền thống, tết dương lịch, thuyết âm dương, ngũ hành
Tín ngưỡng thờ Vua Hùng

Các bộ Ngọc Phả đều cho thấy có đến 18 thời Vua Hùng thay cho 18 "đời" Vua Hùng. Việt Nam là dân tộc duy nhất trên thế giới duy trì tục thờ Vua Tổ như một tín ngưỡng đối với mọi người dân. Và chính đều này làm nên sức mạnh Việt Nam rất cần được phát huy và thế giới tôn vinh.

Thực tế, cuối năm 2012, UNESCO bước đầu đã công nhận di sản văn hoá nhân loại đối với tín ngưỡng thờ Vua Hùng và trước đó là Lễ hội Thánh Gióng, như một sự công nhận những di sản giá trị của nền văn hiến trên 4.000 năm của Việt Tộc.

Mạch lịch sử Văn Lang thật sự tiếp diễn với sự "sáp nhập" giữa Nam Việt (Triệu Đà) và Âu Lạc cho nên đến thời Hai Bà Trưng (hay Vua Bà, theo cách gọi của vùng Lưỡng Quảng, Lĩnh Nam, Bách Việt) bằng chứng lịch sử là có đến 65 thành trì hưởng ứng khởi nghĩa Hai Bà khắp các vùng của Âu Lạc và Nam Việt xưa.

Hai sử gia tiền bối lỗi lạc là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên đã có lời ca ngợi Hai Bà Trưng trong sách Đại Việt sử ký toàn thư (ngoại kỷ, quyển 3) như sau: “Trưng Trắc và Trưng Nhị là đàn bà, vậy mà hô một tiếng, các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều nhất tề hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, xem thế cũng đủ biết hình thế nước Việt ta có thể dựng nghiệp bá vương được…”
(Lời của Lê Văn Hưu, sách đã dẫn).

Bằng chứng sử học của thời đại Lĩnh Nam - Hai Bà Trưng khẳng định mạch nguồn lịch sử hùng vĩ của Văn Lang. Với Trưng Trắc và Trưng Nhị là dậu duệ của một thời đại Hùng Vương kỳ vỹ.
 
Khuynh hướng đơn giản hoá lịch sử và văn minh gốc của dân tộc là hiện tượng tiêu cực trong một bộ phận trí thức. Tuy nhiên với sư tiến bộ của khoa học và các phương pháp nghiên cứu khảo cổ càng ngày người ta càng tìm thấy nhiều bằng chứng làm rõ những ý nghĩa của những truyền thuyết và cổ sử nước nhà. Những mạch nguồn lịch sử và minh triết ngày càng sáng tỏ hơn từ Văn hoá Hoà Bình đến Thần Nông và Văn minh Lạc Việt…

Kinh dịch với trung thiên đồ và hệ nhị phân

Có đến 4 lần hội thảo do UNESCO tổ chức tại Trung Quốc bàn về lịch sử của kinh dịch để truy tìm nguồn gốc (hay tác giả) có phải do người Hoa Hạ xây dựng nên hay không, nhưng đều bế tắc. Lý do đáng ngạc nhiên do giới nghiên cứu Việt Nam gần đây đưa ra có rất nhiều bằng chứng cho thấy lý thuyết âm dương ngũ hành là của người Lạc Việt.

Những bằng chứng về âm dương, các quẻ dịch được phát hiện trên trống đồng cách đây 3.000 năm là vật chứng cụ thể; cùng với cả một kho tàng truyền thuyết, ca dao, câu đối, phong tục... đã ăn sâu vào tâm khảm, tiềm thức của người dân Việt.

Giới nghiên cứu Việt Nam gần đây còn phát hiện trung thiên đồ không hề xuất hiện trong hàng nghìn quyển sách ứng dụng Kinh Dịch của Trung Quốc hơn 2.000 năm qua. Lý thuyết nguồn của kinh dịch Trung Hoa đang được nhìn nhận như là một sự thất truyền của Lạc Việt gần 5.000 năm trước, chỉ còn lại Thiên Tiên Bát Quái (phát triển từ Hà Đồ) và Hậu Thiên Bát Quát (phát triển từ Lạc Thư).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người minh định quan điểm mạch nguồn "kể năm hơn bốn nghìn năm" và "Hồng Bàng là Tổ nước ta"… ngầm gửi gắm cho chúng ta quan điểm thống nhất với sách Đại Việt sử ký toàn thư về tổ tiên dân tộc, đặt ra nhiệm vụ cho thế hệ sau này phải chứng minh lịch sử của cha ông, mà trong đó có hệ thống siêu lý thuyết âm dương ngũ hành, tức lý thuyết nguồn của kinh dịch.

Có lẽ một ngày nào đó UNESCO sẽ nghiên cứu theo hướng truy tìm tác giả gốc của kinh dịch xuất phát từ văn minh Lạc Việt, với bộ ba tiên thiên - hậu thiên - trung thiên đồ, như là siêu lý thuyết hợp nhất của các trường phái khoa học mà con người hiện đại đang mơ ước. Sự khai quật lý thuyết nguồn thường mang lại những đột biến tri thức của nhân loại, giống như việc khai triển hệ đến nhi phân trong ngành tin học trong vài thập kỷ gần đây.

Hệ nhị phân của thời đại tin học ngày nay là khởi nguyên từ hệ đến kinh dịch, cùng một nguyên lý (0+0=1, 1+0=1, 0+1=1 và 1+1=0) trong phép âm - dương đó là thái âm - thiếu dương - thiếu âm - thái dương.

Trung thiên đồ là đồ hình "nhân đồ", lý luận chứng minh chặt chẽ và khoa học quan hệ giữa âm dương và ngũ hành, ứng dụng y học là kinh mạch của cơ thể, là gốc của y học phương Đông mà người Việt là người nắm giữ nguyên lý gốc cũng không là điều quá ngạc nhiên.

Ngôn ngữ Việt cổ

Những nghiên cứu bền bỉ của giới sử học đã phát hiện 2 luồng chữ viết, một là chữ Khoa Đẩu là chữ tượng thanh cùng gốc với các ngôn ngữ Đông Nam Á, hai là chữ Giáp Cốt, Kim Văn là chữ tượng hình, hay gọi là chữ Vuông là tiền thân của chữ Nho sau này. Một phát hiện lý thú nữa là chữ Việt cổ vốn có nguồn gốc đa âm, sau này mới biến thành "đơn âm" trong thời Tần Hán.

Người Trung Hoa thời Tần Hán vì vậy phải soạn cả bộ từ điển (Thuyết Văn Giải Tự, Hứa Thuận) để phiên dịch tiếng Việt cổ sang chữ Hán (Hoa Hạ) góp phần hoàn thiện hệ thống chữ viết mà sau này người Việt cũng phải dùng kể từ thời Bắc thuộc.

Chính nguồn gốc đa âm, chữ Việt cổ (và chữ Nôm) đã được các nhà truyền giáo phương Tây (Alexandre de Rhode) xây đựng chữ quốc ngữ ngày nay với những nguyên lý quen thuộc trong tâm thức chúng ta như: ráp vần, nói láy, đảo từ… cũng dựa trên triết học âm dương tạo ra thứ ngôn ngữ theo từng cặp có thể sử dụng nguyên tắc đảo ngược.

Giới nghiên cứu hiện đang có 2 hướng khai quật tiếng Việt cổ, một là chữ khoa đẩu, là chữ khắc trên nhiều bãi đá ở Sa Pa, Hà Giang và gần đây là trên núi Hoàng Liên Sơn. Một trong những người dày công nghiên cứu khai quật và hoàn thiện chữ Khoa Đẩu là nhà giáo Đỗ Văn Xuyền ở Phú Thọ.

Một nhánh khác là khai quật chữ Giáp Cốt và Kim Văn, tiền than của chữ Triện thời trước Tần mà sau đó một phần đóng góp vào chữ Hán kể từ thời lập quốc Tần Hán. Đó là kho thư tịch của các nước nằm trong lịch sử Hồng Bàng, Bách Việt như Kinh Sở, Ba Thục, Nam Việt… Chữ Kim Văn là chữ khắc trên trống đồng và các loại đồ đồng nói chung.
 
Văn minh nông nghiệp

Người Việt là tác giả của văn minh lúa nước đầu tiên từ 15 nghìn năm trước với nền văn hoá Hoà Bình rực rỡ hậu kỳ đồ đá, và tiếp theo đó là quá trình nỗ lực sáng tạo như: luyện kim đúc Đồng; thuần dưỡng nông nghiệp, thảo dược, chăn tằm dệt lụa… khác hẳn với người Hoa Hạ đến từ phía bắc sông Hoàng Hà với bản chất thảo nguyên săn bắt và chiếm hữu với Totem Sói khác với Rồng của Lạc Việt.

Trống đồng là tinh hoa, là bản lịch nông nghiệp vạn niên, là kinh dịch, là biểu trưng và là mật ngữ gửi gắm cho thế hệ sau này.

Nền văn minh nông nghiệp của văn hoá Hoà Bình và Lạc Việt là một quá trình lao động sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm liên tục, cho dù bị chiếm hữu và một phần bị "đồng hoá" trong giai đoạn Hoa Hạ lập quốc, Lạc Việt thiên di và Bắc Thuộc… trải đến hàng nghìn năm nhưng mạch sống của Văn Lang vẫn còn tồn tại và thăng hoa khi có thiên thời - địa lợi - nhân hoà.

Khi mà Việt Nam với diện tích đất nông nghiệp khiêm tốn đang dẫn đầu trong xuất khẩu hàng loạt nông sản (gạo, cà phê, cá basa, hạt điều, cao su cùng nhiều nông sản chế biến…) chúng ta hãy nhớ lời dạy "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" và tri ân tổ tiên đã dày công tích lũy triết lý, tư duy của nền văn minh nông nghiệp, trải qua hàng vạn năm mà trong đó lịch âm dương cùng với rất nhiều bí quyết thâm canh, những quy luật thiên nhiên đời người xưa truyền lại.

Ngày Tết của người Việt là sự thăng hoa của cả một quá trình lao động nông nghiệp, cho dù trong tương lai chúng ta có trở thành một nước "công nghiệp hoá" thì nông nghiệp giá trị cao cũng sẽ chiếm một tỷ trọng rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế và vai trò xã hội tạo nên bản sắc Việt Nam.

Kinh tế học ngày nay đang mở rộng khái niệm, trong đó chúng tôi xin đơn cử kinh tế giá trị mềm, du lịch và dịch vụ, kinh tế sáng tạo… các quốc gia phát triển lớn hay nhỏ đều chú trọng những khái niệm kinh tế tiên tiến: Mỹ, Israel, Singapore, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều phát triển dựa trên sự cân bằng giữa kinh tế truyền thống và bản sắc, và kinh tế giá trị mềm, sáng tạo…

Nền văn minh nông nghiệp Việt Nam là một trong những bản sắc kinh tế Việt Nam sẽ được phát huy và tiếp tục thăng hoa. Ngày nay trên khắp đất nước ta đang xuất hiện nhiều gương "nông dân sáng tạo" và đó là một minh chứng.

Lịch âm dương, Tết Việt và giỗ tổ vua Hùng

Tên của 12 con giáp cũng là "thuần Việt" mà chữ Hán chỉ phiên âm. Bằng chứng bổ sung nữa là việc dùng hình tượng con Thỏ (chữ Thố) cho năm Mão chỉ vì người phương Bắc không tìm thấy con Mèo trong thực tế của họ. Trống đồng cũng được minh định rằng đó là bộ lịch vạn niên do cha ông ta để lại.

Tết cũng được giới nghiên cứu khẳng định là gốc Việt từ xa xưa, chứ không phải là của Trung Quốc như nhận xét của giáo sư Võ Tòng Xuân khi đề xuất ăn Tết cổ truyền theo năm Dương lịch.

Ngày giổ tổ Hùng Vương là một minh chứng về sự thông thái của tổ tiên đối với lịch Việt và kinh dịch. Ngày 10 tháng 3 trong đó tháng 3 âm lịch là tháng thứ 5 theo 12 con giáp là tháng Rồng (Thìn) Lạc Long Quân tính theo: Tý (tháng 11), Sửu (12), Dần (1), Mẹo (2), Thìn (3). Điều này thể hiện rõ trong đồ hình hà đồ trong đó 5/10 cùng thuộc hành thổ nằm giữa bát quái (xem hình dưới).

Tết Việt trải qua hơn 4.000 năm vẫn còn lưu giữ rất nhiều tập tục mang đầy tính minh triết âm dương ngũ hành mang chất bản thể thuần Việt trong dân gian. Đó là tục thờ Ông Táo (bài học về quẻ Ly 2 ông 1 bà, trong Kinh dịch Lạc Việt); bánh chưng bánh dầy (âm dương ngũ hành); tục thờ mâm ngũ quả; xôi ngũ sắc (ngũ hành); ngày giổ tổ Hùng Vương (ngày Rồng thờ Cha, hành Thổ trong kinh dịch); câu đối Tết theo nguyên lý âm dương song đối; cây nêu Tết; trò chơi ném còn (triết lý Nọc Nòng, âm dương); dưa hấu đỏ (An Tiêm), cờ hội ngũ sắc… cùng hàng loạt những phong tục Tết Việt khác còn lưu giữ.

Ngoài ra, không ít những truyền thuyết hay phong tục tương tự ở quốc gia phương Bắc cho thấy tính "thất truyền", tính "dị bản" của họ.
(Âm dương Ngũ hành và Bát quái theo Hà Đồ, quẻ Ly hướng Nam tượng trưng Lửa và lưu truyền bằng Chuyện Ông Táo)
Âm dương ngũ hành và bát quái theo hà đồ, quẻ ly hướng nam tượng trưng cho lửa và lưu truyền bằng chuyện Ông Táo 
Một lời nhắn gửi Giáo sư Võ Tòng Xuân

Ngày Tết cổ truyền vốn có từ thời Hùng Vương dựng nước với tập trung bánh chưng bánh dầy mang đầy minh triết âm dương ngũ hành (Lang Liêu), với dưa hấu đỏ (An Tiêm) cùng cây nêu câu đối... tất cả là thuần Việt chứ không phải của người Trung Hoa sáng tạo ra như lời giáo sư.
Bánh Chưng – một minh triết Âm Dương Ngũ Hành của người Lạc Việt đã có trên 4000 năm, biểu tượng Tết Việt
Bánh chưng – một minh triết âm dương ngũ hành của người Lạc Việt đã có trên 4.000 năm, biểu tượng Tết Việt 
Quá trình hình thành bản sắc và văn minh của một dân tộc là sáng tạo và lưu giữ truyền đời, và càng lâu bền thì càng có giá trị. Người Mỹ chỉ trong lịch sử ngắn ngủi gần 300 năm cũng đã tự hào về ngày Lễ Tạ ơn (quốc lễ) của họ, huống gì là nền văn minh Lạc Việt của chúng ta đã đó mạch sống dẫu có thăng trầm đã trải qua hơn 4.000 năm và được tự hào là văn hiến.

Thực chất âm lịch của cha ông chúng ta được giới nghiên cứu gọi chính xác là âm-dương-lịch đúc kết từ văn minh lúa nước và tín ngưỡng mặt trời (trống đồng), khác với lịch thuần âm của người hồi giáo. Học thuyết âm-dương ngũ-hành bản thân nó đã xem xét yếu tố âm dương hài hoà, đối chứng giữa chu kỳ mặt trăng và mặt trời, giữa việc tính ngày tháng theo trăng, mùa vụ và thiên vận theo năm mặt trời.

Đó là một văn minh lâu đời cần được gìn giữ cho ngàn đời sau, mà tinh hoa của nó là ngày Tết và ngày giỗ tổ Hùng Vương, cùng với văn hoá trầu cau, cưới hỏi, thờ Ông Táo và nhiều mỹ tục khác nữa do cha ông ta để lại.

Một truyền thuyết ngày Tết của người Việt đó là truyền thuyết Ông Táo với chuyện “hai ông một bà” thật ra chính là quẻ ly (gồm 2 hào dương kẹp 1 hào âm ở giữa) là quẻ gốc của người Việt (tượng trưng cho mặt trời, lửa, hướng nam) và được lưu truyền tại Việt Nam dưới hình thức câu chuyện đầy tính nhân văn sau đây:

Truyện kể rằng Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Khi Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao ở đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Linh hồn của ba vị được đưa lên trời. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân.

Người Việt xem cái kiềng 3 chân kê bếp lửa là ba ông đầu rau và có tục thờ Ông Táo với lễ cúng 23 tháng chạp hàng năm.
 
Những truyền thuyết lưu truyền của Trung Hoa có sự tích xem Viêm Đế (tức Thần Nông, là tổ nước Việt trong Đại Việt sử ký toàn thư đã dẫn) mang lửa đến cho dân nên khi chết được thờ làm thần bếp là mang đậm chất sử, còn lại những sự tích khác không mang tính triết lý như truyền thuyết 2 ông 1 bà tức quẻ ly.

Ngày Tết cổ truyền Việt Nam là cả một nền văn hóa, là một di sản cần được UNESCO tôn vinh cũng tương tự như đã làm với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Những ngày Tết là dịp để sum họp gia đình, thế hệ trẻ được dịp học hỏi về truyền thống văn hoá và lịch sử trên 4.000 năm của dân tộc, để khẳng định bản sắc của văn minh Lạc Việt vẫn căng tràn sức sống. Đó là sức mạnh tinh thần Việt Nam, là cơ sở của dân giàu, nước mạnh và văn minh.

Minh triết Lạc Việt, niềm tự hào bản sắc thương hiệu Việt


Lịch sử văn minh Lạc Việt cùng những nguyên lý âm dương ngũ hành và kinh dịch được cha ông truyền lại bằng kho tàng chữ Nôm, ca dao, đồng dao (ù-à ù-ập), trò chơi (trò chơi ăn quan, ném còn), hình ảnh (tranh Đông Hồ), truyền thuyết và những phong tục truyền thống mà trong mỗi câu chuyện tưởng như hoang đường ấy lại ẩn chứa một minh triết Lạc Việt, và một vật chứng cụ thể từ truyện bánh chưng bánh dầy, trầu cau, dưa hấu, Ông Táo, ngày giỗ tổ Hùng Vương, Thánh Gióng…  

Văn minh Hán (Hoa Hạ) trong quá trình giao thoa (hay chiếm hữu) suốt hàng nghìn năm qua thực tế cũng góp phần lưu giữ (điển hình như việc phát triển khoa kinh dịch với 64 quẻ)… nhưng chúng ta phải tỉnh táo nhìn nhận và chứng minh "tác quyền gốc" như là một niềm tự hào thương hiệu Việt. Và nếu như Trung Quốc không chứng minh được họ là tác giả độc hữu của kinh dịch thì chúng ta ít nhất hãy tự hào mình đồng tác giả, một cách khiêm nhường của những di sản kể trên.

Một trong những quan điểm rất cởi mở trong giới sử học ngày nay đó là xem cuộc chiến giữa Nam Việt (Triệu Đà) và Âu Lạc (An Dương Vương) là cuộc nội chiến, đúng như chính sử ghi trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Thì xem như mạch lịch sử của Văn Lang, Bách Việt, Nam Việt và Âu Lạc có một mạch sống liên tục (ít nhất là Văn Hoá).

Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.
Sơn xuyên chi phong vực ký thù,
Nam bắc chi phong tục diệc dị.
Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương.

(Trích Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi)


Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

(Dịch bởi Ngô Tất Tố)
Bình luận
vtcnews.vn