Bán hàng đa cấp: Hình thức bán hàng trực tiếp tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Năm, 23/12/2021 11:15:00 +07:00
(VTC News) -

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu hút vốn, hoạt động bất hợp pháp đã ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chính thống ở Việt Nam đã tồn tại, phát triển trong gần 20 năm qua và đến nay ngành bán hàng đa cấp đã cơ bản được định hình, hoạt động trong quy củ, dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Tính đến hết năm 2020, trên thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động hợp pháp, đạt doanh thu hơn 15,4 nghìn tỷ đồng năm 2020 với tổng số lượng người tham gia hơn 800 nghìn người. Tổng số thuế các doanh nghiệp đã nộp về ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua, đã có nhiều hoạt động đa cấp biến tướng, lợi dụng đa cấp lừa đảo, thu hút tài chính, gây bức xúc dư luận.

Có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp như hoạt động của hệ thống Gold Time Coffee, dự án “OWIFI”, My Aladin, các mô hình đầu tư tài chính, ngoại hối như Lion Group, Liber Forex... Bộ Công Thương đã phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương đưa ra những cảnh báo, tuyên truyền cho người dân về các hình thức lừa đảo này.

Bán hàng đa cấp: Hình thức bán hàng trực tiếp tiềm ẩn nhiều nguy cơ - 1

(Ảnh minh họa).

Trên địa bàn Hà Nội, tính đến hết quý I/2021 có 19 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động, kinh doanh các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Thực tế đến nay, mạng lưới hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó kiểm soát.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CTVBVNTD), Bộ Công Thương sau kiểm tra chuyên ngành đã liên tiếp đưa ra 2 cảnh báo về các sai phạm trong bán hàng đa cấp.

Cụ thể, Cục CTVBVNTD đã xử phạt 605 triệu đồng và quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Công ty TNHH Morinda Việt Nam (địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội; bán hàng đa cấp sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm).

Nguyên nhân do doanh nghiệp này vi phạm quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về trách nhiệm thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; về vận hành và cập nhật thường xuyên trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp; vi phạm quy định về trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, công ty vi phạm quy định về lưu hành hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không có đầy đủ thông tin cơ bản; trách nhiệm thông báo sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi.

Công ty cũng vi phạm quy định trách nhiệm thực hiện đúng quy tắc hoạt động đã đăng ký; về cấm duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng, vị trí kinh doanh, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương.

Đặc biệt, công ty này đã cung cấp thông tin gian dối trong hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Một trường hợp khác, Công ty đa cấp Mỹ phẩm Thường Xuân (phân phối Oriflame) cũng đã chấm dứt hoạt động. Đây từng là một trong 4 công ty đa cấp có doanh thu lớn nhất Việt Nam, nhưng cũng có nhiều  vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Bán hàng đa cấp: Hình thức bán hàng trực tiếp tiềm ẩn nhiều nguy cơ - 2

(Ảnh minh họa).

Cục CTVBVNTD cũng cảnh báo người dân cảnh giác với tổ chức có tên Jeunesse hay Jeunesse Global. Hiện nay, Cục CTVBVNTD chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên Jeunesse hay Jeunesse Global, nhưng đã có hàng loạt hội nghị, hội thảo giới thiệu về các sản phẩm và mời gọi người tham gia vào mạng lưới này.

Bán hàng đa cấp là một trong những hình thức bán hàng trực tiếp tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bán hàng đa cấp chính là hoạt động bán hàng theo hình thức “truyền tai” từ người này tuyên truyền cho người kia để nhân rộng mạng lưới bán hàng.

Người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp thực chất cũng chính là một người tiêu dùng, bởi họ cũng là người mua hàng hóa, nhưng là mua với một số lượng lớn để đi bán và lôi kéo người khác gia nhập hệ thống bán hàng, để rồi được nhận hoa hồng.

Mặc dù đây là hình thức bán hàng rất bình thường nhưng đã có nhiều tổ chức, kinh doanh lợi dụng để núp bóng lừa đảo người tiêu dùng.

Chẳng hạn như trong tháng 3/2021, Công an thành phố Hà Nội đã có kết quả điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp đặc biệt lớn, với gần 90.000 người bị hại ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc với giá trị hàng chục triệu USD.

Hay là đường dây lừa đảo của tổ chức huy động tín dụng đa cấp qua mạng Callysinvest đã hoạt động từ tháng 8/2007, đến thời điểm bị bắt đã có khoảng 5.000 người bị lừa chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với tổng số tiền là 5 triệu USD…

Đó là một con số không hề nhỏ là lời cảnh tỉnh đối với người dân. Vì vậy, với tâm thế là người tiêu dùng, bạn hãy thận trọng và sáng suốt trong quá trình lựa chọn mua bán, đặc biệt là trong lĩnh vực mua bán hàng trực tiếp để đảm bảo quyền và lợi ích của chính mình.

Nhật lệ
Bình luận
vtcnews.vn