"Bản nhảy dù” ở Điện Biên

Thời sựThứ Hai, 25/04/2011 11:05:00 +07:00

(VTC News) - Những vườn rau, nương lúa mọc lên trên đất rừng. Hàng trăm ngôi nhà mọc lên giữa đại ngàn...

(VTC News) - Những vườn rau, nương lúa mọc lên trên đất rừng. Hàng trăm ngôi nhà mọc lên giữa đại ngàn. Những cánh rừng xanh tốt biến mất, nhiều cây có tuổi thọ vài chục năm đã bị chặt hạ… Nhưng điều đó cũng không thể làm cho cuộc sống của người di cư đến Mường Nhé - Điện Biên sung túc hơn. Áp lực dân số ngày càng đè nặng lên tài nguyên rừng.

Nhếch nhác “bản nhảy dù”

Ở huyện Mường Nhé, người ta dùng cụm từ “bản nhảy dù” để chỉ bản của người dân di cư tự do. Những nếp nhà tạm bợ được dựng lên giữa rừng Mường Toong, nằm ngay sát tỉnh lộ dẫn vào Mường Nhé trong bộn bề thiếu thốn: thiếu nước sạch, không điện, không thông tin, trẻ con không được chăm lo học hành.

Một góc bản di cư. 

5h chiều, sương mù đã bao phủ khắp cánh rừng Mường Nhé khiến bóng tối dường như đến nhanh hơn. Trong nếp nhà nứa lá xiêu vẹo chừng 10m2, vợ chồng anh Vàng A Páo (chuyển đến “ bản nhảy dù” được gần 2 năm ) đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Hai năm nay, sinh kế của gia đình (2 vợ chồng, 4 đứa con, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ nhất đang ẵm ngửa)  dựa cả vào việc phát nương, làm rẫy, chỗ đất này bạc màu thì lại phá rừng tìm chỗ màu mỡ. Anh Páo cho biết: “Mình bán căn nhà cũ ở Tuần Giáo rồi, lên đây mới có cái ăn, chứ ở dưới đó đói lắm”.


Vợ chồng Vàng A Páo. 

Lý do của anh Páo cũng là lý do chung của 30 hộ dân trong bản này. Năm 2002, huyện Mường Nhé được tách ra từ huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu. Dân số khi đó là 2,7 vạn, đến năm 2010, con số ấy đã tăng lên 5,4 vạn vào năm 2010. Mỗi năm mức tăng bình quân là 3.000 người.


Ông Nguyễn Ngọc Thể - Chi cục Phát triển nông thôn Điện Biên cho biết: “Dân di cư tới Mường Nhé bao gồm cả dân nội tỉnh và ngoại tỉnh. Có 2 con đường  mà dân di cư thường chọn để vào Mường Nhé đó là từ thành phố bắt xe khách rồi băng rừng vào Mường Nhé, con đường thứ 2 là đi qua huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu.  Thường là một người vào trước, chọn địa điểm có thể sinh sống được, tra tỉa một vài loại cây rồi điện về quê quán bán hết đồ đạc để chuyển vào địa bàn đó để sinh sống. Từ 2005 – 2009, số dân di cư mà huyện Mường Nhé trao trả cho tỉnh chỉ là 106 hộ”.

Giáo viên luôn phải “đuổi dạy” theo học sinh di cư .

Theo cơ quan chức năng, đặc điểm phân bố các điểm bản di cư khiến họ khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội và các giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc phổ cập giáo dục. Một tình trạng tồn tại nhiều năm nay ở Mường Nhé là giáo viên luôn phải “đuổi dạy” theo học sinh di cư và luôn vất vả trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học.  


Cô Lê Thị Toan  - giáo viên điểm trường Cà Là Pá chia sẻ: “Bên cạnh những thiếu thốn về cơ sở vật chất thì việc vận động học sinh đi học cũng muôn vàn khó khăn. Vì các em cứ đi học một thời gian xong rồi lại nghỉ đi nương, hoặc chuyển đi nơi này, nơi khác. Bọn em hay mất số lượng học sinh, sỹ số không được duy trì”.

Áp lực lên tài nguyên rừng

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé – huyện Mường Nhé - tỉnh Điện Biên được Hội đồng Bộ trưởng công nhận với diện tích hơn 180.000 ha vào năm 1986. Sau 25 năm, diện tích đã giảm còn 45.000 ha. Rừng mất, đồng nghĩa với nó là môi trường sống của muông thú bị đe dọa. Sự trù phú của những cánh rừng Mường Nhé giờ chỉ còn trong  kí ức của những cán bộ kiểm lâm đã nghỉ hưu.

Ông Lò Văn Phốn. 

“Trước đây thú công nhận là rất nhiều. Đi buổi tối anh em vẫn nhìn thấy con nai, con hoẵng nó chạy. Thế rồi vào những quãng rừng non, nhất là khu vực vượt qua Tà Tổng sang bên mạn bên này là bắt đầu gặp voi rồi, tập trung nhiều nhất là ở khu Tà Hàng – Mường Nhé, chỗ giáp Mường Toong. Voi đi, các bãi đầm nhìn như là cái ao ý. Voi đi, bà con cứ tiện đường đi thôi, không cần phải phá đường. Có voi là có hổ. Hổ đi theo voi, rồi nai hoẵng, rất nhiều”. Ông Lò Văn Phốn, nguyên Hạt trưởng Kiểm lâm huyện cho biết.


Vào những năm 1980, khu vực Mường Nhé còn khoảng 200 con voi, 300 con bò tót, nhiều cá thể hổ và số lượng lớn các loài thú. Hiện nay, 45 loài động vật đã bị ghi tên trong sách đỏ Việt Nam như gấu ngựa, gấu chó, vượn bạc má, công, trăn mốc. Đó là một thực tế minh chứng cho sự suy giảm của cả một vùng rừng rộng lớn hàng trăm nghìn ha.

Người dân vác gỗ về làm nhà. 

Thực trạng rừng bị tàn phá, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé bị đe dọa là hậu quả cho thấy một áp lực đã và đang nóng bỏng ở khu vực này… đó là tình trạng di dân tự do và bài toán sinh kế không bền vững. Nếu như không có những giải pháp ngăn chặn kịp thời thì chẳng mấy chốc cả khu bảo tồn cũng sẽ rỗng ruột.


Hải Đăng
Bình luận
vtcnews.vn