Bản quyền ngoại hạng Anh: Thua trắng MP&Silva, nhà đài Việt Nam còn dám bỏ nghìn tỷ để độc quyền?

Thể thaoThứ Ba, 17/11/2015 04:00:00 +07:00

Tranh mua bản quyền Ngoại hạng Anh: Đúng như BLV Quang Huy từng dự đoán, một đơn vị trung gian là MP&Silva đã giành được bản quyền ngoại hạng Anh tại Việt Nam

(VTC News) - Đúng như BLV Quang Huy từng dự đoán, một đơn vị trung gian là MP&Silva đã giành được bản quyền ngoại hạng Anh tại Việt Nam, và bây giờ cuộc chiến có lẽ mới thực sự bắt đầu.

Không có bất ngờ nào xảy ra trong cuộc đấu thầu
bản quyền Ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam 3 mùa giải 2016-2019. MP&Silva đã trở lại vô cùng mạnh mẽ, sau khi để mất bản quyền vào tay IMG 3 năm về trước.

Họ không chỉ thâu tóm bản quyền ở Việt Nam mà còn sở hữu quyền phát sóng ở 28 quốc gia Đông Á và Đông Nam Á khác, trong đó phải kể đến những thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
 Bản quyền Ngoại hạng Anh tăng giá chóng mặt
Con số cụ thể để sở hữu bản quyền Ngoại hạng Anh ở Việt Nam chưa được chính thức công bố nhưng tại Nhật Bản, thị trường lớn thứ 5 thế giới, số tiền mà MP&Silva bỏ ra khiến rất nhiều người choáng váng. Tập đoàn này không ngần ngại phá két đến 90 triệu USD, gấp đôi số tiền IMG từng chi cách đây 3 năm. 
Căn cứ vào đó, số tiền MP&Silva thực chi ở Việt Nam rất có thể sẽ là 70-80 triệu USD. Với mức chênh lệch từ 6-10 triệu USD theo thông lệ các năm trước, tổng số tiền mà nhà đài Việt Nam cần để mua lại chắc chắn sẽ vượt mức 80 triệu USD. 
80 triệu USD, tương đương 1800 tỷ đồng, là một con số khổng lồ. Dù MP&Silva chưa có thông báo nào gửi tới các đài cũng như đơn vị truyền hình trả tiền nhưng chắc chắn, cuộc chiến đế giành bản quyền Ngoại hạng Anh tại Việt Nam sẽ vô cùng khốc liệt.

Bỏ nghìn tỷ xem Ngoại hạng Anh có đáng?

  • Không
  • Ý kiến khác
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến
Như BLV Quang Huy từng nhận định, cuộc chiến thực sự bây giờ mới bắt đầu, bởi Việt Nam gần như không có cửa cạnh tranh với các đơn vị trung gian trong việc đấu thầu bản quyền Ngoại hạng Anh. Cái giá mà chúng ta chấp nhận chỉ là tăng không quá 20% so với 3 năm trước, trong khi MP&Silva luôn sẵn sàng nâng số tiền lên trên 100%.

Vấn đề hiện tại là làm sao chúng ta mua được bản quyền Ngoại hạng Anh với giá hợp lý nhất có thể, để không tạo tiền lệ xấu cho đợt mua tiếp theo diễn ra vào 3 năm nữa.
Cuộc chiến giành bản quyền ngoại hạng Anh bây giờ mới bắt đầu
Cuộc chiến giành bản quyền ngoại hạng Anh bây giờ mới bắt đầu 
Trong số này, đau đầu nhất là K+. Đơn vị này từng nắm 2 gói độc quyền là trận đấu sớm ngày thứ bảy và cả ngày chủ nhật. Đây là 2 gói được đánh giá là hấp dẫn nhất, giúp K+ có toàn bộ những trận thư hùng hấp dẫn nhất của Premier League.

Để làm được điều ấy, K+ đã phải bỏ ra khoảng 33 triệu USD. Tuy nhiên tình hình kinh tế của K+ chẳng mấy sáng sủa khi họ liên tục thua lỗ trong 3 năm đầu tiên kinh doanh (từ 2010 đến 2013), với số tiền lên đến 1300 tỷ đồng - gần bằng tiền bản quyền Ngoại hạng Anh 3 mùa kế tiếp.

Để hòa vốn, K+ đã nỗ lực tăng số lượng thuê bao và cho đến khi đạt 850.000 người sử dụng vào năm nay, đơn vị này mới công bố là đạt đến điểm hòa vốn. Dĩ nhiên, đây chưa thể là con số cuối cùng. K+ cần phải có thêm thuê bao mới và họ, bằng mọi giá, phải có được bản quyền ngoại hạng Anh.

K+ ở thế không thể dừng lại nhưng thế không có nghĩa là họ sẽ dễ dàng có được bản quyền ngoại hạng Anh. SCTV, VTVcab và thậm chí là cả cái tên mới nổi Viettel cũng đang nhăm nhe nhảy vào cuộc đua đầy tốn kém này.

Quyết tâm của những thách thức dành cho K+ là rất rõ ràng. SCTV vừa độc quyền các giải vô địch của Đức và Italia. VTVcab độc quyền Champions League và Europa League. Còn Viettel từng định nhảy vào cuộc đua với K+ 3 năm trước nhưng vì một số lý do mà họ rút lui vào phút chót.
Cuộc chiến giành bản quyền ngoại hạng Anh tại Việt Nam được dự báo là khốc liệt
Cuộc chiến giành bản quyền ngoại hạng Anh tại Việt Nam được dự báo là khốc liệt 
Với bức tranh tổng thể như vậy, nếu các đài không ngồi lại với nhau, rất có thể viễn cảnh "gà nhà đá nhau" sẽ xảy ra. Chúng ta vừa bị thất thoát ngoại tệ, lại vừa giúp các trung gian nước ngoài có điều kiện đẩy giá bản quyền lên mức bất hợp lý.

Điều này khiến Bộ Thông tin & Truyền thông rất lo ngại. Trước đó, vào ngày 3/11. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã ký Công văn số 3556 về việc mua bản quyền chương trình thể thao gửi Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; các đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền. 

Trong đó, Thứ trưởng nêu rõ cần: “Phát triển bền vững thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, chống độc quyền, nhằm huy động nguồn lực xã hội góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền và đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, ngày càng đa dạng của người dân”.
Khán giả Anh phản đối tăng giá bản quyền Premier League
 Khán giả Anh phản đối tăng giá bản quyền Premier League
Ý kiến của Bộ Thông tin & Truyền thông cũng khẳng định, các đài truyền hình cũng như các đơn vị truyền hình trả tiền cần phối hợp chặt chẽ, chủ động trong đàm phán bản quyền ngoại hạng Anh trên tinh thần không chấp nhận mua bản quyền bằng mọi giá, hạn chế tối đa việc thông qua các đối tác trung gian làm tăng giá bản quyền và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để tránh bị mất kiểm soát, buộc phải chấp nhận những yếu tố bất lợi khi mua bản quyền.

Việc để bản quyền ngoại hạng Anh rơi vào tay MP&Silva đã được dự báo từ trước và cho đến thời điểm này, các đài truyền hình Việt Nam vẫn còn đủ thời gian để ngồi lại và tìm ra phương án tối ưu.

Còn nếu tiếp tục "đơn thương độc mã" dấn thân vào cuộc chiến bản quyền, mọi đơn vị đều có thể vấp phải bài học 6 năm mới tìm được điểm hòa vốn mà K+ từng đối diện.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn