Bán mì chính thừa sau đám cưới con, mẹ vướng vòng lao lý: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Pháp luậtThứ Ba, 22/01/2019 22:55:00 +07:00

Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ bán mì chính giả còn thừa sau đám cưới con, để xác định đúng hành vi phạm tội mà bị cáo Đào Thị Lương đã thực hiện.

Sáng 22/1, HĐXX Tòa án Nhân dân (TAND) Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) quyết định trả hồ sơ vụ bán mì chính giả còn thừa sau đám cưới con để điều tra bổ sung vì có căn cứ cho rằng bị cáo phạm tội khác với tội danh mà Viện kiểm sát truy tố.

Theo đó, cơ quan chức năng cần điều tra bổ sung để xác định tội danh với hành vi mà bị cáo Đào Thị Lương (SN 1961, trú tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã phạm tội.

Trước đó, ngày 21/1, TAND Thị xã Sơn Tây mở lại xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đào Thị Lương về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” quy định tại khoản 1, điều 193, Bộ luật Hình sự 2015 sau 4 tháng tạm hoãn.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Trưởng phòng 4, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho biết, khi tiếp nhận tang vật của vụ án để giám định, quan sát bằng mắt ông nhận thấy không có biểu hiện gì bất thường.

bi-cao-dao-thi-luong-1027464

 Bị cáo Lương tại một phiên xét xử.

Ông Tuấn cũng không nhớ rõ thời gian bàn giao kết luận giám định cho cơ quan điều tra trong ngày 19/12/2016. "Tôi nhớ không nhầm thì ít nhất phải vào cuối giờ chiều", ông Tuấn cho hay.

Trong khi đó, ông Lê Văn Phước, điều tra viên cho biết, do giám định viên không nhớ thời gian nên kết luận giám định được xác định vào đầu giờ chiều.

Trái ngược với khoảng thời gian kết luận giám định của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Hữu Vị (chồng bị cáo Lương) - với tư cách người làm chứng cho biết, thời điểm cơ quan chức năng khám nhà ông không phải là vào ngày 19/12/2016.

“Vì lịch của năm đó, ngày 18/12/2016 chính là ngày 20 âm lịch. Chiều hôm đó, tôi ở nhà và đã ký vào biên bản bắt bà Lương” - ông Vị nói.

Bên cạnh việc ông Vị không hiểu vì sao trong biên bản bắt giữ bị can diễn ra vào ngày 19/12/2016, thì ông còn khó hiểu vì sao không có chữ ký của ông.

Trình bày trước tòa, đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm như cáo trạng đã nêu và đề nghị HĐXX tuyên bị Đào Thị Lương mức án từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Theo đại diện viện kiểm sát, việc điều tra, kết luận giám định khách quan và truy tố là làm đúng thẩm quyền của cơ quan điều tra.

“Viện kiểm sát khẳng định quan điểm của Viện kiểm sát là Đào Thị Lương có tội. Việc Viện kiểm sát truy tố đối với Đào Thị Lương về tội buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm theo quy định tại khoản 1, điều 193, Bộ luật Hình sự 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng pháp luật” - vị này cho hay.

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Tiến Dũng - bào chữa cho bị cáo Đào Thị Lương, cáo trạng truy tố theo khoản 1, điều 193, Bộ luật Hình sự 2015 là không chính xác vì hành vi của bà Lương xảy ra cuối năm 2016. 

"Thời điểm nào áp dụng Bộ luật Hình sự 1999, áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 đã được Quốc hội quy định rất rõ. Nếu hành vi của bà Lương xảy ra sau ngày 1/1/2018 thì mới có đủ dấu hiệu phạm tội buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” - luật sư phân tích.

Bên cạnh đó, luật sư cũng cho rằng cần phân biệt mì chính là thực phẩm hay phụ gia thực phẩm vì đây là căn cứ để xác định hành vi của bà Lương có được Bộ luật Hình sự 1999 quy định là tội phạm hay không?

Luật An toàn thực phẩm 2010 cho biết, thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn uống ở dạng tươi sống. Còn mì chính là điều vị, một trong các chất phụ gia được quy định trong Thông tư số 27/2012/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm.

Luật sư đặt câu hỏi: "Việc hệ thống tư pháp của Thị xã Sơn Tây trong vòng gần 2 năm qua, đã nhiều lần trả hồ sơ, điều tra bổ sung... chỉ với một người nông dân liệu có hợp tình người?".

Luật sư đặt vấn đề và đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Đào Thị Lương không phạm tội như bản cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố.

Cuối phiên tòa, bị cáo Đào Thị Lương nghẹn ngào kể lại, gia đình có mua mì chính về cưới con trai, còn thừa nên cất giữ trong nhà để ăn dần.

Do tiếc của nên bị cáo Lương mang vài gói ra chợ phiên để bán và không biết đó là mì chính giả. Vì vậy, bị cáo mong rằng, HĐXX sẽ xem xét công minh đối với hành vi của bị cáo.

Theo cáo trạng, ngày 18/12/2016, tại cửa hàng của mình ở Chợ Mộc (Minh Quang, Ba Vì), bà Đào Thị Lương bán một số gói mì chính và đồ khô khác cho người phụ nữ tên Hồng, với tổng số tiền 704.000 đồng. Hồng nhờ bà Lương tìm hộ người chở thuê.

Lúc này, Nguyễn Hồng Nhung (con dâu của bà Lương) đến lấy đồ ăn về nấu cơm, nhận lời chở thuê. Thấy vậy, Hồng đã trả trước 500.000 đồng cho bà Lương và hứa sẽ trả nốt số còn lại cùng với 100.000 đồng tiền thuê Nhung chở hàng đến khu vực gốc Mít (Tản Lĩnh, Ba Vì).

Khi Nhung mang hàng tới điểm hẹn trên, thì Hồng lại yêu cầu chở tiếp đến địa điểm tổ 20, phường Xuân Khanh (Thị xã Sơn Tây) và hứa sẽ trả thêm 300.000 đồng tiền công.

Khi chở đến nơi, chị Nhung gặp anh Vũ Thanh Xuân (SN 1972, trú tại phường Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây) - làm nghề xe ôm. Anh này được thuê đến nhận hàng và thanh toán tiền. Khi hai bên đang giao dịch thì bị tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thị xã Sơn Tây phát hiện và bắt giữ.

Khám xét nơi ở của bà Lương, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ thêm 4 gói mỳ chính các loại. Tổng cộng 28 gói mỳ chính nhãn hiệu Ajnomoto, Miwon có tổng khối lượng khoảng 7,4 kg. Cơ quan điều tra đã niêm phong. Qua kiểm tra giám định, toàn bộ số mì chính trên là hàng giả.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn