Bản quyền Ngoại hạng Anh: Khán giả Việt Nam nhận phận thiệt thòi

Thể thaoThứ Tư, 20/04/2016 01:44:00 +07:00

Bản quyền Ngoại hạng Anh: Khi MP&Silva, VNPayTV không có dấu hiệu nhượng bộ thì người hâm mộ Việt Nam chưa biết có được xem Ngoại hạng Anh 3 mùa tới hay không.

(VTC News)- Khi MP&Silva, VNPayTV không có dấu hiệu nhượng bộ thì người hâm mộ Việt Nam chưa biết có được xem Ngoại hạng Anh 3 mùa tới hay không.

Thử tìm kiếm từ khóa “bản quyền ngoại hạng Anh” trên google, bạn sẽ thu được 808 000 kết quả, gấp đôi so với “vòng eo 56” của Ngọc Trinh và thậm chí nhiều hơn cả “bầu cử tổng thống mỹ” (hơn 700 000 kết quả).

Một con số thống kê nhỏ nhưng đủ để thấy giải đấu quy tụ những ông lớn như Manchester United, Manchester City hay Arsenal có sức hút thế nào với người hâm mộ Việt Nam. Ra đời từ năm 1992, giải Ngoại hạng Anh đã nhanh chóng vươn lên trở thành giải đấu được hâm mộ nhất hành tinh, với độ phủ sóng rộng rãi đặc biệt là ở khu vực châu Á.
bản quyền Ngoại hạng Anh
Nóng bỏng bản quyền Ngoại hạng Anh
Sức mạnh tài chính khổng lồ, chiến lược marketing hợp lý cộng với lợi thế từ sự phổ biến của tiếng Anh trên toàn thế giới đã giúp giải đấu cao nhất của xứ sở sương mù đánh bật La Liga, Bundesliga hay Serie A để giành vị trí hàng đầu trong lòng người hâm mộ.

Có lẽ EPL là giải đấu duy nhất mà ngay cả các đội bóng tầm trung như Everton hay Stoke City cũng có thể thực hiện các tour du đấu châu Á trong sự chờ đợi của hàng nghìn cổ động viên, chưa nói đến những ông lớn giàu truyền thống như Man Utd hay Liverpool.

Từ mùa giải 1998-1999, giải Ngoại hạng Anh lần đầu tiên được phát sóng trực tiếp tại Việt Nam trên kênh VTV3, và nhanh chóng trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của nhiều thế hệ khán giả truyền hình. Khoảng thời gian hơn 10 năm được theo dõi bóng đá Anh gần như miễn phí thông qua các kênh truyền hình quảng bá đã hình thành thói quen với khán giải Việt Nam.

Chả thế mà khi VSTV xuất hiện vào năm 2010 và độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh trên hệ thống của riêng mình với mức giá được coi là “cắt cổ” vào thời điểm đó (250 000 đồng/tháng, chưa kể chi phí mua đầu thu và lắp đặt ban đầu), một làn sóng phản đối từ phía dư luận đã diễn ra mạnh mẽ, với sự góp mặt của nhiều cơ quan báo chí, các hội cổ động viên, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình và bóng đá.

Fanpage của Hội tẩy chay K+ trên mạng xã hội Facebook từng thu hút hàng chục nghìn “Like” và thậm chí còn lên kế hoạch in áo phản đối K+ hay viết đơn kiến nghị lên Chính phủ.
Ngoại hạng Anh thu hút rất nhiều ngôi sao lớn của bóng đá thế giới
Sau sáu năm, tình thế dường như đã đảo chiều. Trong cuộc khảo sát do một tờ báo điện tử lớn thực hiện vừa qua, 55% độc giả ủng hộ K+ là đơn vị đứng ra đàm phán mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh 3 mùa 2016-2019, trội hơn so với con số 41% ủng hộ VnPayTV.

Chất lượng các chương trình ngày càng được cải thiện, mức giá giảm chỉ còn một nửa (125 000 đồng/tháng) cộng với các biện pháp kiên quyết chống vi phạm bản quyền là những nguyên nhân chính khiến người hâm mộ Việt Nam chuyển từ “tẩy chay” sang “thích nghi” và bây giờ là “ủng hộ” K+.

Trong cuộc tranh cãi kéo dài suốt thời gian qua liên quan đến việc đàm phán mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh giai đoạn 2016-2019 với hai “nhân vật chính” là Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam VNPayTV với K+, có rất nhiều phân tích, lý lẽ đã được đưa ra nhưng dường như lợi ích của đại bộ phận khán giả xem truyền hình chưa được xem xét đúng mức.

Dù ở thời kỳ nào, người dân luôn muốn được xem những chương trình truyền hình hấp dẫn, chất lượng với giá cả hợp lý, trong khi bài toán lợi ích của doanh nghiệp luôn là tăng doanh thu, giảm chi phí.
Các đài tại Việt Nam gặp khó khăn nếu thiếu Ngoại hạng Anh
Liệu thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam có thực sự cạnh tranh lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, đấy lại là câu hỏi dành cho các cơ quan quản lý Nhà nước, mà cụ thể ở đây là Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Công thương (Cục quản lý cạnh tranh).

Có một câu ngạn ngữ cổ rất phổ biến ở phương Tây rằng: “Chiến tranh thế giới cũng không bằng ngón chân cái bị đau”, với hàm ý chỉ ai cũng đều sống vì mình, hành động có lợi cho mình bất kể điều đó quan trọng với người khác như thế nào.

Dường như việc tranh chấp liên quan đến bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam cũng đang diễn ra theo chiều hướng như vậy, khi cả MP&Silva, K+, VNPayTV đều kiên quyết bảo vệ lý lẽ của mình và quả bóng trách nhiệm được đá lên tận cơ quan quản lý cao nhất là Chính phủ.

Nếu nút thắt không được sớm gỡ bỏ, người thiệt nhất chính là những khán giả hâm mộ bóng đá Anh và khách hàng trong số 10 triệu thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn