Bán lẻ Việt năm 2022 sẽ đi theo xu hướng nào để nhanh chóng hồi phục?

Thị trườngThứ Sáu, 03/12/2021 17:25:44 +07:00
(VTC News) -

Xu hướng mới của thị trường bán lẻ Việt Nam hứa hẹn sẽ nhắm vào trải nghiệm của người tiêu dùng tại điểm đến thay vì các chương trình ưu đãi như trước.

Các thủ phủ mua sắm trên thế giới tại Thái Lan, Singapore hay New York, Las Vegas (Mỹ)… đã và đang thực hiện những cuộc “cải cách” khi người tiêu dùng ngày càng đề cao trải nghiệm tại điểm đến thay vì các chương trình ưu đãi như trước. Đây cũng là xu hướng mới của thị trường bán lẻ Việt Nam, nơi các doanh nghiệp đang nỗ lực làm mới mình để đáp ứng nhu cầu giai đoạn mới hậu COVID-19.

Từ cuộc “cải cách” mua sắm tại Thái Lan, Singapore

Nghiên cứu của Công ty tư vấn trải nghiệm khách hàng Walker chỉ ra rằng, trong vài năm tới, trải nghiệm khách hàng sẽ vượt qua giá cả và chất lượng sản phẩm để trở thành yếu tố tiên quyết tác động đến lựa chọn của người tiêu dùng.

Có tới 86% khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để nâng cấp trải nghiệm, trong khi 40% khách hàng chi tiêu mua sắm nhiều hơn khi doanh nghiệp đem đến trải nghiệm tuyệt vời. Điều này đã đem đến những cuộc “cải cách” mua sắm tại nhiều nơi trên thế giới.

Từ những năm đầu tiên của thập niên 2000, những TTTM như Central World hay Siam Paragon nổi lên như một biểu tượng mua sắm của Bangkok, Thái Lan. Thế nhưng sự xuất hiện của Icon Siam vào năm 2018 đã thổi làn gió mới vào thị trường bán lẻ. Nằm bên sông Chao Phraya, Icon Siam thu hút khách mua sắm nhờ những trải nghiệm khó quên với loạt công trình trang trí ấn tượng, những màn trình diễn nhạc nước và ánh sáng lung linh ngay tại ngay trước cửa TTTM.

Bán lẻ Việt năm 2022 sẽ đi theo xu hướng nào để nhanh chóng hồi phục? - 1

Icon Siam đem đến concept thiết kế độc đáo vào không gian bên trong TTTM (Ảnh: S.T).

Không những thế, Icon Siam còn được đông đảo khách hàng tìm đến với tầng ẩm thực SOOK Siam lấy ý tưởng từ văn hóa “chợ nổi” đặc sắc của Thái Lan, mang đến phiên chợ ẩm thực bên sông nhộn nhịp với các sạp đồ ăn dân dã truyền thống. Các nhà hàng cũng được thiết kế theo concept bằng gỗ đặc sắc, thu hút hàng nghìn khách hàng mỗi ngày.

Khác biệt với TTTM tại Thái Lan, TTTM Funan (Singapore) lại đem đến sự đột phá cho thị trường bán lẻ khu vực bằng các ứng dụng công nghệ hiện đại. 7 tầng tại Funan được quy hoạch thành các không gian riêng biệt với 6 chủ đề khác nhau, trong đó, tất cả các hoạt động ẩm thực, vui chơi, mua sắm trong TTTM đều được vận hành thông qua nền tảng công nghệ.

Đơn cử, nhiều màn hình tương tác được lắp đặt tại TTTM để khách hàng dễ dàng tìm kiếm và so sánh các sản phẩm theo sở thích cá nhân, mang đến trải nghiệm shopping kết hợp giữa online và offline độc đáo. Khách hàng muốn tham gia các sự kiện tại đây chỉ cần “một chạm” đăng kí trực tuyến qua màn hình được bố trí sẵn.

Bán lẻ Việt năm 2022 sẽ đi theo xu hướng nào để nhanh chóng hồi phục? - 2

Từ không gian cho tới trải nghiệm đều mang đậm dấu ấn của công nghệ hiện đại (Ảnh: Time Out).

Không chỉ dừng lại là điểm tích hợp mua sắm, ăn uống, vui chơi, các TTTM như Icon Siam (Thái Lan) và Funan (Singapore) đã đem đến cái nhìn hoàn toàn mới cho khách hàng cũng như giới đầu tư bán lẻ về tầm quan trọng của các hoạt động, trải nghiệm trong TTTM.

Đến xu hướng mới hậu COVID-19: Trải nghiệm là “vua”

Không nằm ngoài xu hướng thay đổi của các thị trường bán lẻ trên thế giới, Việt Nam cũng dần chứng kiến sự xuất hiện của các TTTM chú trọng nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, để trở thành điểm đến thu hút không chỉ của người tiêu dùng và khách thuê bán lẻ trong nước mà còn cả quốc tế.

Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, cùng việc GDP bình quân đầu người gần chạm mức 3.000 USD/năm (số liệu thống kê năm 2020) đã kéo theo những yêu cầu ngày một cao của người tiêu dùng. Khảo sát tiêu dùng của Deloitte vào tháng 2/2021 cũng cho thấy, mong muốn của người tiêu dùng Việt là có trải nghiệm mua sắm tốt hơn, thậm chí cần được ưu tiên hơn cả các chương trình khuyến mại lớn.

Theo dự báo của CBRE quý 2/2021, để thích nghi, các mặt bằng bán lẻ có định dạng mới, lạ trên thị trường sẽ được chú ý, làm cơ sở để các nhãn hàng xây dựng cửa hàng phong cách mới tạo dấu ấn riêng cho thương hiệu.  

Có thể kể đến Vincom Mega Mall Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội) với một thiên đường mua sắm bên bờ biển cùng thiết kế “sóng nước” đã mang trải nghiệm chưa từng có cho người Hà Nội. Ngay lập tức nơi đây trở thành thỏi nam châm thu hút gần 100 thương hiệu trong nước và quốc tế cùng hàng vạn lượt khách mua sắm.

Bán lẻ Việt năm 2022 sẽ đi theo xu hướng nào để nhanh chóng hồi phục? - 3

Một ứng cử viên sáng giá khác sắp ra mắt thị trường là Vincom Mega Mall Smart City, được giới chuyên gia đánh giá là điểm sáng của mặt bằng bán lẻ Việt Nam. TTTM này đang được mong chờ bởi thiết kế độc đáo, điển hình là các gian hàng hai bên bờ dòng sông nhân tạo và thác nước công nghệ có một không hai tại khu vực thông tầng, mang đến cho khách hàng không gian trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, phóng khoáng, hấp dẫn hơn so với các mô hình TTTM thông thường.

Đặc biệt, đây còn là TTTM được đánh giá cao khi dự kiến ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hệ thống vận hành quản lý, tiện ích dành cho khách hàng, đem đến những trải nghiệm mua sắm trọn vẹn nhất cho người tiêu dùng.

Theo giới chuyên gia, những TTTM với trải nghiệm khác biệt cùng không gian đáp ứng “mọi nhu cầu tại một điểm đến” sẽ tạo sức hút lớn với cả người dùng và các thương hiệu. Thị trường bán lẻ nhờ thế sẽ nóng lên nhanh chóng sau chuỗi ngày chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn